Samsung Display tiết lộ công nghệ màn hình QD-OLED, mối đe dọa mới dành cho LG

AmbitiousMan
15/8/2021 16:29Phản hồi: 134
Samsung Display tiết lộ công nghệ màn hình QD-OLED, mối đe dọa mới dành cho LG

I - Bối cảnh


Như nhiều thông tin đã được đăng tải từ năm 2019, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn của các công ty Trung Quốc đã khiến Samsung Display (SDC) và LG Display (LGD) khốn đốn trên thị trường tấm nền cỡ lớn dành cho TV. Hiện tại, BOE đã trở thành hãng sản xuất màn hình lớn nhất toàn cầu Q1/2021 (doanh thu 7.7 tỷ USD, lợi nhuận 1.4 tỷ USD), đánh bại cả hai đại gia Hàn Quốc. Cùng với các đồng hương khác như CSOT (thuộc TCL), Visionox và Tianma, đã đưa Trung Quốc vượt qua Hàn Quốc trên thị trường màn hình lần đầu tiên sau 17 năm.

Đối với SDC, môi trường kinh doanh ngày càng trở nên khắc nghiệt. Một báo cáo từ TrendForce cho biết, SDC dự báo rời khỏi top 5 hãng màn hình TV lớn nhất thế giới trong năm nay, xếp dưới AUO (Đài Loan) và LGD lần lượt sẽ vươn lên chiếm vị trí thứ 6 và 5. Trong BCTC gần nhất, đơn vị màn hình ghi nhận lợi nhuận 1.1 tỷ USD nhờ khoản “thanh toán một lần” tới từ vị khách giấu tên, đã không mua đủ số lượng cam kết (chắc đây là lần thứ 3 vị này phải bồi thường hợp đồng). Giá tấm nền LCD tăng giúp thu hẹp khoản lỗ từ màn hình TV, trong khi hãng tích cực chuyển đổi dây chuyền LCD.

Zero Bezel LCD by AUO.jpg
Flagship LCD xịn nhất của Samsung sử dụng tấm nền 8K từ AUO, mang đến thiết kế không viền sexy​

Việc SDC mất dần vị thế không quá khó hiểu, bởi công ty đã chấp nhận thua cuộc trên chiến trường LCD. Ngay cả màn hình đắt tiền trên các mẫu flagship Q950TS hay QN900A có thiết kế Infinity Screen, cũng đang sử dụng tấm nền 8K từ AUO (Đài Loan). Công nghệ sản xuất tấm nền LCD không viền này được AUO gọi là Side Bonding, có thiết kế và độ chính xác phức tạp hơn kiểu thông thường. Trước đây, từng có thông tin tiết lộ SDC chiếm khoảng 30% lượng tấm nền cung ứng cho TV Samsung, chủ yếu dùng cho dòng cao cấp. Giờ con số này có lẽ đã giảm đi nhiều, phần của BOE, CSOT, AUO và Innolux tăng lên sẽ bù vào lượng sụt giảm từ SDC. Bộ phận sản xuất TV/monitor tên là Visual Display, phân biệt với bên sản xuất tấm nền là SDC.

*Fun fact: Trong khi TV flagship Samsung sử dụng tấm nền không viền từ AUO, Sony lại mua tấm nền LCD 8K của SDC cho Z8H.

Tình hình của LGD lại sáng sủa hơn, loại LCD vẫn giúp hãng trụ trong top 5 các nhà sản xuất tấm nền TV lớn nhất. Trong khi OLED lại nắm vị thế độc tôn và đang hái quả ngọt sau thời gian dài “cắn răng chịu lỗ” để mở rộng đầu tư. LGD kỳ vọng năm nay có thể giao được 8 triệu tấm nền OLED cỡ lớn, nhờ dây chuyền mới ở Quảng Châu. Có thể thấy rõ, thị trường màn hình LCD cỡ lớn đã rơi vào tay Trung Quốc, và bài học sống còn rút ra từ LGD đó là - all in OLED. Nếu không nhờ quyết tâm theo đuổi công nghệ OLED nhiều năm qua, giờ có lẽ họ cũng ở tình cảnh ngắc ngoải như SDC.

