Nên là một chuyên gia (specialist) hay một tổng quát viên (generalist) trong công việc?

blueJune
25/8/2021 4:13Phản hồi: 67
Nên là một chuyên gia (specialist) hay một tổng quát viên (generalist) trong công việc?
Các cụ ngày xưa có câu: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nghĩa là tập trung chuyên môn, thành thạo và giỏi một nghề thì sẽ thành công còn nghề gì cũng biết nhưng chỉ hời hợt, qua loa thì sẽ đổ vỡ, không thành. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện tại, khi nhiều công việc đòi hỏi chúng ta nắm được đa dạng các kĩ năng để nắm bắt nhịp thay đổi của môi trường công việc, xã hội, đặc biệt là khi công nghệ luôn tiếp biến, tân tiến như bây giờ, việc chỉ giỏi một nghề liệu có giúp chúng ta có đủ tự tin để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm hay không? Hãy cùng bàn luận một chút nhé!

Trong cuốn sách Range: Why Generalists Triumph in a Specialized World (tạm dịch: Phạm vi: Tại sao những người theo chủ nghĩa tổng quát lại chiến thắng trong một thế giới được chuyên môn hóa?), nhà báo David Epstein đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể dựa trên nghiên cứu của các nhà khoa học. Thử nhìn vào ví dụ của hai ngôi sao trong làng thể thao là vận động viên golf chuyên nghiệp người Mỹ Tiger Woods và vận động viên quần vợt chuyên nghiệp người Thụy Sĩ Roger Federer và cách mà họ với tới thành công. Cha của Tiger Woods đã cho anh một chiếc gậy đánh bóng khi anh mới chỉ sáu tháng tuổi. Anh kéo nó đi khắp nơi cùng chiếc xe tập đi của mình và khi được 10 tháng tuổi, cậu bé đã tập bắt chước một cú xoay người. Tới năm 3 tuổi, cha anh bắt đầu huấn luyện Woods và khi 21 tuổi, anh đã là người chơi golf giỏi nhất thế giới. Anh đặc biệt tập trung vào việc chơi golf và dành một lượng lớn thời gian để luyện tập có chủ đích, giống như việc đào tạo kĩ thuật.

Mặt khác, Roger Federer đã chơi hàng chục môn thể thao khác nhau, từ trượt tuyết, trượt ván, bóng bầu dục, cầu lông, bóng rổ, bóng đá,… Anh chưa vội tập trung vào chuyên môn. Mẹ của Federer là một huấn luyện viên tennis và chưa muốn huấn luyện anh vì anh không thể trả bóng về theo cách thông thường. Nhiều năm sau đó, anh tiếp tục chơi đa dạng các môn thể thao khi bạn bè đồng trang lứa chỉ tập trung chơi quần vợt và rõ ràng là Federer vẫn thành công. Vậy thế nào mới là quy chuẩn?

Đó chính là mô hình của Federer. Các nhà khoa học về thể thao trên khắp thế giới đã theo dõi sự phát triển của các vận động viên và nhận thấy họ có một khoảng thời gian là “lấy mẫu”. Lúc này, họ gặt hái những kĩ năng phổ quát nhằm phục vụ cho việc học sau này. Họ tìm hiểu về sở thích và khả năng của mình.

