Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ sáu, 3/9/2021, 09:10 (GMT+7)

'Thủ phủ' nồi đất xứ Nghệ

Nghệ AnGần 250 hộ dân ở xã Trù Sơn (huyện Đô Lương) theo nghề làm nồi đất, tháng cao điểm có thể sản xuất hàng chục nghìn chiếc và cho thu nhập 5 đến 7 triệu đồng mỗi người.

Người dân xóm 6 và 7 (xã Trù Sơn) có truyền thống làm nồi đất lâu đời. Sản phẩm được dùng để kho cá, sắc thuốc, nấu cơm... với nhiều mẫu và kích thước khác nhau, song phổ biến là loại nồi 25 - 30 cm, đường kính miệng rộng khoảng 20 cm.

Với khoảng 250 hộ, gần 500 người thường xuyên làm nghề nồi đất, đây được xem là "thủ phủ" nồi đất xứ Nghệ.

Đất thích hợp dùng để làm nồi là đất sét có sẵn trong tự nhiên. Người dân đưa về nhà sẽ làm ướt rồi cho vào máy cắt nhỏ.

Đất từ máy cắt ra, người dân chân nhồi liên tục trong nhiều phút để nhuyễn và mịn.

Những người thợ thủ công dùng tay nặn thành các nồi mà không cần khuôn. Bình quân khoảng 5 đến 7 phút, một người thạo nghề sẽ hoàn thành một nồi.

Công đoạn tiếp theo, người thợ dùng dao làm từ vỏ cây nứa để cắt gọt chỗ nhấp nhô và đánh bóng mặt ngoài sản phẩm.

"Công đoạn cắt gọn này đòi hỏi phải nhẹ nhàng, tỉ mỉ để thân nồi và vung không bị vỡ hoặc sai lệch. Thời tiết thuận lợi thì gia đình làm được hàng nghìn chiếc mỗi tháng", ông Nguyễn Hữu Thanh (53 tuổi) có thâm niên hơn 10 năm làm nghề, nói.

Xong khâu mài gọt, nồi được phơi nắng từ 1 đến 3 ngày.

Người dân thường làm nghề theo hộ gia đình. Nếu thời tiết nắng thì 3 đến 5 ngày sẽ xếp từ 300 đến 400 nồi vào lò để nung một lượt.

Lò nung xây bằng đất cao hơn một mét, rộng khoảng 2 m. Thời gian đốt lò liên tục 3 đến 4 giờ bằng rơm và củi.

Sản phẩm nung xong được xếp thành từng đống đợi bán. Giá thành mỗi chiếc tùy thuộc vào kích cỡ và quãng đường vận chuyển. Trong đó loại rẻ nhất bán ngay tại lò giá trung bình 10.000 đến 20.000 đồng/chiếc.

Nếu bán ở địa bàn gần thì thương lái hoặc chủ lò thồ bằng xe đạp. Với những nơi xa và ngoại tỉnh thì họ vận chuyển bằng ôtô.

Một góc xóm 6 (xã Trù Sơn) nơi có hàng trăm gia đình làm nồi. Ông Nguyễn Thụy Chính, Chủ tịch xã Trù Sơn cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây nghề này phát triển khá tốt do người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nhiều hơn trước.

"Bình quân một người có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng. Ngoài làm nồi thì họ còn làm nông nghiệp nên cuộc sống nhiều gia đình khấm khá so với trước", ông Chính, nói và cho biết về lâu dài chính quyền sẽ thành lập hợp tác xã làng nghề để hỗ trợ người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Đạo - Nguyễn Hải