Samsung OLED curved TV 2013 2.jpg
Samsung thực ra từng vấp ngã đau đớn với OLED cỡ lớn trong quá khứ​

Và tất nhiên, Samsung không phải thiếu tầm nhìn và bảo thủ đến mức phải ôm dây chuyền LCD chờ chết. Trước khi vào tù (hiện đã được ra tù), Phó chủ tịch Lee Jae-yong đã đưa ra quyết định quan trọng, ủng hộ kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới của SDC nhằm thích nghi với xu thế thị trường tấm nền TV. Vậy là khoản ngân sách hơn 11 tỷ USD được phê duyệt, mở ra cánh cửa mới cho bộ phận công nghệ tấm nền của Samsung. Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng chúng ta cũng có những thông tin chính thức đầu tiên về công nghệ màn hình mới mà SDC sắp sản xuất.

*Fun fact: nghe đồn bên Visual Display phản đối kế hoạch này gắt lắm, vì chiến lược phát triển TV của họ mâu thuẫn với kế hoạch đầu tư của SDC. Nhưng “thái tử Samsung” đã đứng ra chốt hạ vấn đề.

II - QD-OLED


Dựa theo hình ảnh mô tả từ SDC, có thể tin tưởng họ đang phát triển màn hình phát quang chứ không phải tinh thể lỏng. Cụm từ “blue self-luminescence layer” chỉ ra họ sẽ dùng một lớp nguồn sáng xanh dương có khả năng tự phát sáng, bật tắt chính xác đến từng điểm ảnh. Còn ở một hình minh họa khác, màn hình của SDC đã loại bỏ đèn nền (backlight) khi so sánh trực tiếp với công nghệ LCD. Như vậy, nếu lớp nguồn sáng này là diode hữu cơ, đó sẽ là Blue OLED; còn nếu là diode vô cơ thì sẽ là Blue LED.

Quantum Dot Display SDC 2.jpg
Màn hình mới của SDC sử dụng nguồn sáng xanh dương tự phát sáng, loại bỏ đèn nền​

Màn hình Samsung giới thiệu sẽ có một lớp chấm lượng tử chắn trước nguồn sáng xanh dương. Công ty sử dụng kỹ thuật in phun để cấu hình lớp chấm lượng tử này thành các ô điểm ảnh phụ, dựa theo đặc tính phát quang dựa trên kích thước hạt mà tạo nên các điểm ảnh phụ tương ứng Red và Green, điểm ảnh phụ thứ ba để rỗng nhằm cho nguồn sáng đi xuyên qua tạo thành Blue. Hình thái công nghệ này được gọi là Quantum Dot Color Converter (QDCC), xịn hơn loại Quantum Dot Enhancement Film (QDEF) phổ biến trên các TV LCD quảng cáo bằng cái tên “QLED”. Vì QDEF bố trí chấm lượng tử lung tung không theo trật tự nào, còn QDCC sắp xếp thành ô điểm ảnh phụ.

Quảng cáo



Khi kết hợp lớp QDCC với nguồn sáng Blue OLED sẽ tạo thành màn hình QD-OLED, còn Blue LED là Quantum dot Nanorod Emitting Diode (QNED). Công nghệ QNED mà SDC đang theo đuổi sử dụng các diode vô cơ (khả năng cao là GaN LED) hình que với kích thước cực kỳ nhỏ và vẫn đang nằm ở giai đoạn thí nghiệm. Chưa có gì đảm bảo hãng sẽ thương mại hóa thành công hay bao lâu nữa thì có nguyên mẫu trưng bày. Thông tin về QNED đã râm ran trong ngành công nghiệp từ đầu năm 2020 nhưng vẫn chủ yếu dựa vào lý thuyết và suy đoán, bài viết này sẽ không đề cập đến QNED mà tập trung vào QD-OLED.

Quantum Dot Display SDC 1.jpg
Sử dụng một lớp chấm lượng tử để hứng ánh sáng xanh dương, sau đó tạo ra màu sắc​

Bởi QD-OLED hay Blue OLED chắc chắn là công nghệ mà SDC có đủ điều kiện để sản xuất hàng loạt trong thời gian tới. Đây sẽ là bước nhảy vọt tiếp theo của công nghệ OLED trên TV, hứa hẹn là một thách thức thực sự cho White OLED của LGD. Vậy QD-OLED được SDC quảng cáo như thế nào?

III - Các đặc điểm của QD-OLED


Loại bỏ đèn nền


Như đã đề cập ở trên, đây là màn hình phát quang hữu cơ nên không cần đến đèn nền như LCD. Việc loại bỏ đèn nền giúp màn hình mỏng hơn, nhẹ hơn tương tự những gì OLED của LGD đạt được. Chúng ta có thể mơ mộng về những chiếc TV siêu mỏng dán tường, trang trí cho đẹp và tiết kiệm không gian.