Trong nhiều môi trường khi các mô hình không lặp lại, bạn phải làm mọi việc nhanh chóng, kịp thời và giải quyết các vấn đề bạn chưa từng gặp phải. Bạn phải có những kĩ năng và kiến thức để ứng dụng vào những tình huống chưa có tiền lệ này - các nhà tâm lý học gọi là sự chuyển giao. Bất kể bạn là một đứa trẻ đang học toán, thể thao hay một nhà khoa học đang nghiên cứu một vấn đề bất thường, điều bạn cần là chuyển giao kiến thức. Việc đào tạo của bạn càng đa dạng, bạn càng có thể áp dụng các kĩ năng của mình một cách linh hoạt vào các tình huống bạn chưa gặp. Điều này đồng nghĩa với việc bạn học cách kết hợp chiến lược để giải quyết vấn đề thay vì chỉ học cách thực hiện các kiểu mẫu lặp đi lặp lại.
generalist-specialist.jpg
Cùng nhìn vào một ví dụ khác trong giáo dục. Hãy so sánh về tầm quan trọng của thời điểm chuyên môn hóa, liệu trẻ em có đang phải đưa ra lựa chọn quá sớm khi chúng đang ở tuổi vị thành niên hay chúng có thể thử nhiều thứ trước khi cần quyết định? Hãy nhìn các quốc gia có hệ thống giáo dục tương đồng, như Anh và Scotland, ngoại trừ thời gian chuyên môn hóa. Ở Anh, học sinh ở độ tuổi 15, 16 phải lựa chọn những gì các em sẽ học vì các em sẽ phải làm bài kiểm tra vào các chương trình trọng tâm cụ thể ở đại học, ngược lại so với Scotland. Ở Scotland, học sinh được trải nghiệm trong hai năm đầu tiên, các em có thể tiếp tục học các khóa học khác nhau - đây là khoảng thời gian lấy mẫu. Vậy kết quả như thế nào?

Những người sớm bước vào chuyên môn hóa dẫn dầu về thu nhập nhưng họ lại đưa ra những lựa chọn ít phù hợp hơn cho bản thân. Họ có xu hướng chọn những gì họ đã biết bởi vì họ đâu thể làm gì khác? Họ chọn một thứ họ đã biết khi mới 16 tuổi. Những người lựa chọn chuyên môn muộn hơn đuổi kịp và vượt qua họ trong sáu năm. Số lượng ở những người bước vào sớm bắt đầu từ bỏ sự nghiệp là cao hơn bởi vì họ không thể tối ưu hóa những chất lượng được yêu cầu.

Trong văn hóa các doanh nghiệp, có vẻ như chúng ta đang đánh giá thấp sự cần thiết của những tổng quát viên. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần những chuyên gia. Nhưng như nhà vật lý và toán học lỗi lạc Freeman Dyson từng nói, chúng ta cần cả ếch và chim. Những con ếch trong bùn để xem xét các chi tiết nhỏ của tất cả mọi thứ. Những con chim ở trên cao và không nhìn thấy những chi tiết đó nhưng chúng có thể nhìn thấy nhiều con ếch và tích hợp công việc. Vấn đề của chúng ta là đều muốn mọi người trở thành chú ếch mà không yêu cầu ai làm chim cả. Điều này làm mất đi sự linh hoạt.

Chuyển đổi không phải là dễ dàng nhưng bạn có thể tận dụng những gì mình đã học được trong một lĩnh vực và đem nó sang một lĩnh vực khác. Hãy chú ý tới sự đa dạng và không nên định nghĩa công việc trong phạm vi hẹp, trau dồi nhiều kĩ năng để thích ứng và biến đổi phù hợp.

Tham khảo Greater Good Berkeley

Series tổng hợp các bài viết thủ thuật, kinh nghiệm danh cho những người trẻ sắp hoặc mới đi làm. Hi vọng sẽ giúp ích cho công việc của bạn, và đừng quên chia sẻ những kinh nghiệm có ích của bạn khi làm việc để mọi người cùng biết nhé!

67 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Xã hội càng phát triển thì tôi thấy experts/specialists tốt hơn. Experts/specialists đóng vai trò như linh hồn của tổ chức vậy. Có lẽ cũng vì giờ quá nhiều generalists nên không có ng này mướn người khác đc. Nhưng experts tốt thì ko dễ kiếm.
@Rainwalker Qua kinh nghiệm từng trải liệu a có thể chia sẽ với người mới như e vài điều được không. Ví dụ như nên bắt đầu là generalist hay specialist? Giai đoạn nào nên phát triển generalist hay specialist hay phát triển song song?
@Trương Mai Công Trí Mình nghĩ đầu tiên là mình chọn đúng ngành mình yêu thích và cam kết với ngành. Xã hội bây giờ con người năng động dễ đổi ngành nên làm trái ngành không phải vấn đề. Nhưng bạn càng chọn đc ngành sớm để gắn bó thì càng đỡ mất thời gian cho bạn.

