Thứ tư, 5/5/2021, 15:22 (GMT+7)

Người Trung Quốc đi du lịch đông như chưa có Covid-19

Người Trung Quốc đi du lịch dịp nghỉ lễ 1/5 đạt 265 triệu người, tương đương năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát.

Trung Quốc đang trải qua kỳ nghỉ lễ dài thứ 3 trong năm (sau Tết Nguyên đán và tuần lễ vàng mừng quốc khánh). Trong dịp lễ quốc tế lao động này, người dân đất nước tỷ dân được nghỉ 5 ngày, tính từ 1/5.

Khung cảnh đông đúc quen thuộc lại xuất hiện ở tát cả các khu du lịch trên khắp Trung Quốc. Hàng triệu người dân lên đường khởi hành cho các chuyến du lịch nội địa, bất chấp những cảnh báo về dịch bệnh Covid-19 có thể quay trở lại.

Vạn Lý Trường Thành luôn là điểm du lịch đón lượng khách đông nhất cả nước vào bất kỳ dịp nghỉ lễ nào. Hàng nghìn người xếp hàng "rồng rắn" từ sớm trên cổng Bát Đạt Lĩnh, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 70 km. Sau một năm gián đoạn vì Covid-19, danh thắng số một Trung Quốc tiếp tục chứng kiến cảnh người đông như kiến.

Theo số liệu của Bộ Giao thông Trung Quốc, dịp nghỉ lễ này có khoảng 265 triệu người di chuyển bằng đường bộ bao gồm tàu hỏa, xe khách... tương đương với con số năm 2019 trước khi dịch bệnh xảy ra. Thậm chí, booking đặt phòng tăng hơn cả trước dịch. Số chuyến bay tăng 23%, số đặt phòng khách sạn tăng 43%, lượng người đến các di tích tăng 114% và số lượng khách thuê xe du lịch tăng 126%.

Bến Thượng Hải là một trong 10 địa điểm được check in nhiều nhất dịp nghỉ lễ này. "Dịch Covid-19 đã được kiểm soát hiệu quả ở Trung Quốc và nhiều người cảm thấy an toàn hơn khi đi du lịch", Han Yuanjun, một nhà nghiên cứu của Học viện Du lịch Trung Quốc, cho biết.

Thật khó có thể nhận ra cây cầu đá nổi tiếng ở Tây Hồ (Hàng Châu) khi đoàn người kéo đến chật như nêm. Lý giải về sự gia tăng đột biến trong kỳ nghỉ lễ này, các chuyên gia cho biết, hàng triệu người đã bỏ lỡ cơ hội đi du lịch và về thăm quê hương trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2 bởi thời điểm đó các nhà chức trách ra quyết định hạn chế đi lại để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Thời điểm này, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước, dòng khách du lịch Trung Quốc có khả năng đạt mức cao kỷ lục trong tháng 5.

Đã lâu rồi cổng thành ở Tây An mới lại chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp như trước dịch bệnh. Tây An là một trong những thành phố trọng điểm được đầu tư du lịch ở Trung Quốc với danh thắng lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng các di tích lịch sử thời nhà Đường.

Di tích Long Môn ở Lạc Dương (tỉnh Hà Nam) đông đúc trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ. Ngoài các nhà ga xe lửa, nhiều người cũng lựa chọn các chuyến đi bằng đường hàng không. 10 điểm đến hàng không được tìm kiếm nhiều nhất, theo dữ liệu của chuyên gia mạng, là Thượng Hải, Trùng Khánh, Thành Đô, Hàng Châu, Quảng Châu, Thâm Quyến, Bắc Kinh, Côn Minh, Tây An, Trịnh Châu.

Vườn thú ở Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) mở cửa đón khách. Năm ngoái, thành phố này là một trong những địa phương phải đóng cửa lần 2 vì tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng.

Dòng người đổ về xem thác nước Hukou trên sông Hoàng Hà ở tỉnh Sơn Tây hôm 1/5. Do được nghỉ 5 ngày nên 70% du khách chọn những chuyến đi xa và dài ngày hơn do với kỳ nghỉ 3 ngày dịp Tết thanh minh.

Cây cầu đi bộ gần khu du lịch Hồng Ngạn Động rực rỡ ánh đèn tại thành phố Trùng Khánh. Theo ước tính, doanh số bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh du lịch tăng 34,2% so với tháng 3, mang lại hy vọng khởi sắc cho nền du lịch sau đại dịch.

Núi Thiếu Lâm tỉnh Hà Nam cũng là địa điểm được nhiều người lựa chọn. Nơi đây là khởi nguồn của môn võ thiếu lâm truyền thống của Trung Quốc. Người dân đều phải có mã sức khỏe màu xanh (của người khỏe mạnh) mới có thể được đi du lịch và được khuyến cáo đeo khẩu trang.

Lễ hội Strawberry Music Festival sôi động tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc khiến nhiều người quên đi ký ức u ám về những ngày dịch bệnh đầu năm 2020.

Khách Trung Quốc du lịch đông như trước dịch
 
 
Cảnh tượng đông đúc tại Hàng Châu - thành phố du lịch nổi tiếng Trung Quốc

Ảnh: AFP, VGC, IC Photos

Nguyên Chi

Đánh giá phiên bản mới