Thứ năm, 28/3/2024
Thứ hai, 15/2/2021, 14:05 (GMT+7)

Chui qua bụng ngựa cầu may trong ngôi chùa người Hoa

TP HCMNgày mùng 4 Tết, nhiều người đến chùa Ông (quận 5) hành lễ và chui qua bụng tượng ngựa để cầu mong may mắn, lộc tài.

Chùa Ông hay còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc Hội quán Nghĩa An, do người Hoa xây dựng. Chùa thờ Quan Công (hay Quan Thánh đế quân), một nhân vật thời Tam Quốc tài đức vẹn toàn. Chùa có thêm một gian thờ dành riêng cho ngựa Xích Thố - con chiến mã của Quan công.

Sau khi dâng lễ xong, người hành lễ chui qua bụng ngựa từ một đến 3 lần. Họ hy vọng rằng làm như vậy sẽ giúp cả năm hanh thông, thoải mái.

Sau khi chui qua bụng ngựa, người đi lễ sẽ rung chuông trên cổ Xích Thố cho tiếng kêu vang. Người Hoa tin rằng, tiếng leng keng vang vọng sẽ đem lại may mắn suốt cả năm cho người tự tay rung quả chuông đó.

Không chỉ chui qua bụng ngựa và rung chuông; khách đi lễ chùa còn sờ vào các tượng ngựa, Quan Công ở gian thờ với hy vọng có thêm lộc năm mới. "Tết nào gia đình tôi cũng đến chùa Ông viếng, mong một năm nhiều may mắn, sức khoẻ đến với gia đình", chị Lưu Mỹ Linh (quận 10) nói, đồng thời chỉ dẫn con trai sờ vào tượng ngựa lấy may.

Chính điện chùa ở vị trí trung tâm, giữa có gian thờ Quan Thánh đế quân trang trí bao lam lưỡng long tranh châu cùng nhiều câu đối sơn son thếp vàng ở các cột. Chùa được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19, vốn là hội quán của người Triều Châu và người Hẹ sang Việt Nam sinh sống thành lập. Như phần lớn các đền miếu của người Hoa, công trình có kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu. Chùa gồm các hạng mục như tiền điện, sân thiên tỉnh, nhà hương, chính điện và văn phòng hội quán dọc hai bên các điện thờ.

Những ngày đầu năm mới, khách đến viếng chùa đông đúc cả ngày. Tất cả đều phải đo thân nhiệt, rửa tay và đeo khẩu trang trước khi vào trong. Nhà chùa thường xuyên nhắc nhở du khách không đốt quá ba cây nhang và không cắm nhang trong chánh điện.

Nhiều người đến chùa còn xin quẻ ngày đầu năm.

Kiến trúc và trang trí ở chùa thể hiện rõ nét phong cách Trung Hoa qua thiết kế, cách bài trí các tượng, phù điêu bằng gốm trên mái ngói hay tượng kỳ lân, diềm gỗ... trên bộ vì kèo sơn màu đỏ thắm.

Xuyên suốt hệ thống mái là các hàng tượng to nhỏ, phong phú thể loại, được trang trí liên hoàn. Loại hình này được gọi là tiếu tượng. Mỗi tượng thể hiện một nhân vật, câu chuyện như: Cá chép hóa rồng, ông Nhật bà Nguyệt, Kim Đồng - Ngọc Nữ, các tuồng tích của Trung Quốc...

Với diện tích khoảng 4.000 m2, chùa là điểm tham quan thu hút du khách ở TP HCM. Hàng năm lễ cúng Quan Đế được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch là lễ cúng quan trọng nhất ở miếu.

Năm 1993, chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net