Quan trọng bạn muốn trở thành ai và specialist hay generalist nó còn tuỳ thuộc vào tính cách của bạn nữa chứ khó mà khuyên đc, và nó còn theo giai đoạn sự nghiệp nữa.

Ví dụ mình khi ở tuổi U30 mình rất thích làm generalist, vì mình học hỏi đc nhiều thứ. Nhưng đến tuổi 35 mình cảm thấy mình không đủ sức và motivation cũng như khả năng tiếp thu kiến thức nên mình chỉ muốn tập trung vào ngành mình yêu thích. Nhưng biết đâu đấy khi mình muốn mở doanh nghiệp riêng làm những điều mình muốn thì generalist sẽ tốt hơn với mình.

Theo thiển ý của mình, thì bạn cứ tốt specialist đi đã, đi sang generalist thì kỹ năng > kiến thức nên có thể train được. Còn generalist sang specialist thường tốn nhiều thời gian hơn.

Bạn hình dung thế này: Một ông Director of Finance hay Director of Marketing có thể đảm đương tốt công việc của 1 CEO. Nhưng 1 CEO rất khó để quay về làm vị trí 2 ông kia.
@Rainwalker đó là do thần tượng cái job của mình và nghĩ không có mình thì tổ chức ăn cám trong thực tế ở modern business thì câu <KHÔNG MỢ CHỢ VẪN ĐÔNG> thì mọi chuyện nó khác, KHÔNG có bạn thì ....cũng bình thường, ngay cả KHÔNG có ông CEO thì mọi việc đâu cũng vào đấy....
nên đi làm một số vị trí chuyên môn quá đặc thù thì đều nằm trong HĐQT cofounder hết cho chắc ăn ạ
@Trương Mai Công Trí Chào người cùng làm Data Engineer 😁 mình hay nói với các anh em khác làm DE là anh em phải nghiên cứu thêm cả những thứ khác, nhưng hãy mạnh nhất công ty ở mảng của mình. Đó là cách mình kết hợp giữa specialist và generalist. Vừa biết đủ rộng, vừa sâu 1 cái, quá ngon
Tổng quát cái gì cũng biết nhưng không chuyên sâu. bác nào làm ở cty lớn hay tập đoàn lớn sẽ hiểu, cả đời chỉ biết 1 công việc chuyên môn đó 😁
AYEA
ĐẠI BÀNG
3 năm
Qua một vài công ty từng làm hoặc có liên hệ trao đổi trong công việc và chính cả bản thân thì mình thấy chính tổ chức công ty hoạt động mong muốn nhân viên mình có thể đảm nhận nhiều vai trò vị trí để có thể bổ trợ hoặc làm thay khi xảy ra sự cộ ở một vị trí nào đó (Dĩ nhiên những công việc đó có liên quan ít hoặc nhiều với nhau). Nếu như chuyên một mảng nào đó thì rất tốt nhưng phải phù hợp với nơi làm việc và văn hóa.
@AYEA Nói chung thì cũng tùy đó. Những công ty nước ngoài thì có sự chuyên môn hóa cao thì họ khá là rành rọt trong công việc và bố trí nhân sự. Còn 1 số công ty, kể cả những công ty hàng đầu của VNR500 chẳng hạn thì để thăng tiến thì nhiều khi họ muốn nhiều hơn ở nhân viên ngoài vấn đề chuyên môn chính của người đó. Nói ko xa, như giao dịch viên ngân hàng, ban đầu chỉ là 1 người tiếp đón khách hàng và thực hiện giao dịch, hạch toán. Nhưng bây giờ thì ngoài cái đó ra thì người đó cũng có chỉ tiêu như 1 sale, mặc dù chỉ tiêu thấp hơn những người là CS chẳng hạn. Nói chung là xác định làm cái gì thì phải biết mình là ai. Từ đó mới đi theo hướng này hay hướng khác.
fdcode281
ĐẠI BÀNG
3 năm
Generalist quan trọng, nhưng a phải hiểu sâu từng công việc chứ k phải hời hợt, đơn cử nhất là ngành CNTT, combo ông nào giỏi nghiệp vụ + IT luôn rất ngon. Thợ code kiếm dễ, trừ những đặc thù như CTO còn lại t nghĩ combo thế kia vẫn ngon hơn IT thuần rất nhiều.
@fdcode281 Diễn đàn này nhiều dev, mà phần nhiều của dev là thích đào sâu hơn là quẩy rộng, thích code task hơn là lên plan cho thằng khác code 😆
thangbem
TÍCH CỰC
3 năm
Đọc bài này không thấy có tí giá trị nào liên quan đến VN.
Erix
TÍCH CỰC
3 năm
@thangbem đã đi làm chưa, hay đang chay Grap mà kêu k liên quan..thúi quắc
bupbechanh
TÍCH CỰC
3 năm
@thangbem Chắc là đang chạy Grab phải ko ? Nên bạn không có tí giá trị nào liên quan tới VN.