Với khả năng điều khiển từng điểm ảnh bật tắt, màn hình có cơ hội mang đến màu đen sâu hoàn hảo mà LCD rất khó làm được. Ở thế hệ đầu tiên, hy vọng hãng có thể xử lý tốt những nguy cơ như bị rò rỉ điện năng hoặc đường cong gamma, tránh ảnh hưởng đến việc thể hiện màu đen.

Quảng cáo



Quantum Dot Display SDC 8.jpg
QD-OLED tiếp tục duy trì lợi thế về màu đen sâu, kiểm soát ánh sáng tốt​

Một ưu thế rõ ràng nữa là thời gian phản hồi nhanh hơn LCD, hiển thị hình ảnh chuyển động rõ ràng hơn và giảm hiện tượng dư ảnh.

Sản lượng màu dồi dào


Samsung quảng cáo màn hình của họ có thể bao phủ 80% không gian màu BT.2020. Do chưa có nguyên mẫu trưng bày hay thiết bị thực tế nào, tuyên bố này cần thời gian để kiểm chứng. Với việc sử dụng chấm lượng tử và ma trận điểm ảnh không có điểm ảnh phụ White, khả năng cao là QD-OLED của Samsung sẽ cung cấp sản lượng màu phong phú hơn WOLED của LGD hiện nay.

Tuy vậy, một nguy cơ của công nghệ mới là việc chế tạo QDCC cần đảm bảo không bị rò rỉ ánh sáng. Các ô điểm ảnh phụ Red và Green cần hấp thụ 100% ánh sáng xanh dương từ Blue OLED, nếu không sẽ bị ô nhiễm ánh sáng và làm ảnh hưởng tới độ tinh khiết của màu sắc.

Quantum Dot Display SDC 4.jpg
Hứa hẹn về sản lượng màu dồi dào nhờ vật liệu chấm lượng tử​

Một nguy cơ khác là tuổi thọ của vật liệu hữu cơ. Trước mắt, SDC được cho là sẽ sử dụng huỳnh quang xanh dương, tuy hiệu suất phát sáng thấp nhưng tuổi thọ bền hơn lân quang. Có thể dùng kiến trúc xếp chồng 3 lớp để cải thiện độ sáng, kiểu như LGD bổ sung một lớp phát quang Green vào tấm nền OLED Evo nhằm cải thiện độ sáng thêm 20%. Trong tương lai, hy vọng Samsung có thể đưa loại vật liệu mới Blue TADF vào sản xuất, độ sáng cũng như tuổi thọ sẽ cải thiện so với Blue Fluorescence.

Về nguy cơ burn-in của OLED thì không ai dám nói trước điều gì cả.

Góc nhìn rộng


Hãng cho biết màn hình của mình có thể bảo toàn độ sáng và màu sắc tốt hơn công nghệ LCD truyền thống. Với một công nghệ chống phản chiếu khác, thậm chí màn hình còn sáng rõ ở bất kỳ môi trường ánh sáng nào, giảm tượng bị lóa. Dù vậy, chúng ta không thể kiểm chứng những tuyên bố này khi chưa có sản phẩm thực tế.

Quantum Dot Display SDC 6.jpg
Quantum Dot Display SDC 5.jpg

Độ sáng


Màn hình QD-OLED của SDC được hứa hẹn sẽ có đỉnh sáng đạt 1,000 nit tương đương các TV OLED hiện nay. Bản thân Blue OLED đã có hiệu suất phát sáng tốt hơn White OLED, nay lại có thêm sự hỗ trợ của chấm lượng tử. Song, đây mới chỉ là thế hệ đầu tiên còn LGD đã cải tiến tấm nền White OLED qua nhiều năm. Không rõ liệu đây có phải một tuyên bố khoa trương hay không?

TV OLED sáng nhất thị trường hiện tại thuộc về Bravia XR MASTER OLED A90J với đỉnh sáng 1,300 nit. Ngoài việc sử dụng tấm nền White OLED thế hệ mới, Sony còn trang bị thêm cho nó một hệ thống heatsink để bơm độ sáng lên cao nhất có thể ở chế độ Vivid. Với việc QD-OLED rất có tiềm năng, chúng ta có thể hy vọng những chiếc TV OLED về sau còn sáng hơn nữa.

