Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 27/1/2021, 00:00 (GMT+7)

Những voi đực còn ngà ở Đăk Lăk

Đăk LăkNhững voi đực còn ngà hiếm hoi tại Đăk Lăk đang được nhiều quản tượng và các chuyên gia chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt, tránh kẻ xấu dòm ngó.

Voi Thoong Khăm, 26 tuổi, đứng giữa lùm cây rừng thuộc Trung tâm bảo tồn voi (ECC), huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk. Đây là voi có cặp ngà đẹp và nguyên vẹn trong số 38 voi thuần dưỡng tại tỉnh này.

Hai mươi năm trước, tại huyện Tánh Linh, Bình Thuận, một đàn voi dữ kéo về phá hoại mùa màng, nhà cửa, quật chết 12 người dân. Sau đó, nhà chức trách đã tổ chức bắt và chuyển 6 con voi đến Vườn quốc gia Yok Ðôn. Hai con voi nhỏ sau khi thả vào rừng mùa khô lại tìm về xung đột với đàn voi nhà, phá hoại tài sản và hoa màu, đe dọa tính mạng người dân, buộc Ban quản lý dự án bảo tồn voi phải bắt lại và tổ chức thuần dưỡng. Chúng được đặt tên là Thoong Khăm (Cậu bé vàng) và Thoong Ngân (Cậu bé bạc).

Trong hai năm 2006 - 2007, Thoong Khăm được đưa đi phục vụ đoàn xiếc, do di chuyển và nuôi nhốt nhiều, voi trở nên hung dữ hơn. Hiện voi được thả vào rừng, có quản tượng chăm sóc tại khu vực do ECC quản lý.

Y Tý Niê (trái) là quản tượng duy nhất ở Buôn Đôn có khả năng quản thúc, kiềm chế sự hung dữ của con voi này.

Cách đó gần 20 km, tại Vườn quốc gia Yok Đôn, voi Thoong Ngân (Cậu bé bạc) đứng hóng mát bên bìa rừng. Voi có một vết rách ở bên tai, một bên ngà phải bị kẻ gian cưa trộm vào năm 2015. Thoong Ngân từng chuyên chở khách du lịch ở Buôn Đôn. Từ 17/3/2018, voi tham gia tham gia mô hình chuyển đổi du lịch thân thiện "Không cưỡi voi" do Tổ chức Động vật Châu Á khởi xướng.

Sau 6 năm, phần ngà bị cưa trộm của Thoong Ngân đã mọc lại. Đây là voi đực trưởng thành đang ở độ tuổi sinh sản được thả về rừng và có quản tượng trông coi để tránh gặp kẻ gian. Trung tâm Bảo tồn voi ghi nhận, tại Đăk Lăk có tình trạng voi bị dí điện rồi chém đến chết, hay bị cắt gân chân rồi đập vỡ đầu để lấy ngà, nhiều voi bị cắt đuôi, nhổ lông bán cho du khách. Hiện voi được ECC giám sát trong Vườn quốc gia Yok Đôn.

Voi Jun (11 tuổi) là voi hoang dã được ECC cứu hộ vào tháng 2/2015 khi mới nặng khoảng 450 kg. Voi bị trúng bẫy bên chân trái. Voi được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước chăm sóc suốt nhiều năm nay nhưng vết thương vẫn chưa khỏi hẳn. Đây là voi nhỏ tuổi nhất có đủ cặp ngà ở tỉnh Đắk Lắk. Mỗi ngày 4 lần, Jun được hai bác sỹ chăm sóc rửa vết thương, gọt bỏ tế bào chết, cho ăn và tắm. Hiện nó đang sống trong khu vực rộng 7.000 m2, vây quanh là hàng rào điện để đảm bảo an toàn cho người và voi.

Voi Y Mâm (49 tuổi) thuộc sở hữu của một người kinh doanh du lịch thuộc huyện Lăk. Voi được chủ mua từ huyện biên giới Ea Súp và từng húc quản tượng. Tháng 5/2020, voi húc chết người chăm sóc tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk. Con voi này sau đó được cưa ngà, xích chân và đưa về khu đồi núi ít người lui tới để tránh gây nguy hiểm cho người dân.

Quản tượng Y Vinh hiện là người duy nhất khiến voi sợ và nghe theo.

Quản tượng Y Vinh cũng đang chăm sóc một con voi khác đực khác là Y Khăm Sen (29 tuổi) có một ngà hiếm có.

"Đây là voi đực có bản tính hiền lành, nhưng là động vật hoang dã nên chỉ nghe lời quản tượng, người lạ không nên đến gần. Hiện voi được thả trong rừng, khi nào nhà có việc cần mới đưa voi về," quản tượng đời thứ 4 trong gia đình có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Lăk nói.

Theo quản tượng, mỗi năm, voi Y Khăm Sen được đưa về nhà làm việc khoảng một tuần (để kéo lúa hoặc chở khách du lịch), còn lại ở rừng. Hàng năm, voi được làm lễ cúng sức khỏe - nghi thức nhắc nhở chăm sóc, bảo vệ voi; cầu may mắn cho chủ voi.

Ba năm gần đây, voi được định hướng vào Dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, nhằm mang lại phúc lợi cho voi, không sử dụng vào mục đích cưỡi hay làm việc nặng mà để voi sống trong tự nhiên có người chăm sóc, du khách có thể đến tham quan ngắm voi từ xa...

Voi Khăm Sen (58 tuổi) là một trong những con voi đực lớn tuổi nhất ở huyện Lăk. Hàng ngày voi đứng tập trung cùng nhiều voi cái khác ở bên hồ Lăk để chờ chở khách du lịch, tối đưa lên đồi để nghỉ ngơi. Trung bình mỗi chuyển chở khách (khoảng 10 phút), voi mang lại cho chủ từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Voi Khăm Sen có cặp ngà bị gọt phần đầu nhọn để tránh gây nguy hiểm cho khách du lịch và người chăm sóc.

Tại Việt Nam, Đăk Lăk là tỉnh có số lượng voi, gồm voi hoang dã và voi nhà nhiều nhất cả nước. Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk, tính đến năm 2019, quần thể voi hoang dã còn khoảng 80 -100 con, voi nhà 38 con. Gần 30 năm qua, Việt Nam chưa ghi nhận ca sinh sản thành công, dù đã có 3 trường hợp voi nhà mang thai nhưng không sống sót.

Ngọc Thành