Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 16/2/2021, 09:00 (GMT+7)

Nghệ nhân làm khèn Thái cuối cùng ở Mường Lát

Thanh HóaÔng Hà Văn Tình phải vượt 3-4 quả đồi để tìm bụi cây mạnh pao và dành cả tuần để hoàn thiện một cây khèn.

Ông Hà Văn Tình, 57 tuổi, ở bản Bàn, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, là nghệ nhân cuối cùng ở huyện biên giới Mường Lát biết chế tác và thổi khèn Thái thành thạo. “Dù là nhạc cụ độc đáo, có giá trị thiêng liêng với đời sống văn hóa đồng bào Thái nhưng gần đây đã bị mai một...”, ông Tình giãi bày.

Sinh ra, lớn lên ở bản người Thái gần như xa nhất tỉnh Thanh Hóa, ông Tình biết thổi khèn từ khi còn là thiếu niên. Gần 20 năm trước, ông mua một cây khèn chuẩn từ mạn Sơn La, sau đó tháo ra nghiên cứu cấu tạo và phục chế khèn Thái. Dần dà, ông biết chế tác khèn điêu luyện.

Để làm cây khèn, ông Tình phải dành 7-10 ngày, có khi cả tháng. Thông thường, ông đi xe máy qua mấy quả đồi sang tận bản Poọng, cách nhà chừng 5 km để tìm cây mạnh pao - nguyên liệu chính dùng làm khèn.

Cây mạnh pao có thân gần giống cây nứa song nhỏ và ống dài hơn. Loại cây này chỉ mọc ở những triền đồi cao giáp Lào hoặc các cánh rừng xa nên mất nhiều công sức tìm kiếm.

Vì phải đi rất xa nên mỗi chuyến đi, ông Tình thường cùng vợ mang theo cơm nắm đi cả ngày. Ông băng rừng lấy một ngày được vài ba trăm cây, đem về dùng trong nhiều tháng. Khi nào hết, ông lại vào rừng chặt tiếp.

Đưa số cây mạnh pao về nhà, nghệ nhân sẽ dùng một que sắt dài, nhọn đầu để xuyên thủng những chiếc mắt trong thân cây.

Ông Tình sau đó cẩn thận bó thành từng bó nhỏ rồi dựng trong gian bếp hoặc góc nhà chờ cho cây khô. "Cây được chọn là những thân đã già, dáng thẳng đều, không bị sâu hoặc dị tật, nếu không khi làm khèn sẽ không cho âm thanh chuẩn...", ông giải thích.

Những cây không thẳng, nghệ nhân phải hơ lửa rồi cho vào chiếc khuôn uốn ép sao cho vừa ý.

Cẩn thận luồn từng ống vào Pố khèn sao cho đủ mỗi bên 7 ống. Một cây khèn Thái thường có 14 ống chia đều hai má, được đánh số từ một đến bảy hoặc theo nốt nhạc đồ rê mi....

Pố khèn (theo tiếng Thái nghĩa là cái cái), vừa có chức năng gia cố chiếc khèn cho chắc chắn, cũng là nơi người thổi truyền hơi thở vào trong thân khèn theo nhịp, giúp nó phát ra thứ âm thanh trầm bổng.

Gia cố cây khèn đã thành hình bằng pố và dây lạt xong xuôi, ông Tình dùng chiếc cưa nhỏ cẩn thận cắt từng ống một sao cho thật đều nhau.

Trước đó ông đã dùng mũi dao nhọn chích ngang thân cây mạnh pao một lỗ hình chữ nhật vừa đủ để lắp lưỡi đồng vào giữa khe hở.

"Lưỡi đồng là bộ phận quan trọng không thể thiếu của cây khèn. Khi hơi thổi vào tạo ra áp lực, lá đồng sẽ rung lên và đóng mở theo nội dung của bài khèn nghệ nhân đang thổi", ông Tình lý giải. Các lá đồng đều do chính ông Tình làm thủ công. Đồng được chọn là loại nguyên chất, không bị gỉ sét theo thời gian.

Trung bình, nghệ nhân Hà Văn Tình thường mất một tuần để hoàn thiện một cây khèn. Có cái ông để dùng, còn phần nhiều đem tặng hoặc bán cho những người có cùng đam mê. Cây khèn đắt nhất, ông Tình đã bán 12 triệu đồng.

"Thổi khèn giúp mình giải trí, nâng cao sức khỏe, tuổi thọ và cũng góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của cha ông", ông Tình nói.

Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu Ngân Trọng Hiệp cho hay, ngoài chế tác giỏi, ông Tình còn được đánh giá là người thổi khèn hay nhất vùng. Lúc rảnh rỗi, ông thường tập những giai điệu mới tặng vợ và cháu nhỏ.

Khèn Thái thường được dùng vào các dịp làng bản có lễ hội, ngày Tết hoặc khi gia đình có khách quý đến nhà, lúc làm vía, việc hỉ... và đương nhiên đi kèm tiếng khèn là những điệu khặp Thái (hát chào khách, giao duyên...). Khèn Thái không được dùng trong đám hiếu, khi có chuyện buồn.

Theo ông Hiệp, dân tộc Thái chiếm 98% trong tổng số gần 5.700 nhân khẩu ở Quang Chiểu nhưng "người biết thổi khèn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, còn người làm khèn thì chỉ còn ông". Nghệ nhân Hà Văn Tình có hai con trai nhưng không ai có ý định học thổi và làm khèn kế tục ông.

Nghệ nhân cuối cùng ở Mường Lát làm khèn Thái (bài Tết)
 
 

Nghệ nhân Hà Văn Tình làm khèn truyền thống của người Thái. Video: Lê Hoàng.

Lê Hoàng