Thử làm các cty nước ngoài , các tập đoàn lớn xem, thằng Generalist ko có mợ thì chợ vẫn đông, còn kiếm mòn mắt mới ra được 1 thằng Specialist đúng vị trí cần.
Chốt sổ:
IQ cao thì Specialist.
EQ cao thì Generalist.
iamcuong
TÍCH CỰC
3 năm
@BinBon2020 Với mình và bạn bè xung quanh thì thấy đúng thật. Mình team Generalist.
dongqtrung
TÍCH CỰC
3 năm
@BinBon2020 Có câu IQ và EQ đều cao thì chắc chắn thành công, IQ thấp EQ cao sẽ được quý nhân phù trợ, IQ cao EQ thấp thì ko được ai ủng hộ, IQ EQ đều thấp thì chắc chắn thất bại
DKez
TÍCH CỰC
3 năm
@BinBon2020 theo mình, thời trẻ nên tập trung chuyên môn còn nhiều tuổi hơn thì nên biết rộng hơn
ongcolo2505
ĐẠI BÀNG
3 năm
@BinBon2020 Mình cũng team generalist. Có cái nhìn rộng, hiêủ về core business của cty, mong đợi từ phía người dùng/khách hàng, kết hợp lại để có thể tận dụng được thế mạnh của các bạn specialist. Cái này là Kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân của mình
The Vi Er
TÍCH CỰC
3 năm
Giờ đâu tôi cũng thấy generalist ngỡ mình là specialist
Cái gì cũng biết nhưng không cái gì rành. Ví như thiết kế nhà ở thì chủ nhà đứa nào cũng toàn lấn sân kiến trúc sư: "anh thấy phải vẽ như này này..."
🤣🤣🤣
Tùy vào công việc và năng lực bản thân. Tầm 5-10 năm đầu sau khi ra trường thì nên theo hướng cái gì cũng biết, sau đó dựa vào nhu cầu thị trường và năng lực bản thân mà chọn 1 hướng để trở thành chuyên gia.
lordgon
TÍCH CỰC
3 năm
Lần đầu tiên nghe tới khái niệm generalist 😆
The Vi Er
TÍCH CỰC
3 năm
@lordgon GM- general manager: tổng quản mama
Gặp hoài chứ đâu?
Hoang Tieu
ĐẠI BÀNG
3 năm
Generalist dễ có xu hướng để thăng chức lên vị trí cao như Director, Manager, CEO hơn là Specialist.
iamcuong
TÍCH CỰC
3 năm
Mình là người thích học hỏi, nên mình ủng hộ việc "9 nghề", nhất là trong thời buổi ngày nay.
Mình làm kinh doanh, mình biết 1 tí PTS, 1 tí AI, 1 tí code web, 1 tí tiếng Trung, vài tí tiếng Anh.
Mình còn tập tẹ cả Blender, cả Fushion 360...
Mình cảm thấy việc biết nhiều hơn giúp mình tiếp cận nhiều cơ hội hơn.
Còn việc gì cần experts thì mình lên Fiverr, Upwork thuê.
DKez
TÍCH CỰC
3 năm
@iamcuong nên có 1 2 việc expert, còn lại mỗi cái biết 1 tí, nhưng biết cũng phải 1 mức nào đó chứ ko nên hời hợt
The Vi Er
TÍCH CỰC
3 năm
@iamcuong Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề.
Phải hiểu giống như thợ mộc phải biết dùng đục, đẽo, bào ... Cho rành rọt nghệ. Chứ không phải thợ gì gỉ ghi chỉ biết mỗi cưa, hết phần cưa thì ngồi phỗng.
Bạn nhầm khái niệm công cụ với nghiệp vụ /lĩnh vực/ nghề rồi
Cá nhân mình luôn quan niệm hãy học rộng trước rồi hãng đào sâu, nên hồi còn học đh mình học rất nhiều, cái gi cũng nắm được tuy nhiên hỏi sâu vào nó thì chịu. Chuyên ngành của mình theo đuổi là CNTT nhưng toàn mua sách về kinh tế, quản trị và sức khoẻ để đọc, sách chuyên ngành đọc khá ít 😝. Giờ đi làm thì tập trung vào chuyên môn rồi nhưng những kiến thức tổng quát luôn khiến công việc của mình thuận lợi hơn rất nhiều. Mình học được việc quản lý đa nhiệm khi đi rửa bát và kinh nghiệm đó giúp mình khá nhiều khi mà một ngày, có khi cả tấn task cần phải làm nhanh nhất có thể. Vì thế với câu hỏi của bài, các bạn trẻ hãy là một tổng quát viên trước để thử/sai và tìm được hướng đi của mình, sau đó hãy là một chuyên viên trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi. Những việc tưởng chừng chả có liên quan mịa gì với nhau có khi lại giúp các bạn một lúc nào đó đấy
