Thứ bảy, 6/2/2021, 00:05 (GMT+7)

Làng làm miến dong vào vụ Tết

Xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thuỷ là nơi có nghề sản xuất miến dong lớn nhất Thanh Hoá, hàng năm đưa ra thị trường gần 500 tấn hàng, nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán.

Nghề làm miến dong ở Cẩm Bình có từ hơn 30 năm trước. "Ban đầu chỉ sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp, chủ yếu các hộ làm miến để đáp ứng nhu cầu thức ăn dịp Tết cho gia đình nhưng dần dà thành nghề truyền thống quy mô lớn", bà Phạm Thị Oanh, 60 tuổi, ở thôn Tô nói.

Hiện Cẩm Bình có 150 hộ tham gia làm miến dong. Người dân sản xuất quanh năm song tất bật nhất vào ba tháng cuối năm và dịp áp Tết Nguyên đán vì nhu cầu thị trường tăng cao đột biến.

Nguyên liệu sản xuất miến là củ dong riềng (loại củ màu nâu đen, vân đốt sần sùi gần giống củ riềng). Cây dong riềng chủ yếu được trồng trên vùng đất đỏ bazan, phân bố nhiều ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc. Sau khi thu hoạch, người trồng dong sẽ cắt bỏ gốc rễ, rửa sạch rồi đem nghiền thành bột.

Sau nhiều lần lắng lọc trong các bể chứa, khi nào bột đóng thành tảng, trắng tinh, mềm mịn sẽ có thể dùng làm miến.

Bà Phạm Thị Quyên, 52 tuổi đang ngồi tráng bánh trong cơ sở sản xuất Đồi Ao, thôn Tô. Đây là công đoạn quan trọng trong quy trình làm miến dong. "Người tráng bánh chủ yếu là phụ nữ khéo tay, tỉ mỉ...", bà Quyên giải thích, vừa đưa đôi tay thoăn thoắt lấy chiếc bánh đã chín, bà lại đổ thêm mẻ bột mới vào chiếc nồi đang bốc khói nghi ngút..

Nữ công nhân khuấy đều chậu bột, sau đó múc một gáo vừa đủ rải đều trên chiếc mành úp trên miệng nồi lớn. Cứ 2-3 phút, bánh sẽ chín.

Từng chiếc bánh được tráng thủ công sau đó sẽ được người thợ đem phơi trên những cây sào tre trong xưởng.

Nếu trời nắng hoặc hanh khô, sau chừng hơn một buổi, công nhân sẽ thu bánh đem thái. "Bánh khi thái là lúc đã khô nước song vẫn còn mềm, không quá giòn, nếu không sợi miến sẽ nát, nhìn không đẹp mắt...", bà Oanh chia sẻ kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề.

Miến dong truyền thống ở Cẩm Bình chủ yếu được làm thủ công, chỉ có lúc thái là có máy móc cơ giới hỗ trợ.

"Ngày xưa thái miến cũng làm thủ công bằng dao hoặc quay tay, giờ có máy làm nhanh hơn, công suất gấp hàng chục lần so với trước mà sợi miến lại đều, đẹp", nữ công nhân Phạm Thị Quyên chia sẻ. Bà cho hay, lúc máy thái hoạt động, người thợ phải rất tập trung nếu không có thể gặp tai nạn do bàn tay bị cuốn vào.

Những ngày này, cơ sở sản xuất miến dong Đồi Ao cho ra lò cả tấn miến khô. Trong các phân xưởng rất tất bật, người rửa dong, người tráng bánh, người phơi rồi thu loại thành phẩm vào kho.

Vào dịp cao điểm áp Tết, những công nhân làm miến ở Cẩm Bình thường thức dậy lao động từ sáng sớm và chỉ nghỉ khi trời đã về khuya. Bà con cho hay, làm nghề này không vất vả nhưng đòi hỏi người thợ phải có tính tỉ mỉ, chịu khó vì ngồi miết bên lò lửa và khói bếp.

Sản phẩm miến dong truyền thống ở Cẩm Thuỷ được người tiêu dùng đánh giá có độ dai ngon, vị ngọt và sợi miến trong hơn vùng khác.

Những người thợ lâu năm trong nghề ở đây cho hay, làm miến dong không có bí quyết gì đặc biệt. Để có những mẻ miến ngon, chất lượng nhất, quan trọng là mẻ bột sạch sẽ và khi phơi phải được nắng để miến không bị ẩm, mốc hoặc lên men gây chua.

Chị Đỗ Thị Huyên, 46 tuổi, chủ cơ sở sản xuất miến dong Đồi Ao (bên trái) đang bán miến cho khách hàng vào tận xưởng mua. "Năm nay miến được giá, có lúc lên đến 70-80 nghìn đồng một kg không có hàng để bán", chị Huyên nói.

Miến dong Cẩm Bình được xuất đi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các tỉnh phía Nam...

Ông Lê Minh Đức, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho hay, vụ sản xuất 2020 toàn xã cung ứng khoảng 480 tấn miến ra thị trường. Địa phương đang quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất theo quy trình khép kín để hướng đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, vừa góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động lúc nông nhàn.

Lê Hoàng

Đánh giá phiên bản mới