Dải tương phản


Nhược điểm trước đây của TV OLED là độ sáng thấp, nay đã có thể mở rộng lên đến 1,000 nit hoặc hơn, kết hợp với lợi thế sẵn có của độ sâu màu đen sẽ đem lại dải tương phản vô cùng ấn tượng. Một điều thú vị ẩn trong thông tin quảng bá về công nghệ màn hình mới, SDC đã đưa ra so sánh với loại màn hình có thể đạt đỉnh sáng tới 3,000 nit. Theo công ty, mức độ bao phủ của QD-OLED trên dải biến thiên độ sáng (từ mức tối nhất tới sáng nhất) là 85%, vượt trội so với loại 3,000 nit chỉ chiếm 54%. Mà hiển nhiên, những TV trên thị trường mà đạt đỉnh sáng tới mức này thì chỉ có LCD mà thôi.

Quantum Dot Display SDC 7.jpg
SDC thừa nhận dải tương phản càng rộng thì hình ảnh HDR càng xịn, chứ không phải chỉ cần mỗi đỉnh sáng chót vót là đủ​

Như vậy, SDC “vô tình” thừa nhận điều mà chúng ta và nhiều trang công nghệ đã đề cập suốt bao năm qua - độ tương phản càng lớn thì trải nghiệm HDR càng ấn tượng. Chứ không như những gì quảng cáo về dòng TV LCD flagship “QLED” bấy lâu nay - đỉnh sáng 2,000 hay 3,000 nit “chói lòa” trên từng khung hình. Tóm lại, LCD dù cố phát huy ưu thế về độ sáng vẫn rất khó khắc phục vấn đề về màu đen, còn OLED thì duy trì tốt lợi thế sẵn có và tìm cách nâng cấp độ sáng qua từng thế hệ. Càng ngày, OLED sẽ càng bỏ xa LCD về chất lượng hình ảnh trên TV khi mà cả SDC lẫn LGD đều tất tay vào đây.

Độ sáng cao kết hợp với khả năng kiểm soát ánh sáng chính xác đến từng điểm ảnh, màu sắc phong phú, giúp bức tranh hiện lên trở nên sống động hơn. Đó là những gì mà SDC đang hứa hẹn.

IV - Ai sẽ mua QD-OLED?


Trước mắt, người mà chúng ta kỳ vọng nhất sẽ mua những tấm nền QD-OLED đầu tiên của SDC, đương nhiên chính là Visual Display thuộc Samsung Electronics. Trước đây có nhiều thông tin rằng đơn vị này đã cực lực phản đối kế hoạch chuyển hướng từ LCD sang OLED của SDC, sau đó cũng không muốn mua những tấm nền này vì mâu thuẫn trong chiến lược sản phẩm. Tại thời điểm ấy tức mấy năm trước, từng bùng nổ cuộc chiến truyền thông rất gay cấn giữa Samsung QLED và LG OLED.

Samsung atts LG OLED 3.jpg
Samsung từng đầu tư hoành tráng camera Sony 65,000 USD CineAlta F65 và hai lens ARRI có tổng giá tiền gần 55,000 USD cho video công kích đối thủ​

Theo chiến lược cũ, công ty thúc đẩy hai công nghệ chủ đạo là “QLED” (LCD LED tiêu chuẩn bổ sung QDEF) và microLED. Gần đây bổ sung thêm nhóm Neo QLED, dòng LCD đèn nền miniLED cao cấp hơn “QLED.” Bên cạnh đó, TV LCD giá rẻ có dòng Crystal UHD, ngoài ra còn thêm The Frame, The Serif là các dòng làm kiểng. Hoàn toàn phớt lờ OLED.

Giả sử họ triển khai dòng TV OLED mới, liệu nó sẽ được đặt vào đâu trong line-up đã kín chỗ như thế này? Và phải marketing ra sao để phân biệt với các dòng TV hiện có trên thị trường, đặc biệt là TV OLED của các hãng khác?

Dù sao, cũng đã có những thông tin cho biết Samsung Electronics có thể giới thiệu TV OLED đầu năm sau ở triển lãm CES. Dự kiến những mẫu đầu tiên trang bị tấm nền QD-OLED sẽ có kích thước 65 và 75 inch. Rất hy vọng với bộ máy truyền thông vô địch trong ngành, Samsung có thể nhanh chóng xây dựng chỗ đứng cho công nghệ QD-OLED trên bản đồ thế giới. Chứ nếu Visual Display mà kiên định “không sản xuất TV OLED” thì buồn lắm!

