VNExpress

Thứ năm, 28/3/2024
Chọn địa danh
Thứ bảy, 23/1/2021, 02:08 (GMT+7)

Cảng cá 'phố đảo' nhộn nhịp cuối năm

Kiên GiangTôm cá theo thuyền về bờ tháng cuối năm, sau chuyến đi này tàu thuyền và ngư dân sẽ nghỉ tết.

Tỉnh Kiên Giang có nghề khai thác đánh bắt thủy sản phát triển, với đoàn tàu cá khoảng 10.000 chiếc có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên, trong đó có gần 4.000 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, đủ điều kiện vươn ra đánh bắt xa bờ. Các tàu khai thác hoạt động gần 20 loại nghề, thuộc 5 nhóm nghề chính: Lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và dịch dụ hậu cần, trong đó hai nghề chiếm tỷ lệ lớn là lưới kéo và lưới rê.

Hàng ngày tại cảng An Thới, Phú Quốc có hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ đỗ tránh gió chờ ra khơi.

5h30 sáng tại cảng An Thới (TP Phú Quốc), tàu thuyền sau nhiều ngày lênh đênh đánh bắt cá tôm đã trở về bờ. Cá sau nhiều ngày đánh bắt được ướp đá trong khoang để giữ tươi. Cá chất đầy khoang tàu sẽ về cảng phân loại để tiêu thụ.

Hiện nay, nhiều tàu cá của ngư dân địa phương hiện đã được trang bị phương tiện hiện đại (máy định vị, dò cá, thông tin liên lạc tầm xa...), ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sạch, góp phần nâng cao năng lực đánh bắt thủy sản, giảm thất thoát sau khai thác... Vào tháng cuối năm, những tàu về bờ sẽ chuẩn bị nhiên liệu và đá để ra khơi dài ngày rồi nghỉ tết. Tàu nhỏ đánh bắt 5-7 ngày, tàu lớn đi xa sẽ dài ngày hơn.

Anh Huỳnh Văn Minh (An Thới) vui vẻ khoe con cá lớn vừa đánh bắt được sau chuyến đánh bắt dài ngày. Tàu cá lớn khi về bến, chỉ có thể đậu xa bờ nên chủ thuyền sử dụng thuyền nhỏ chung chuyển chở cá về sát bờ, để lái buôn chọn lựa.

Vốn có nghề lái taxi, mỗi ngày phải nộp lại cho hãng 700 ngàn đồng, nhiều tháng nay dịch Covid không có khách, nên anh chuyển nghề đi biển để kiếm thêm thu nhập do dịp tết. Mỗi ngày đi biển cũng kiếm được từ 500 ngàn đồng, anh cho biết thêm.

Cá ngừ, nhồng, nhói, thu, tráp, nhám, cơm,...là những loại cá thường đánh bắt được tại vùng biển này.

Lái buôn ở những chợ cóc nhỏ tìm đến mua hải sản từ những chủ thuyền hoặc lái buôn lớn hơn. Sọt cá mú đỏ và cá mú cọp được người dân thu mua hết ngay từ khi lên bờ. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, bổ dưỡng, vị ngọt, dai đặc trưng nên được nhà hàng và thực khách ưa chuộng.

"Cá đưa từ hầm tàu ra, sau khi mua bán sẽ nhanh chóng chuyển đi tiêu thụ để giữ cho cá tươi. Các loại cá được đánh bắt lâu ngày và ướp đá nếu không xử lý nhanh có thể bị hư hỏng", anh Nguyên Tuấn chuyên chở các cho các nhà hàng ở Thị trấn An Thới nói.

7h những xe cá cuối cùng rời cảng.

Chợ cá An Thới các cảng vài trăm mét là nơi người bán lẻ tập trung bắt đầu đông đúc từ lúc 7h30, đây là chợ cá lớn thứ 2 thành phố sau chợ cá Dương Đông cách đó gần 30km.

Loại tôm biển lớn giá chỉ hơn 350 ngàn đồng/kg, khoảng 6 con.

Đây là chợ cá bán lẻ tập trung đầy đủ cá loại hải sản vừa đánh bắt về. Người dân có thể mua nhiều, ít, hoặc từng khúc tuỳ nhu cầu.

Tàu cá về bờ khi cá đã đầy khoang, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt ngắn từ 4 ngày, dài cả tháng, thuyền trở về lúc sáng sớm, hoặc trong đêm. "Với hầu hết tàu cá đánh bắt xa bờ thì đây là thời điểm về bờ bán cá, tiếp nhiên liệu để chuẩn bị cho hành trình mang tết về nhà", Nguyễn Văn Sa chủ một tàu cá cho biết.

Phú Quốc mỗi năm có 3 tháng mùa mưa, sóng lớn và gió, nên tàu thuyền và lồng bè phải di dời tới nơi tránh trú án toàn. 9 tháng mùa khô tàu đậu phía nam đảo bên cạnh những khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Ngọc Thành

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net