Thứ tư, 24/4/2024
Thứ năm, 4/2/2021, 12:05 (GMT+7)

Lễ cúng ông Táo của gia đình Sài Gòn

Sáng 23 tháng Chạp, bà Dương Thị Hường, 65 tuổi, quận 4, TP HCM cùng chồng đi chợ mua hoa cúc, trái cây, kẹo thèo lèo... để làm lễ cúng ông Táo.

Như nhiều gia đình Sài Gòn khác, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, vợ chồng bà Dương Thị Hường (quận 4) đi chợ từ sáng để sửa soạn mua đồ cúng để "tiễn ông Táo chầu trời".

Hai vợ chồng đi bộ khoảng 300 m ra khu chợ gần nhà chọn mua lễ cúng Táo quân. "Vật phẩm cúng của người miền Nam đơn giản, căn bản có hoa cúc, trái cây, kẹo thèo lèo, bộ vàng mã 'cò bay, ngựa chạy' và chè trôi nước chứ không mua cá chép như miền Bắc", người phụ nữ 65 tuổi cho biết, tay lựa bó hoa cúc.

Bà Hường ghé quầy vàng mã chọn mua nhang đèn, đồ đốt cho Táo quân và bịch kẹo thèo lèo. Bộ vàng mã đốt sau khi cúng ngoài trang phục giấy, tiền bạc và cá chép cho các Táo thì không thể thiếu bộ "cò bay ngựa chạy".

"Vàng mã cò bay, ngựa chạy là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy dùng để hóa sau khi xong lễ với mong muốn Táo về chầu trời nhanh hơn", bà Hường nói.

Tại chợ, hai vợ chồng mua thêm trái cây để cúng, gồm là cam, quýt, chuối... tùy vào lòng thành của gia chủ. Chi phí cho một mâm cúng đầy đủ vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng.

Tại gian bếp của gia đình, bà Hường dọn dẹp, sắp xếp nước cúng, nhang đèn và không thể thiếu bình hoa cúc khi cúng tiễn Táo quân chầu trời.

Kẹo thèo lèo được làm từ mè đen và đậu phộng là vật phẩm độc đáo trong lễ cúng ở miền Nam. "Món này người Sài Gòn hay gọi là thèo lèo phân chuột và quan niệm mọi thứ vừa đủ nên mâm cúng không cần cao lương mỹ vị", bà Hường nói.

Ngày cúng Táo quân còn có món chè trôi nước. Người dân quan niệm món chè này dễ ăn no, viên tròn trơn tru, có nhiều nước. Vì vậy khi ăn ông Táo được no bụng, điều kiện về trời cũng "xuôi chèo mát mái".

Sau khi bày biện đầy đủ vật phẩm, bà Hường làm lễ cúng vào lúc 10h tại gian bếp.

"Trước kia người miền Nam thường cúng chiều và tối khi đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng nhằm tránh làm phiền đến các Táo. Nhưng giờ giao thoa văn hóa nên nhiều nhà cũng cúng sớm để ông Táo còn kịp về báo cáo với Ngọc Hoàng", bà giải thích.

Mâm cúng ông Táo được đặt trang trọng trên bếp gas của gia đình.

Sau khi nhang cháy được 1/3, ông Cao Trung, chồng bà Hường lấy bộ vàng mã đem đốt để kết thúc lễ cúng.

"Năm nào dù bận rộn đến đâu nhà tôi cũng làm lễ cúng ông Táo chầu trời một cách đơn giản. Mong ông Táo tâu lên những điều tốt đẹp của gia đình và cầu bình an, sức khoẻ cho cả nhà", ông Trung nói.

Quỳnh Trần