Thứ năm, 28/3/2024
Thứ tư, 27/1/2021, 09:16 (GMT+7)

Nghề làm chổi đót

Hà TĩnhNgười dân thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà mỗi ngày làm gần 100 chiếc chổi đót, thu nhập một tháng hơn 10 triệu đồng.

Anh Phan Văn Quang, 51 tuổi, làm chổi đót được 30 năm. Đây là nghề truyền thống do bố mẹ truyền lại và được vợ chồng anh duy trì.

Hà Ân là làng làm chổi đót nổi tiếng của Hà Tĩnh với gần 200 hộ dân theo nghề. Bán chổi mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân.

Nguyên liệu chính để làm chổi là cây đót, được nhập từ Lào và các tỉnh miền núi phía bắc như Điện Biên, Thái Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn... Bông đót làm chổi phải cắt khi còn xanh và chưa nở hoa. Đót phơi khô phải có màu sáng, mịn, dai để làm chổi cho bền và chắc.

Đầu tháng 12 đến tháng 2 âm lịch năm sau là vào vụ đót, thương lái chở về thôn Hà Ân nhập cho người dân. Mỗi hộ mua 9 đến 15 tấn đót cất trong kho dùng quanh năm. Một kg đót khô giá hơn 30.000 đồng.

Bà Tô Thị Trâm, 43 tuổi, vợ ông Quang, cho biết công đoạn đầu tiên là tước bông đót thành từng bó nhỏ, mỗi bó trừ lại một phần cuống dài để làm cuống chổi. Khi bó đót phải quấn đều và chặt tay, nếu lỏng thì sau này hoàn thành, cây chổi sẽ dễ bị lỏng và rời ra khi sử dụng.

Gia đình bà Trâm làm hai loại chổi, là chổi cán nhựa và cán đót.

Với chổi cán nhựa, sau khi bó đót tạo hình rẻ quạt, bà Trâm nhét phần cuống đót vào cán nhựa.

Cán nhựa để gắn vào chổi có nhiều màu, được mua với số lượng lớn, giá sỉ là 26.000 đồng một chục.

Bỏ bó đót vào cán nhựa xong, người thợ dùng sợi thép để xâu "chân tít". Công đoạn này làm cho chổi xòe ra và cố định để tăng diện tích bề mặt khi quét.

Sau khi bố mẹ hoàn tất xâu "chân tít", con gái đầu của bà Trâm dùng máy bắn đinh vít để cố định phần đầu của chổi và cán nhựa. Một kg đinh vít giá 40.000 đồng, mỗi cây chổi sẽ phải bắn 3 chiếc đinh.

Chổi cán đót cũng làm các công đoạn tương tự chổi cán nhựa. Điểm khác là ở phần "chân tít" được kết hai vòng bằng dây mây.

Cán chổi dài khoảng một mét, được quấn chặt bằng dây mây hoặc dây thép ở phần cuối để các que đót không bị rời ra.

Tạo hình xong cây chổi, con gái thứ hai của bà Trâm dùng búa gỗ đập vào điểm nổi giữa "chân tít" và cán chổi để nén chặt, tăng độ chắc chắn.

Cuối cùng, bà Trâm đặt chổi lên tấm gỗ, dùng dao chặt phần đầu và cán cho gọn gàng.

Chổi cán nhựa giá 16.000-20.000 đồng/chiếc, lãi khoảng 4.000 đồng. Chổi cán đót bán 25.000-30.000 đồng, lãi một chiếc 10.000 đồng. Chổi cán đót làm mất thời gian hơn ở công đoạn xâu "chân tít" và buộc cán, do vậy người dân ít sản xuất, chỉ làm theo đơn đặt hàng.

"Trung bình một ngày gia đình tôi làm được gần 100 chiếc, chủ yếu là cán nhựa. Ngoài ra, tôi làm một vài chổi cán đót cho một số khách hàng thân quen. Mỗi tháng doanh thu từ làm chổi 40-50 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí mua vật liệu lãi 12 triệu đồng", bà Trâm nói.

Con gái thứ hai của bà Trâm khoe thành quả sau một buổi chiều giúp bố mẹ làm chổi.

Gần Tết, các gia đình ở thôn Hà Ân đều cố gắng tăng ca, huy động các thành viên tham gia hỗ trợ nhiều công đoạn, làm từ 6h sáng đến 22h tối.

Chổi làm xong được người dân xếp lên xe đẩy chở đến nhập cho một số tư thương trong thôn. Tư thương mua sản phẩm của làng nghề Hà Ân đi bán ở các chợ trên địa bàn Lộc Hà, hoặc nhập cho những cửa hàng bán lẻ ở nhiều tỉnh thành.

Đức Hùng