Thứ năm, 28/3/2024
Thứ năm, 4/3/2021, 15:31 (GMT+7)

Ngày 38 người chết trong biểu tình Myanmar

Cảnh sát mạnh tay trấn áp khiến 38 người chết, hàng trăm người bị bắt trong cuộc biểu tình đẫm máu nhất tại Myanmar hôm 3/3.

Hàng trăm nghìn người Myanmar ngày 3/3 tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối chính quyền quân sự, hơn một tháng kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính ngày 1/2.

Trong ảnh, người biểu tình tháo chạy khi cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay vào đám đông ở Yangon.

Giáo viên mặc đồng phục và đội nón truyền thống của Myanmar trong cuộc biểu tình ở Mandalay hôm 3/3.

Các cuộc biểu tình tiếp diễn bất chấp việc lực lượng an ninh Myanmar ngày 1/3 bắn đạn thật vào người dân, khiến 18 người chết và 30 người bị thương. Trước phản ứng quyết liệt từ dư luận quốc tế, chính quyền quân sự Myanmar sau đó yêu cầu cảnh sát không dùng đạn thật với người biểu tình.

Người biểu tình ở Mandalay trốn hơi cay và cảnh sát chống bạo động cùng binh lính hôm 3/3.

Tuy nhiên, khi biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt, cảnh sát Myanmar tiếp tục sử dụng đạn thật. Trong cuộc biểu tình hôm qua, hai người bị bắn chết ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, trong đó có một nữ sinh 20 tuổi. Một thiếu niên thiệt mạng ở Myingyan, trong khi con số thương vong lớn nhất được ghi nhận là ở thị trấn miền trung Monywa, nơi 6 người chết trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự.

Hôm 3/3 trở thành ngày đẫm máu nhất với 38 người thiệt mạng, theo đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener. Đã có hơn 50 người đã chết kể từ sau cuộc đảo chính và nhiều người bị thương.

Người dân tỏ lòng tiếc thương trước quan tài của Kyal Sin, sinh viên đại học 20 tuổi bị bắn trúng đầu khi tham gia biểu tình ở Mandalay hôm 3/3.

Người biểu tình tràn xuống đường phố khắp đất nước, bất chấp lực lượng an ninh liên tục sử dụng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để giải tám đám đông, cũng như bắt những người tham gia.

Người biểu tình viết số điện thoại để liên lạc trong tình huống khẩn cấp lên tay một người khác ở Yangon hôm 3/3.

Tại Yangon, các nhân chứng nói rằng ít nhất 8 người thiệt mạng, một người chết vào buổi sáng, và 7 người tử vong khi lực lượng an ninh sử dụng vũ khí tự động vào đầu giờ tối.

"Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng súng liên tiếp. Tôi nằm xuống đất, họ bắn nhiều phát và tôi thấy hai người thiệt mạng tại chỗ", người biểu tình Kaung Pyae Sone Tun, 23 tuổi, kể.

Người biểu tình mang theo khiên làm tạm từ tấm sắt trong cuộc đối đầu với cảnh sát ở Yangon hôm 3/3.

Lực lượng an ninh cũng bắt hàng trăm người, trong đó có nhiều nhà báo. Ít nhất 8 nhà báo, bao gồm phóng viên Thein Zaw của hãng tin AP, đã bị bắt. Anh bị buộc tội vi phạm luật an ninh công cộng và đối mặt án tù ba năm.

Người biểu tình nấp sau hàng rào chướng ngại vật được dựng bằng bàn ghế đối đầu với lực lượng an ninh ở Mandalay hôm 3/3.

Các ngoại trưởng ASEAN, trong đó có đại diện quân đội Myanmar Wunna Maung Lwin, trước đó đã thảo luận về cuộc khủng hoảng tại một cuộc họp trực tuyến đặc biệt. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ thất vọng vì quân đội Myanmar thiếu hợp tác. Singapore, nhà đầu tư lớn nhất của Myanmar, lên án chính quyền quân sự sử dụng vũ lực gây chết người.

Chướng ngại vật làm từ gạch, bao cát, trong cuộc biểu tình ở Mandalay hôm 3/3.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến họp kín về tình hình Myanmar ngày 5/3 theo yêu cầu của Anh. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an khó ra quyết định trừng phạt Myanmar, bởi hai thành viên thường trực là Trung Quốc và Nga đều coi đây là vấn đề nội bộ của Myanmar. Một số quốc gia đã hoặc đang cân nhắc áp đặt biện pháp trừng phạt riêng.

Cảnh sát và binh lính mang theo súng, ná và khiên chắn tiến về phía người biểu tình ở Mandalay hôm 3/3.

Bà Burgener ủng hộ Hội đồng Bảo an ra quyết định trừng phạt Myanmar, cho biết mỗi ngày nhận được hơn 2.000 tin nhắn từ những người ở Myanmar bày tỏ tuyệt vọng "khi không thấy cộng đồng quốc tế hành động".

Một cảnh sát thò người ra từ xe bọc thép, tay cầm ná quan sát người biểu tình ở Mandalay hôm 3/3.

Sau cuộc biểu tình đẫm máu hôm 3/3, các nhà hoạt động tại Myanmar tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường.

"Chúng tôi biết có thể bị bắn chết bằng đạn thật, nhưng cũng chẳng nghĩa lý gì nếu sống dưới chính quyền quân sự, thế nên chúng tôi chọn con đường nguy hiểm này để giải thoát mình", người biểu tình Maung Saungkha hôm nay cho hay. "Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi cách có thể."

Ảnh: AP