hnguyen213
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Đào Anh Thành Cuốn sách trong bài cũng hướng đến việc chuyên môn hóa muộn. Học rộng trước rồi học sâu. Và khi đó phải liên kết được kiến thức tổng quát để hỗ trợ kiến thức chuyên sâu. Cuốn này được dịch tiếng việt rồi nhé
20210828_181055~2.jpg
20210828_181027~2.jpg
@Đào Anh Thành Mình có đọc bài ở đâu đó về chuyện học cũng như đào 1 cái giếng. Bạn phải đào đủ rộng thì mới đào sâu tiếp được.
Nên là người kiếm được tiền nhiều nhất
God Joey
ĐẠI BÀNG
3 năm
E thấy sách với phim và thực tế là chuyên gia được thuê để làm việc họ giỏi nhất.
Hiện tại mình là 1 Specialist về mảng phần cứng máy chủ và thiết bị lưu trữ , nhưng ở mức của mình thì lương cũng chỉ đủ sống ... quan trọng là specialist về mảng nào, mảng nào đang host thì giá trị mang lại sẽ rất cao, thí dụ hiện tại nếu là Specialist về Cloud AWS thì lương 3K $ là có 😁
JackWilliam
ĐẠI BÀNG
3 năm
Jack of all trades, master of none
Yet far better than a master of one
Cá nhân mình là dân luật (trong nước) ra, làm luật sư xong chuyển qua IT (du học). Trong thời gian đi học mình làm cả mảng nhiếp ảnh, ra nước ngoài làm thêm đầu bếp nhà hàng 5 sao, ngoài ra còn tìm hiểu thêm về tài chính, kinh doanh. Bản thân mình thấy là generalist đem đến nhiều ưu thế vượt trội về sau hơn so với specialist. Đối với mình bây giờ đi làm BA ở ngân hàng mình không bị ngợp vì khối lượng kiến thức mình có đủ cho công việc hiện tại và thậm chí ở các cấp độ cao hơn, mình cũng có thể kết hợp tư duy pháp lý và cách thức làm việc hồi mình làm luật sư để tư vấn cho ban dự án về các rủi ro liên quan đến tính năng và thiết kế hệ thống. Tuy nhiên lại bị kìm hãm một phần vì ở VN tính năng lực theo thâm niên kinh nghiệm nên các kiến thức chưa thể phát huy hết. Nhưng bù lại mình có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều dự án khác nhau, chơi nhiều sân, nhiều nguồn thu nhập và tự tin vào những gì mình đang làm.
Ngược lại, specialist lại dễ kiếm việc hơn, phần vì số năm kinh nghiệm, phần vì đối với mảng mà họ chuyên họ thực sự chuyên sâu và rất giỏi. Đối với một số ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao, đặc biệt về kỹ thuật thì specialist có ưu thế hơn rất nhiều. Tuy nhiên một điểm yếu của specialist lại rơi vào sự cứng nhắc và nếu mảng của họ không còn được sử dụng đến hoặc đã bị thay thế thì specialist lại là đối tượng bị đào thải đầu tiên nếu không chịu chuyển giao và cập nhật mảng kiến thức mới.
Thực ra nói đi nói lại specialist hay generalist nếu muốn ........ các chức vị cao đều phải có sự hòa trộn của cả 2, vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi cả kiến thức phổ quát đèu tốt hơn so với chỉ giỏi 1 phần.
JackWilliam
ĐẠI BÀNG
3 năm
@JackWilliam Có cái clip hôm trước mới xem này
longprof
TÍCH CỰC
3 năm
Trăm hay không bằng tay quen, Nhất nghệ tinh nhất thân vinh

