Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 7/9/2021, 15:48 (GMT+7)

Thị xã biên giới ngày đầu nới lỏng giãn cách

Long AnĐường phố tấp nập người đi lại, người dân xếp hàng chờ mua đồ ăn tại các quán bán mang đi trong ngày đầu thị xã Kiến Tường áp dụng Chỉ thị 15 thay cho 16.

Lúc 7h ngày 7/9, nhóm cán bộ phường 2, thị xã Kiến Tường (giáp Campuchia) lăn những bánh lồng máy cày bằng sắt nằm chắn trên con lộ nhựa vào khu dân cư. 50 ngày qua, những bánh máy cày này được chặn ngay giữa đường để hạn chế người dân đi lại.

Từ hôm nay, thị xã này cùng với huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Tân Trụ là 8 địa phương "vùng xanh" được tỉnh Long An cho nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống 15.

Trong buổi sáng, 14 chốt chặn còn lại tại phường 2 cũng được dỡ bỏ.

Thị xã Kiến Tường có tổng cộng 23 chốt liên xã, huyện, trong ngày đầu nới lỏng, phần lớn các chốt được dỡ bỏ, chỉ còn lại 5 chốt liên huyện.

Người dân di chuyển trong địa bàn thị xã và sang các "vùng xanh" khác không cần test nhanh. Cán bộ tại chốt chỉ kiểm tra mục đích ra đường như khám bệnh phải có sổ, thăm đồng chăm sóc hoa màu phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương.

Đường Lý Thường Kiệt (phường 1) tấp nập người và xe đi mua nhu yếu phẩm, đồ ăn, thăm người thân...

Hơn 6h, lò bánh mì Phương Tân (phường 1, thị xã Kiến Tường) đã bán hết 500 ổ và có gần chục người xếp hàng chờ mua.

Anh Đặng Phương Tân (28 tuổi, chủ lò bánh mì) cho biết, để đảm bảo an toàn, ngoài xếp hàng, đeo khẩu trang, khử khuẩn, lò dùng hai hệ thống ròng rọc kéo bằng tay dài khoảng 3 m để giao bánh và nhận tiền, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Nhân viên lò bánh mì liên tục nướng, mỗi mẻ 160 ổ mất khoảng 10 phút. Đây là ngày đầu tiên lò bánh mì mở lại sau gần 2 tháng giãn cách xã hội, dự kiến lò sẽ hoạt động hết công suất, bán khoảng 1.500 ổ.

Cách lò bánh khoảng 500 m, nhiều người dân tại khu phố 3, phường 2 xếp hàng mua đồ tại tiệm bán cá, rau củ của ông Ngô Hoài Ngoan (42 tuổi). Đang mùa dịch nên khách đến mua phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn và khai báo y tế vào phiếu tại bàn do nhân viên tiệm trực.

Cách đó khoảng một km, quán bún bò bán mang đi của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (48 tuổi) có hơn chục người chờ mua. Trước khi giãn cách theo Chỉ thị 16, mỗi ngày chị bán khoảng 70 tô. Ngày đầu bán lại, chị cũng chỉ chuẩn bị nguyên liệu với số lượng như cũ để đảm bảo an toàn.

"Gần 2 tháng chỉ nằm nhà không bán được, hy vọng dịch mau qua để người dân ổn định cuộc sống", chị Nhung nói.

Buổi trưa, bà Quách Kim Nhỏ, 63 tuổi, khu phố 1 (phường 1) ra vườn rau trước nhà để chăm sóc. Những ngày giãn cách xã hội không thể ra đường, bà Nhỏ đã trồng rau cải, đậu rồng, rau thơm, đu đủ, bạc hà.

"Giờ được ra đường nhưng chắc mua nhiều thứ khác, còn rau trồng đã đủ cho 5 người trong nhà ăn, thậm chí có dư gửi cho hàng xóm", bà Nhỏ nói.

Dù thị xã đã nới lỏng giãn cách, nhiều nhà dân sống gần chợ trung tâm vẫn hạn chế đi lại, tiếp xúc với người lạ để đảm bảo an toàn.

Thị xã Kiến Tường bên sông Vàm Cỏ Tây ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Đây là đơn vị trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, thị xã rộng 20.000 ha, dân số 44.000 dân. Đến nay, địa phương này ghi nhận 393 ca nhiễm Covid-19, 13 ngày chưa phát sinh ca nhiễm mới. Thị xã đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho hơn 30.000 người từ 18 tuổi trở lên.

Hiện, Long An ghi nhận trên 26.400 ca nhiễm (312 ca tử vong), đứng đầu trong 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4 cả nước, sau TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai. 7 huyện và thành phố còn lại của tỉnh này gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Thủ Thừa và Tân An tiếp tục áp dụng Chỉ thị số 16 đến ngày 13/9.

Hoàng Nam