Thứ ba, 23/4/2024
Thứ sáu, 10/9/2021, 16:45 (GMT+7)

Người dân chuẩn bị chống bão Côn Sơn

Đà NẵngNgười dân đưa tàu thuyền lên bờ, chằng chống nhà cửa, gặt lúa chạy bão giữa lúc thành phố đang cách ly chống dịch.

Sáng 10/9, hàng trăm ngư dân Đà Nẵng đã xin chính quyền địa phương đi ra biển đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão Côn Sơn. Đà Nẵng đang áp dụng chỉ thị 16 nên người dân chỉ được ra đường khi có việc thiết yếu.

Dự báo đến 13h hôm nay, tâm bão Côn Sơn cách quần đảo Hoàng Sa 120 km, sức gió mạnh nhất 115 km/h, cấp 10-11, giật tăng hai cấp.

Tại cầu cảng giáp bán đảo Sơn Trà, khoảng 200 ngư dân có ghe máy, lồng bè và tàu nhỏ muốn đưa phương tiện lên bờ để trú tránh bão. Tuy nhiên do thành phố đang cách ly xã hội nên ít xe cẩu hoạt động, ngư dân phải ngồi chờ.

Ông Vy Tấn Phước (42 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), cho biết mỗi lần cẩu ghe máy lên bờ mất 500.000 đồng tiền phí, hết bão thả ghe xuống mất 1 triệu đồng. Hôm nay ông chờ 5 tiếng đồng hồ chưa đến lượt đưa ghe lên.

"Chống dịch chưa xong giờ lo chống bão. Nhiều tháng nay lại không được ra khơi nên ngư dân rất khó khăn", ông Phước nói. Sáng nay, ông Phước ra phường xin giấy đi đường để ra đưa ghe lên bờ. "Nếu không có dịch thì mùa này đang đánh bắt tôm, ghẹ ở khu vực cách bờ khoảng 10 km", ông nói.

Nhiều ngư dân tranh thủ lúc đưa ghe lên bờ đã mua lương thực, thực phẩm để ăn trong những ngày tới. Đà Nẵng thực hiện giãn cách từ ngày 4/5 và sau đó liên tiếp nâng cấp độ phòng chống dịch, trong đó có 20 ngày "ở yên trong nhà" từ 16/8 đến 5/9.

Giá chở tàu nhỏ từ 800.000 đến 900.000 đồng mỗi phương tiện, vì mất diện tích gấp ba lần chở ghe máy. Phía dưới gầm tàu, nhiều con hà, vẹm xanh đã bám chặt. Tranh thủ thời gian tránh bão, ngư dân phải làm sạch vỏ tàu.

Dưới biển, nhiều ngư dân vất vả dọn dẹp thuyền thúng bị sóng đánh chìm, vì để ven bờ qua nhiều ngày cách ly xã hội.

Tàu nhỏ, ghe máy được đưa về đặt tạm trên vỉa vè khu vực đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp. Ngư dân cũng tranh thủ thu lưới để về sửa lại, chuẩn bị ra khơi khi được thành phố cho phép.

Các tàu thuyền lớn dừng hoạt động, neo đận kín trong âu thuyền và ngoài cửa vịnh Mân Quang. Cảng cá Thọ Quang phải đóng cửa từ ngày 25/7, do liên quan đến chuỗi lây nhiễm là các tiểu thương, người làm thuê tại cảng.

Chính quyền cho phép người dân ra kiểm tra tàu thuyền của mình. Trong đợt dịch này, nhiều tàu đánh cá của người dân neo đậu tại đây đã bị chìm vì nước tràn vào nhưng ngư dân không có mặt bơm ra kịp thời.

Trên đường Võ Nguyên Giáp, một nhóm công nhân cũng gọi nhau gia cố lại hàng rào nơi công trình thoát nước đang thi công dang dở. "Công trình phải dừng hoạt động gần hai tháng nay. Đợt này thành phố cho công nhân đi làm lại thì lại gặp bão", anh Lê Thanh Sơn, đại diện nhà thầu, nói.

Ông Lê Văn Phương, nhân viên khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp dùng bao cát chèn phía trong, dùng các thanh sắt lớn giằng bên ngoài cửa chính để đảm bảo không bị bão làm hư hỏng.

"Từ đêm qua đến nay, tôi cùng một số nhân viên khác phải giằng néo hàng chục tầng của khách sạn để đảm bảo an toàn", ông Phương nói.

Trên vỉa vè và công viên Biển Đông, nhân viên cứu hộ biển của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đi thu gom các bảng thông báo thực hiện quy định 5K, không để bão gió làm hư hại.

Tại cuộc họp chiều 9/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã yêu cầu các quận, huyện có nguy cơ sạt lở phải lên phương án di dân đến nơi an toàn. Quá trình sơ tán dân đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Các thầy cô giáo trường tiểu học Lâm Quang Thự (huyện Hoà Vang) cùng nhau xúc cát vào bao tải để gia cố phần mái tôn của nhà xe, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão.

Trên cánh đồng của huyện Hoà Vang, các máy gặt, xe thu gom lúa cũng đang hoạt động hết công suất. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết còn khoảng 200 ha lúa đang vào vụ thu hoạch.

Nguyễn Đông