Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ năm, 4/2/2021, 14:53 (GMT+7)

Dựng nêu trong Hoàng cung triều Nguyễn

Thừa Thiên - HuếDưới triều Nguyễn, cây nêu làm bằng tre được dựng trước Hiển Lâm Các ở Thế Tổ Miếu báo hiệu toàn dân được nghỉ Tết.

Sáng 4/2 (23 tháng Chạp Âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tổ chức dựng nêu trong Hoàng cung triều Nguyễn. Theo nghi thức xưa, triều đình sẽ dựng cây nêu trước Thế Tổ Miếu, báo hiệu kỳ nghỉ Tết bắt đầu. Thế Tổ Miếu là nơi đặt án thờ vua Gia Long và các vị vua của triều Nguyễn.

Trong trang phục áo quan, binh lính triều Nguyễn, đoàn rước nêu xuất phát từ cửa Hiển Nhơn đi qua Triệu Tổ Miếu, điện Thái Hòa để đến Hiển Lâm Các ở Thế Tổ Miếu.

Đoàn rước có 10 binh lính vác cây nêu làm bằng tre (dài hơn 15 m) và đội nhã nhạc, đội cờ phướn. Trên đường rước nêu, đội nhã nhạc cung đình Huế sẽ tấu các bản nhạc.

Trước khi dựng nêu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bày biện một mâm cỗ, gồm lợn, gà, xôi và mâm ngũ quả để cúng. Xưa kia, vật phẩm cúng trong lễ dựng nêu đều do các vị quan trong Bộ Lễ chuẩn bị.

Dưới triều vua Minh Mạng, triều đình thường chọn một số ấn triện để treo lên ngọn nêu với ý nghĩa triều đình không tiếp nhận văn thư, không đóng dấu nữa, ngày này làm lễ khóa ấn (cất ấn triện). Các ấn triện sử dụng trong triều Nguyễn được khắc hình con rồng tượng trưng cho quyền lực của nhà vua. Học theo người xưa, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng chọn một một số ấn triện bỏ vào sọt để treo lên nêu.

Nghi thức dựng nêu được cử hành nghiêm trang với sự tham gia của đội nhã nhạc cung đình Huế. Để phòng chống Covid-19, tất cả người tham dự buổi dựng nêu đều phải mang khẩu trang.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, trong trang phục áo dài khăn đóng cùng các thành viên trong ban giám đốc dâng hương, chủ trì lễ cúng dựng nêu.

Sau lễ cúng, vàng mã được binh lính đốt trong lư hóa vàng mã đặt trước sân Hiển Lâm Các.

Ấn triện, câu đối, phướng vải màu đỏ dài được trên lên ở phần ngọn cây nêu làm bằng tre.

Cây nêu được các binh lính dựng lên ở Hiển Lâm Các trước Thế Tổ Miếu. Theo nghi thức của triều Nguyễn xưa, khi cây nêu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu ăn Tết, cúng Thần cùng tổ tiên.

Sau Thế Tổ Miếu, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cũng dựng nêu ở Triệu Tổ Miếu nơi thờ chúa Nguyễn Kim, điện Long An nay là Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.

Theo quan niệm xưa, trong đời sống cung đình ở Huế, làm lễ dựng nêu để báo hiệu mùa xuân về, đồng thời để cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn thuận lợi.

Đến ngày mùng 7 tháng Giêng mới mở ấn, hạ nêu và tiễn Thần gọi là mở đầu năm mới.

Võ Thạnh