Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ ba, 17/8/2021, 09:22 (GMT+7)

Những mảnh đời không nơi nương náu trong đại dịch

Hà Nội25 ngày sau khi xuống Hà Nội với hy vọng kiếm việc làm, 7 lao động người dân tộc Thái, quê Lai Châu, quyết tâm đi bộ về nhà, đêm 16/8.

22h, nhóm phụ hồ ngồi nghỉ chân bên vệ đường Phạm Hùng, đối diện Bến xe Mỹ Đình, nhai mì tôm sống, uống nước lọc. 7 thanh niên người Thái, quê ở Than Uyên, Lai Châu dự tính đi bộ về bản, nơi cách Hà Nội hơn 300 km khi tất cả không có tiền.

Hà Văn Uyên, 30 tuổi (góc phải) kể họ sinh sống ở bản Mùi, xã Khoen On, quen với ông chủ thầu xây dựng và được rủ xuống Hà Nội làm phụ hồ. Sáng 23/7, cả nhóm bắt xe khách từ Lai Châu xuống Hà Nội với lời hứa “công thợ 250.000 đồng một ngày, được nuôi cơm”.

Nhưng sáng 24/7, họ mới đi làm tại công trình trường học ở Định Công (Hoàng Mai) được một buổi đã phải tạm ngừng khi Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội. Từ thời điểm ấy, cả nhóm ăn nghỉ tại lán trại nằm sâu trong ngõ 300 đường Nguyễn Xiển. Họ được chủ công trình đưa cơm hàng ngày. Cho đến ba hôm trước, không còn ai mang cơm, họ cũng không liên lạc được với chủ thầu khi điện thoại tắt máy. “Nhiều người cùng quê đi bộ về hết rồi, nên bọn em cũng về thôi”, Uyên nói.

Hà Nội cách ly xã hội, xe khách về các tỉnh đã ngừng hoạt động. Cả nhóm tính đi bộ chắc 4-5 ngày cũng về tới bản, sau đó xuống xã khai báo, rồi xin đi cách ly vì về từ vùng dịch. Hiện Lai Châu mới ghi nhận một ca Covid-19.

"Em làm nghề trông quán net ở phố Kim Giang (quận Thanh Xuân) gần 2 năm nay chưa về nhà. Năm ngoái, chủ quán Internet còn kinh doanh được. Nhưng đợt dịch này chủ quán không còn đủ tiền thuê cửa hàng nên cũng phải nghỉ kinh doanh. Khi ra khỏi nhà, chị chủ cho ăn một bữa no rồi dúi cho 300.000 đồng, nói xin lỗi vì không lo được cho em. Em cứ đi bộ từ tối ra bến xe Mỹ Đình tìm xe về quê", Bàn Toan Kiều, 16 tuổi, người Dao ở xã Nậm Mười (Nghĩa Lộ, Yên Bái) kể sau khi đi bộ 9 km tìm xe về quê.

Cách đó 2 km, dưới gầm cầu vượt Phạm Văn Đồng là nơi trú ngụ của ba người đàn ông khác, quê Nam Định, Hải Dương và Lai Châu.

Chiếc chiếu nằm ngủ được người lao công cho, chiếc màn thì nhà nghỉ gần đó góp, nước và vệ sinh đi nhờ. Hàng ngày họ đi khắp nơi nhặt ve chai, bìa carton để kiếm sống, nhưng chưa bán được mà chất chồng một góc chờ ngày hết giãn cách xã hội đem bán.

Ngủ dưới lòng gầm cầu, chiếc quạt là thứ duy nhất để đuổi muỗi, xua tan cái nóng. Lò Văn Hượng 31 tuổi, dân tộc Thái cùng đồng hương xuống Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) làm công trình được 64 ngày, chủ không trả tiền công; đòi công thợ để về quê thì bị dọa đánh, đuổi đi.

Bốn phụ hồ cùng quê rủ nhau đi bộ về huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), nhưng không biết đường. Họ cứ men theo đường tàu xuôi về Hà Nội. Không có tiền, cả nhóm xin cơm ăn, nước uống dọc đường và được người dân cho cái ô che nắng, chiếc màn để ngủ dưới gầm cầu vượt.

"Gia đình hoàn cảnh khó khăn nên phải xa vợ và hai con nhỏ đi kiếm tiền", người đàn ông vừa nói vừa kể câu chuyện người thân bị mất trong trận lũ quét ở bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) tháng 6/2018 khiến anh trở thành lao động chính trong nhà.

Sơn, 31 tuổi, quê Hải Dương giở ví tiền, đếm đi đếm lại những tờ bạc lẻ mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng. “Tổng cộng 11.000 đồng”, Sơn nói, cố giấu thông tin cá nhân, quê quán cụ thể và khuôn mặt sau lớp khẩu trang vì không muốn người thân trong nhà biết tình cảnh bi đát bây giờ.

Sơn xuống Hà Nội làm công nhân xây dựng từ cuối tháng 6, sau khi bỏ việc trong công ty giày da ở Hải Dương từ đầu năm. Mất việc khi Hà Nội giãn cách, Sơn được ứng một triệu từ chủ thầu, sống lay lắt suốt ba tuần qua. Cậu chuyển ra gầm cầu được một tuần khi lán công trình đóng cửa.

Chiếc giường ngủ là tấm thảm trải trên nền đất trống dưới gầm cầu, Sơn kiên định không đi ăn xin và ít tiếp xúc mọi người để không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Anh Cường, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định, trông xe cho một quán ăn ở khu vực Mỹ Đình, mất việc từ thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội. Không kham nổi tiền trọ một triệu đồng (chủ quán hỗ trợ một nửa) trong làng Đình Thôn, anh trả phòng, xách theo vài bộ quần áo lang thang tìm chỗ ngủ. Cuối cùng, gầm cầu trở thành nơi trú ngụ của người đàn ông 40 tuổi suốt ba tuần qua.

Ban ngày, anh Cường cùng hai thanh niên còn lại quanh quẩn vài ba km nhặt bìa carton, phế liệu, chai lọ bán đồng nát. Nhưng giãn cách không ai mua, họ xếp đầy một góc cạnh nơi ngủ, chờ vãn dịch rồi bán “kiếm vài đồng cơm nước”. Bữa ăn thường là những suất cơm từ thiện các hội nhóm hoặc người qua đường cho. Hôm nào không có cơm, họ hãm mì tôm bằng nước lạnh ăn qua bữa. Cuối ngày, họ đi tắm giặt nhờ vòi nước ngoài cửa một hiệu sửa xe đã đóng cửa.

Anh Cường mất mẹ, chỉ còn người cha già gần 70 tuổi ở quê. Những ngày còn việc, thu nhập hơn 5 triệu đồng, thi thoảng anh dành dụm gửi về cho ông cụ. Ba tuần lang thang gầm cầu, điện thoại hết pin, anh cũng chẳng buồn sạc. “Cũng chẳng muốn cho ông già biết tình cảnh ngoài này, lại đâm lo”, anh nói, dự định Hà Nội hết giãn cách sẽ về quê xem bố thế nào.

Từ 14/8, Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, hỗ trợ nơi ở tạm thời cho người lao động ngoại tỉnh khó khăn, không có nơi cư trú do dịch. Chính quyền cơ sở bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch tại các điểm tạm trú của người lao động. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng phương án đưa người lao động ngoại tỉnh về quê khi đủ điều kiện.

Ngọc Thành - Hoàng Phương