Samsung atts LG OLED 11.jpg
Chiến lược mấy năm nay của Samsung là nói không với TV OLED, giờ có phải lúc họ nên thay đổi?​

Thứ hai là Sony. Công ty Nhật Bản đang là khách hàng lớn thứ 2 của LGD, cũng là nhà sản xuất TV OLED lớn thứ hai thế giới. Thực ra, đã có tin đồn SDC gửi hàng mẫu tới Sony để đánh giá, nếu thuận lợi, đây có thể là một trong những khách mua lô QD-OLED đầu tiên. Việc triển khai tấm nền mới có nhiều lợi ích cho hãng cũng như phù hợp chiến lược kinh doanh. TV Sony vừa có thêm nguồn cung, lại có thể ra thêm dòng OLED cao cấp mới bên cạnh A9x và A8x hiện tại. Việc một thương hiệu cao cấp như Sony chấp nhận tấm nền SDC cũng là một tín hiệu rõ ràng cho ngành công nghiệp.

Các hãng Trung Quốc như Xiaomi, Hisense,… cũng là những khách hàng tiềm năng bởi họ vốn đang mua tấm nền từ LGD. Về cơ bản, toàn bộ quá trình giáo dục người dùng, mở rộng thị trường, lôi kéo các nhà sản xuất TV chấp nhận công nghệ OLED của LGD nhiều năm qua, SDC có thể thụ hưởng không ít. Chỉ cần chứng minh sản phẩm của mình tốt hơn hoặc chi phí rẻ hơn, là có thể kiếm không ít hợp đồng từ chính khách của LGD rồi. Và khi SDC phá vỡ thế độc tôn của đồng hương, thị trường tấm nền TV OLED sẽ trở nên sôi động hơn, cạnh tranh cả về giá cả lẫn kỹ thuật sẽ tăng lên.

Quantum Dot Display SDC 9.jpg
Những lời quảng cáo có cánh của SDC về loại màn hình sắp ra mắt​

Đối với đơn vị sản xuất tấm nền mà nói, họ đã chẳng còn gì để mất. Nếu ngay cả con bài tẩy QD-OLED cũng không thành công, rủi mà thị trường không đón nhận tích cực như mong đợi, thật không biết Samsung sẽ ứng phó ra sao để lấy lại vị thế ở phân khúc tấm nền cỡ lớn. Ngược lại, nếu thắng lợi thì coi như công ty đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Và sau khi SDC thuyết phục thành công các hãng TV sử dụng QD-OLED, nó có thể truyền cảm hứng rất lớn cho CSOT đẩy mạnh thương mại hóa OLED in phun trên kích cỡ lớn, dựa trên công nghệ cấp phép từ J-OLED (Nhật Bản).

Càng đông càng vui! Ai rồi cũng phải OLED mà thôi!

Nguồn:
SDC.
134 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Sỹ Nam
ĐẠI BÀNG
3 năm
Qua cái thời net như sony rôi chăng
Cười vô mặt
w810i
CAO CẤP
3 năm
@Wolfrain Ví dụ chưa tương quan lắm, để cho dễ hình dung thì con chip của tv nó tương đương bộ phận nào của dàn pc đi cho dễ 😁
@w810i Sony marketing rằng họ có 1 số công nghệ xử lý hình ảnh đọc quyền như Bravia và X-Reality Pro. Nếu so sánh thì trong điện thoại cùng mua cảm biến của Sony nhưng Google rất khác biệt so với phần còn lại. Hay cũng là Samsung OLED nhưng của màn hình điện thoại của Samsung và Apple là 2 phong cách khác hẳn nhau. Trên pc thì chỉ cần khác nhau tản nhiệt, hoặc cách sắp xếp linh kiện là thấy khác biệt rõ rệt liền.
@Sỹ Nam