Nếu lấy chất lượng, số lượng sản phẩm được làm ra để làm thước đo năng lực, để đánh giá người lao động thì ý nghĩa câu tục ngữ trên là đúng. Bởi thực hành mới trực tiếp sản xuất ra hàng hoá, mới làm ra của cải vật chất. Và tất nhiên phải quen tay mới thuần thục công việc cho nên người lao động, công nhân mới làm ra những sản phẩm có chất lượng và có số lượng cao. Trong thực tế, đã có biết bao người hiểu rộng, biết nhiều lí thuyết nhưng khi bắt tay vào thực hành lại lúng túng, dẫn đến thất bại. Ngược lại, có những người không được học hành, không được đào tạo ở một trường lớp nào cả. Nhưng với những thực tế lao động, từ những kinh nghiệm trong quá trình rèn luyện được tích luỹ họ trở thành người có tay nghề giỏi. Đó là những người thợ máy lâu năm, những thợ thủ công lành nghề theo kiểu cha truyền con nối nên họ có tay nghề cao, làm việc có hiệu quả ít ai sánh được. Vì lẽ đó mà cha ông ta đã định vai trò quan trọng của thực hành trong đời sống hàng ngày. Đồng thời qua đó ông cha ta cũng có thái độ trân trọng, đề cao người lao động trực làm ra của cải vật chất cho xã hội tiêu dùng. Đối với một nước nông nghiệp lạc hậu thì nội dung câu tục ngữ trên có thế chấp nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh điều chấp nhận đó, ta cũng thấy rõ mặt chưa đúng của câu tục ngữ. Bởi lẽ, thói quen kinh nghiệm, thành thạo công việc dù có quan trọng như thế nào cũng không phải là tất cả. Muốn tinh thông nghề nghiệp thì ngoài “quen tay” còn phải có “trăm hay” mới được. Nếu như chỉ “quen tay” thành thạo việc thì người thợ thủ công không thể chuyển công việc của sang sản xuất bằng máy móc để có năng suất cao được. Như vậy tư tưởng “trăm hay không bằng tay quen” không chỉ thể hiện qua việc coi thường học vấn coi thường khoa học mà còn thể hiện tư tưởng tự mãn với thói quen sẵn có của mình. Đồng thời nó cũng biểu hiện một khuynh hướng bảo thủ. Bởi vì thành quả của “tay quen” ấy, con người không dễ gì chịu tiếp thu tư tưởng mới, kĩ thuật mới bao giờ. Đó là một trở ngại cho sự tiến bộ, cho thời đại Khoa học kĩ thuật và kinh tế tri thức.

