Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 22/8/2021, 07:00 (GMT+7)

Thu hoạch chuối ở trang trại 120 ha

Long AnTrang trại chuối tại Đức Huệ có 200 công nhân được tiêm vaccine, ở lại tại các phòng trọ xây sẵn miễn phí nhằm duy trì sản xuất mùa dịch.

Thu hoạch chuối ở Long An
 
 

Thu hoạch chuối trong dịch. Video: Hoàng Nam

Trang trại chuối 120 ha tại xã Mỹ Bình, Đức Huệ được nông dân Võ Quan Huy (66 tuổi) trồng từ 7 năm trước, với giống chuối có nguồn gốc Nam Mỹ. Quy trình sản xuất tại đây hoàn toàn khép kín từ khâu giống, chăm sóc cho đến thu hoạch, đóng gói và có kho bảo quản riêng. Cả trang trại được tưới nước bằng hệ thống tự động với đường ống dài 50 km.

Giữa tháng 8, chị Nguyễn Thị Hiệp (21 tuổi, sinh viên thực tập) bắc thang xoa nụ chuối. Phần hoa thừa ở chóp trái được ngắt bỏ, nải chuối cũng được che lại bằng lá để tránh rám nắng. Sau 3 tuần từ khi trổ bông, bắp được bẻ bỏ đi. Để trái đạt chất lượng, một buồng cũng chỉ để lại 10 nải. Cây chuối từ lúc trồng bình quân 5 tháng rưỡi trổ bông, 3 tháng rưỡi thu hoạch.

Công nhân dùng bình xịt thuốc trừ rệp cho buồng chuối 3 tuần tuổi. Cần phun được thiết kế đặc biệt hình chữ U, thuốc được phun đều hơn, tiết kiệm chi phí, thời gian. Buồng chuối sau đó sẽ được bao bọc bằng túi nylon để hạn chế sâu bệnh, đảm bảo trái ngon và thẩm mỹ. Giống chuối này sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất kể cả đất phèn, kháng bệnh, ít đổ ngã, có mùi thơm nên cho hiệu quả kinh tế cao.

Do được trồng xen kẽ nên chuối được thu hoạch mỗi ngày, quanh năm. Anh Lê Văn Cao (30 tuổi) kê tấm xốp lên vai khi vận chuyển buồng để trái không bị dập, vừa để dễ vác, đi khoảng 30 m đến móc vào cáp treo. "Mỗi buồng nặng 40-60 kg, lại vừa phải mang khẩu trang nên thấm mệt nhanh hơn mọi khi, nhưng phải cố gắng để đề phòng dịch", anh nói.

Hệ thống cáp treo dài hơn 30 km, tổng kinh phí 6 tỷ đồng được trang trại đầu tư hơn 3 năm trước, dễ dàng vượt qua kênh, mương, tiết kiệm nhân công lao động. Sau khi móc buồng vào hệ thống cáp, công nhân vận hành một đầu máy chạy xăng đưa chuối đến xưởng chế biến.

Hệ thống cáp treo một lần vận chuyển 50 buồng, mất 45 phút đến xưởng đóng gói. Tại đây, công nhân sẽ tháo bỏ túi nylon, dùng dao chuyên dụng tách chuối ra thành từng nải, loại bỏ phần cùi.

Công nhân dùng vòi phun áp lực nước rửa sạch bụi bẩn trên các nải chuối. Toàn bộ các khu vực sơ chế đều có lót tấm xốp để tránh làm dập trái, ảnh hưởng đến chất lượng lẫn thẩm mỹ.

Ngoài khai báo y tế, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người, trang trại có chế tài riêng về phòng dịch, dán ngay khu vực ra vào. Công nhân làm việc ngoài đồng, vác nặng lẫn trong nhà xưởng đều phải đeo khẩu trang, ai vi phạm bị phạt 100.000-300.000 đồng mỗi lần, các vi phạm khác phạt 500.000-1.000.000 đồng, vi phạm lần hai đình chỉ công việc.

Chuối sau khi tách nải sẽ được thả vào hồ nước có chứa dung dịch sát khuẩn, làm sạch các vết mủ. Các tia nước từ hệ thống ống phun phía trên sẽ đẩy chuối di chuyển đến cuối hồ.

Sau đó công nhân sẽ dùng dao cắt tỉa phần cùi nải gọn gàng. Các nải tiếp tục được dùng vòi phun nước áp lực vệ sinh một lần nữa.

Sau khi rửa sạch lần 2, các nải chuối được xếp lên khai, hệ thống quạt máy phía trên sẽ giúp trái nhanh ráo nước. Sau đó, công nhân sẽ bóc nhãn thương hiệu dán vào từng nải. Phần lớn công nhân tại xưởng đóng gói là nữ, dễ phù hợp với các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ.

Công nhân xếp chuối vào bao nylon, sau đó đóng gói, dùng xe đưa vào kho lạnh bảo quản chờ xuất hàng.

Chủ trang trại cho biết, do đang mùa dịch, nhiều tình huống như nhân viên kỹ thuật đến trễ vì thủ tục giấy tờ phòng dịch, hoặc nhân viên hai xã giáp ranh qua lại vài chục mét cũng phải test nhanh tốn kém, khiến sản xuất phần nào bị ảnh hưởng.

Bình quân, mỗi ngày nơi này thu hoạch khoảng 20 tấn chuối, mỗi tuần xuất đi 5-6 container loại 20 tấn, 95% xuất khẩu sang Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Những năm trước, sản lượng chuối ở mức khoảng 10.000 tấn một năm, doanh thu tại trang trại mỗi năm khoảng 6 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, doanh thu chỉ đạt 2 triệu USD.

Để duy trì sản xuất mùa dịch, trang trại thực hiện phương án "3 tại chỗ". Gần 200 công nhân, có người nhà cách trang trại chỉ vài chục mét vẫn phải ở lại để đảm bảo an toàn. Trang trại có 70 phòng trọ miễn phí, chia làm 3 khu dành cho công nhân lưu trú. Ngoại trừ những người được phân công ra ngoài có test nhanh âm tính không quá 3 ngày, người lạ không được vào khu vực trang trại.

Hoàng Nam