Nhận xét đúng rồi.😆👍
@Sỹ Nam Mua tV lg oled nhưng hình ảnh oled sony vẫn đẹp nhất.
Độ sáng oled của LG là 250 nit, qd oled 1000 nit hack à?
hhd357
TÍCH CỰC
3 năm
@vanlinh2905 Vâng bạn là trùm công nghệ ra ngoài vườn xem tv 😆)
Demah
CAO CẤP
3 năm
@vanlinh2905 B có thấy 100% không, đó là max sáng đó.
Về vườn là như nào nhỉ, sao tivi lại về vườn?
@vanlinh2905 Bốc phét. Mình dùng oled có thấy gì đâu
ultimate
TÍCH CỰC
2 năm
@tranquan1988 Bạn bật con TV trong phòng khách có vách kính ánh sáng tự nhiên ngập tràn vào phòng xem. Sẽ thấy OLED xem nó khó như nào. Đọc phụ đề căng cả mắt ra mới thấy chữ. Còn xem phòng tối thì chả nói làm gì, con nào cũng như con nào.
vypham0209
ĐẠI BÀNG
3 năm
đề nghị ông nào tổ chức sự kiện này phải bị kiểm điểm, lần sau kiếm mẫu khác chứ mẫu này cong không bằng cái tivi là thua rồi
viethung0903
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Shjsjidi Lười thay đổi là ko đc rồi. phải chiều mắt ae chút chứ nhỉ.
Hai cái màn hình phẳng ghê.
936C92DC-4910-41D0-B32F-8C9761522194.jpeg
dlcky
TÍCH CỰC
3 năm
lại rebrand như QLED à, có thấy gì nổi bật so với OLED của LG đâu???
@dlcky Giá điên thì cũng chả doạ đc ai. Mảng phone phải họp lại nội bộ LOL
@cosmos47 bác có họp hả!
Mình thì quan tâm càng ít hại mắt càng tốt, không biết có thông số nào để đánh giá không nhể ?
jk.y
TÍCH CỰC
3 năm
@SilverWolf501 Có mấy con OLED mới của LG có hạn chế ánh sáng xanh với kiểu giảm mõi mắt đó. Mà dùng thì đừng bật max sáng là đỡ đau mắt à.
DKez
TÍCH CỰC
3 năm
@cuhiep màn to phải có không gian rộng, cho nên mắt muốn sáng phải nhiều tiền mua được nhà to đã.
Elnino242
TÍCH CỰC
3 năm
@SilverWolf501 Có nhá, thông số của mắt ấy, cứ xài TV một thời gian rồi đi đo mắt xem có bị tăng độ cận/loạn/viễn vvv không thì đó là thông số để biết. Chứ TV có hại mắt hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào cách dùng cũng như mắt của mỗi người, hại với người này nhưng vô hại với người khác, bản thân TV éo có thông số nào nói lên cái đó cả.
jdaiduong
ĐẠI BÀNG
3 năm
@SilverWolf501 Cứ nhìn thông số tiền mà mua thôi
jk.y
TÍCH CỰC
3 năm
Chưa bao giờ thích hình ảnh từ màn TV của SS. Sony vẫn nhất.
Nhiều công nghệ quá
Giờ công nghệ màn hình mới chẳng thấy tên Sony ở đâu cả
@TrươngThanh23 Một sản phẩm cấu thành bởi nhiều linh kiện. LG chỉ sản xuất tấm nền vốn chỉ là 1 phần của của cái tivi thôi. Còn chip xử lý hình ảnh, thuật toán và các phần mềm thì không thấy nói là LG nhúng tay vào. Giả sử nếu xem các video chất lượng tiêu chuẩn phòng thí nghiệm thì điều bạn nói là chính xác. Tuy nhiên hiện tại phần lớn mọi người xem video ở input có chất lượng thấp, sau đó dùng chip xử lý và thuật toán để nội suy lên chất lượng cao hơn. Cái này Sony có công nghệ độc quyền, đã nghiên cứu nhiều năm tạo sự khác biệt rõ ràng với các hãng Trung Quốc cũng mua panel của LG.
Hoặc có thể kể một câu chuyện khác là cảm biến máy ảnh do chính Sony sản xuất, nhưng Sony cũng từng bị chửi nhiều nhất về khả năng chụp ảnh trên điện thoại, trong khi những hãng khác đi mua cảm biến đó về làm thì ngon hơn nhiều như HTC, Apple, Google.
@lucky10000 Bạn nói rất đúng, nhưng mình nghĩ thằng có đủ trình sx ra sp thì chắc chắn nó cũng có đủ trình để làm chủ sp của nó. Vậy nên sự cách biết giữa Sony và các công ty như LG hay SS trong mảng TV quan điểm của mình giờ đây là ko nhiều
@TrươngThanh23 LG có nhiều công nghệ độc quyền để tạo nên chất riêng cho thương hiệu tivi của họ mà. Nhưng có vẻ không bán hoặc bán giá cao nên không có chuyện mấy hãng tàu mua tấm nền của LG về là clone được toàn bộ chất lượng tivi LG rồi bán lại với giá rẻ bèo. Sony với SS thì mỗi hãng đều tinh chỉnh để mang đặc trưng riêng. Mình đồng ý là cách biệt cũng không nhiều nếu đã cùng tấm nền nhưng người có tiền lại trả khá nhiều tiền cho sự khác biệt ít ỏi đó. Chất lượng tivi cao cấp và bình dân vốn không chênh nhau nhiều như giá bán.
ngon quan trọng là giá so vs oled lg thế nào.?
đợi sp thực tế.
chebistorm
TÍCH CỰC
3 năm
mình thì chỉ quan tâm cái thành phẩm đến tay người dùng có ngon bổ RẺ không thôi chứ không quan tâm công nghệ mấy😆 thích cái đẹp đẹp như con QLED N90 của Samsung vì nó quá đẹp chứ không cần đen quá đen, sâu quá sâu lắm😃)
Cứ OLED mà táng
không biết mọi người thế nào ,chứ theo e nghĩ có điều kiện cứ sony mà dùng 😃
ông bà có câu nét như sony 😃))
ZeusFate
TÍCH CỰC
3 năm
Thằng SS QC nhiều quá riết mất niềm tin. Người dùng giờ người ta cũng cừu hoá cáo rồi đâu như xưa mà loè. Nhìn mất cái ảnh so sánh là thấy ghét rồi chênh nhau 20% mà nó đưa cái hình như bố với con
@ZeusFate Hóa cáo kiểu gì mà Sam vẫn luôn dẫn đầu thị trường tivi trên thế giới. Ở Mỹ hình như nó cũng chiếm số 1. Mình thì không dùng Sam, đang dùng 3 cái Sony, ko thích LG. 1 cái sony hết bảo hành bị sọc đỏ 1/5 ở màn
@cuongtao2016 mua cái TV samsung về ngay để tận hưởng thế giới màu sắc loè loẹt từ rẻ tiền cho đến cao cấp đi bác =))
@vanlinh2905 Mình ko dùng nhưng nhà bác mình toàn Sam từ cong đến phẳng. Có loại 3D đeo kính xem phê lòi. Tivi giải trí thì mỗi người mỗi sở thích. Ko mà nó đứng top 1 được sao
@cuongtao2016 vậy bác xem 3D thụ động trên TV LG nó còn phê hơn nữa.