Ngày nay trong thời đại khoa học kĩ thuật đang phát triển mạnh thì sự hiểu tri thức, “trăm hay” của con người rất là cần thiết. Bởi có “thực hành” nào không cần đến “lí thuyết” đâu. Có nắm vững lí thuyết ta mới thực hành dễ và đạt kết quả cao. Lí thuyết chỉ đạo cho thực hành, và thực hành là để nghiệm lại, bổ sung và nâng cao hoàn thiện cho lí thuyết. Lí thuyết giỏi với thành thạo việc sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy ta không nên xem nhẹ bất cứ một mặt nào mà phải kết hợp tác hai chiều giữa lí thuyết và thực hành. Ta cũng nên hiểu rằng có học mà người thực hành chỉ là lí thuyết suông. Thực hành mà không biết lí thuyết thì việc gì cũng gặp khó khăn. Do đó ta mới đánh giá đúng mức mối liên quan giữa lí thuyết và thực hành.

Tóm lại, câu tục ngữ “Trăm hay không bằng tay quen” tuy có đề cao vai trò của kĩ năng thực hành, đề cao năng lực thành thạo công việc thì đó cũng là khía cạnh rất có ý nghĩa trong việc đào tạo người lao động mới. Và để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của xã hội ngày nay, ta thấy phương châm “Học phải đi đôi với hành”, “trăm tay” đi liền với “tay quen” là đúng đắn và phù hợp nhất. Hiểu và thực hiện tốt được điều này không những ta góp phần đổi mới cuộc sống mà ta còn phát huy tính sáng tạo ngày càng cao để phục vụ đời sống con người, đưa đất nước tiến vào hội nhập và phát triển cùng thế giới.

Nguồn: https://download.vn/binh-luan-cau-tuc-ngu-tram-hay-khong-bang-tay-quen-42407
TICV
ĐẠI BÀNG
3 năm
Là cái gì thì phải xem phẩm chất, tính cách. Không phải cứ muốn là được. Ví dụ thằng nào làm chuyên môn có thể kém tí, nhưng có tài chém gió, mồm 5 miệng 10 thì làm generalist hợp hơn. VD Sales mà cho ông có sao nói vậy, lắp bắp dăm câu 3 từ toàn những cái chuyên môn sâu không ai hiểu thì sập tiệm. Ngược lại, người làm kỹ thuật cần nói ít hơn làm, cẩn trọng chính xác. Chứ mấy ông ba hoa bốc phét giỏi làm kỹ thuật thì sản phẩm be bét hết.
@TICV chuẩn nè.
Tốt hay không phải đứng ở góc độ phù hợp với cá tính và tố chất, năng lực của bản thân. Cuối cùng là cảm thấy hạnh phúc, thoải mái với công việc của mình. Mỗi vị trí, mỗi chiến lược phát triển đều có vai trò trong tổ chức:
- Người Generalist phù hợp với các vai trò quản lý, điều phối. Nhưng họ vẫn cần 1 mảng chuyên môn "đủ" sâu được xây dựng từ những năm đầu đời đi làm.
- Người Specialist là những chuyên viên của từng ngành dọc, kiêm người thực thi và triển khai các công việc cần thiết của tổ chức.

Chốt: Bạn tự chọn con đường phù hợp cho bản thân mình nhé. Và, sự lựa chọn có thể thay đổi theo thời gian.
@binhpt Nghề quản lý cũng là 1 nghề nên cùn cần sự chuyên sâu

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019