Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ năm, 28/1/2021, 09:00 (GMT+7)

Nông dân nhổ củ kiệu bán Tết

Khánh HòaGiữa tháng Chạp, người dân ở huyện Cam Lâm tất bật thu hoạch củ kiệu để bán cho thương lái đưa đi tiêu thụ dịp Tết Tân Sửu.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 120 hecta trồng kiệu, trong đó huyện Cam Lâm hơn 90 hecta, phân bố các xã Cam Hiệp Nam, Can An Nam, Cam Thành Bắc...

Vào tháng Chạp, trên hơn 20 hecta kiệu tại xã Cam Hiệp Nam, lá đã ngả vàng trên những cánh đồng, đánh dấu thời điểm để thu hoạch củ kiệu.

Tại ruộng kiệu 5.000 m2 của ông Nguyễn Văn Toàn, 49 tuổi, có hơn 20 người được thuê để thu hoạch.

Mùa trồng kiệu bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch và giống phải mua tại tỉnh Đồng Tháp. Suốt thời gian canh tác, người trồng phải thường xuyên chăm sóc, bón phân, xử lý sâu bệnh để cây phát triển đều, cho củ to tròn.

Theo ông Toàn, một sào kiệu đầu tư khoảng 35 triệu đồng, sản lượng trung bình khoảng 1,2 tấn. Năm nay, thời tiết thay đổi thất thường, lại thiếu nước một sào gia đình ông thu hoạch chỉ gần một tấn. Nhưng nhờ thương lái đặt mua từ trước nên ông bán được giá hơn 30.000 đồng một kg.

Các chủ ruộng gọi thêm lao động nhổ củ kiệu để kịp bán Tết. Trời nắng kèm theo mùi kiệu làm cay mắt, các nhân công phải đeo găng tay, đeo khẩu trang, mang ủng và đội nón kín mới làm được.

Công việc này không cần chuyên môn, nhưng phải nhanh tay và chịu khó. Người làm dùng tay nhổ củ kiệu nằm cách mặt đất chưa đến 10 cm. Từng bụi kiệu được đưa lên giũ bỏ đất cát, cắt rễ và lá, chỉ cho củ vào bao tải.

Lần đầu tiên đi làm, anh Lê Ngọc Lĩnh (32 tuổi, đội mũ bảo hiểm bên phải) bị liềm cứa vào tay trái lúc cắt kiệu, chảy máu.

Anh Lĩnh làm xây dựng, nhưng gần đây hết công trình nên theo mọi người nhổ củ kiệu. "Mới đầu làm chưa quen nên gặp sự cố, may mắn vết thương nhẹ", anh nói.

Củ kiệu ngoài đưa đi các nơi, người dân địa phương cũng tới ruộng mua về để muối chung với cà rốt, củ cải..., các món ăn kèm với bánh chưng, thịt heo trong ngày Tết.

Bà Lê Thị Tỷ, 47 tuổi, cho biết gần tuần nay đi nhổ kiệu với tiền công 1.200 đồng mỗi kg, mỗi ngày thu nhập khoảng 170.000-180.000 đồng. Công việc thu hoạch này thường kéo dài khoảng 20 ngày.

Công việc bắt đầu từ 5h30, kết thúc lúc 10h30. Sau khi nhổ xong một luống, bà tranh thủ lấy bánh chưng mang theo để ăn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, 45 tuổi, bốc vác các bao củ kiệu gom lại một góc ruộng để chờ đưa đi rửa, mỗi ngày thu nhập 300.000 đồng.

Lối vào các ruộng kiệu ngoằn ngoèo, nhỏ, ôtô tải không thể đến tận nơi. Anh Lê Huỳnh Nhân, 27 tuổi, phải dùng xe bò chở những bao kiệu ra điểm tập kết cách đó khoảng 300 m để rửa.

Gần trưa, những người đàn ông sẽ mang kiệu xuống các mương nước rửa sạch đất cát. Sau đó, thương lái đến cân và đưa đi trong ngày.

Ông Nguyễn Quốc Việt, 49 tuổi, xã Cam Hiệp Nam giới thiệu về kiệu của gia đình trồng được to, tròn nhưng bán giá chỉ 25.000-30.000 đồng một kg, trong khi năm trước 35.000-40.000 đồng.

Ngoài số kiệu trồng được, ông Việt còn mua thêm hai hecta kiệu của người dân trong vùng đã trồng rồi tự thu hoạch để bán. "Sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 100 triệu đồng. Số tiền này để dành vốn cho vụ kiệu sau và lo cho con trai đang học đại học cùng con gái học lớp 11", ông Việt chia sẻ.

Trong một ngày, chủ ruộng kiệu có thể thu hoạch 400-500 kg. Họ trải bạt phía dưới rồi đổ kiệu lên trước khi thương lái cho vào bao tải chở đi các địa phương khác tiêu thụ.

Xuân Ngọc