mà giờ bỏ hết vụ 3D này rồi =)) ít giá trị sử dụng
@vanlinh2905 Nó có nhiều mã, nhiều phân khúc mà bác, ngoài ra màu cũng chỉnh được mà, cùng khúc dưới 20 củ, em ra điện máy xem gần tiếng vẫn chốt mua SS bác à.
Ngoài ra ở VN, SS chăm sóc khách hàng tốt thuộc loại nhất rồi 😁
Mr.BD
TÍCH CỰC
3 năm
cứ OLED mà xúc, NEO QLED MiniLED của Samsung mới nhìn tưởng ngon như OLED và độ sáng cao hơn nhưng ko phải, ae chịu khó coi review so sánh OLED và LCD MiniLED (NEO QLED) sẽ thấy OLED vẫn đỉnh nhất.

Mình đi coi cả OLED G1 của LG mới ra và NEO QLED của Samsung cuối cùng vẫn phải bê con OLED về 😁
Trước mắt thì chỉ thấy tốt hơn LCD truyền thống thôi chứ còn so với OLED thì vẫn mơ hồ lắm
Hi-CNTT
TÍCH CỰC
3 năm
Nhìn Oled mới thấy màu sắc nó chân thực cỡ nào. Để song song chắc chán ai kia thua. Giờ chắc hết tung Seeder Burn in lại rồi.
OruK
ĐẠI BÀNG
3 năm
nói chung vẫn oled phake = )) ai mua chứ nhà mình chã h` mua Samsung,nhà toàn TV LG (kết cái magic remote với WebOS) với Sony Bravia đời tống hơn 6 năm vẫn ngon lành Netflix =))
@OruK cái này phake thì OLED LG cũng phake thôi
Từ hồi LED rồi OLED là tôi thấy anh Sàm lươn lẹo trong việc đặt tên lắm.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019