Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 11/9/2021, 04:00 (GMT+7)

Người dân vùng sạt lở dựng nhà mới

Quảng NamGần một năm sau trận lở núi, hàng trăm hộ dân huyện Phước Sơn đang khẩn trương xây nhà mới khi mùa mưa bão cận kề.

Những ngày này 5 khu tái định cư ở ba xã vùng cao Phước Lộc, Phước Thành và Phước Kim được chính quyền huyện Phước Sơn bàn giao mặt bằng để người dân xây dựng nhà mới.

Trước đó, cuối tháng 10/2020 trận mưa bão và sạt lở núi ở huyện Phước Sơn vùi lấp 13 người khiến 9 chết, 4 người mất tích; 97 căn nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; 69 nhà thiệt hại từ 50 đến 70%.

Chính quyền san ủi những quả đồi hình chóp lấy mặt bằng cho người dân tái định cư. Khu tái định cư thôn 2, xã Phước Thành trước đây là một ngọn đồi, đã được san ủi hàng triệu mét khối đất đá phía trên để hình thành khu vực bằng phẳng rộng khoảng 7 ha.

Xã Phước Thành có ba khu với 175 hộ dân; Phước Kim một khu với 30 hộ và Phước Lộc 35 hộ; nguồn đầu tư khu tái định cư từ ngân sách với gần 40 tỷ đồng.

Tại các khu tái định cư có nhiều taly cao hàng chục mét, nhưng đã được các cơ quan chuyên môn tính toán nếu xảy ra sạt lở đất không đổ vào nhà dân.

Mỗi hộ dân được cấp gần 140 m2 đất dựng nhà. Con đường chạy giữa khu tái định cư, hai bên nhà dân dựng lên san sát.

Anh Hồ Văn Sem, thôn 2, xã Phước Thành, đang dựng căn nhà gỗ cho gia đình. Theo anh, đợt bão lũ năm ngoái khiến nhà và tài sản bị cuốn trôi. Nhà nước hỗ trợ anh 140 triệu đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa để làm nhà mới. "Về nơi ở mới tôi không lo sạt lở, lũ quét", anh nói.

Khu tái định cư thôn 1, xã Phước Thành, rộng 13 ha, bố trí cho 104 hộ dân.

Khu tái định cư thôn 1 được làm theo kiểu ruộng lúa bậc thang. Toàn khu có bốn bậc, mỗi bậc được làm taly và kè bê tông ngăn sạt lở đất.

Vợ chồng anh Hồ Văn Xồng, thôn 1, xã Phước Thành, dựng xong nhà và đang dọn đất để làm nền. Trước đây, gia đình anh sống gần suối, luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở.

"Sau khi nhận đất, chúng tôi đã nhờ hàng xóm chuyển căn nhà gỗ ba gian và dùng khoản tiền hỗ trợ mua những đồ đã hư hỏng thay thế", anh Xồng nói.

Căn nhà gỗ của anh Hồ Văn Hôi, thôn 1, được hàng chục người hàng xóm dựng lên. Dự kiến, khoảng 10 ngày nữa nhà dựng xong, gia đình Hôi có 5 người vào sinh sống.

Thôn 3, xã Phước Lộc, đã bị lũ quét xóa sổ, khiến 11 người chết và mất tích. Hiện khu tái định cư cho thôn này rộng hơn 6 ha, bố trí xây dựng 12 căn nhà đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Trong lúc chờ làm nhà mới, bà Hồ Thị Nhía cùng năm hộ dân khác sống trong những căn lều tạm cạnh khu tái định cư. "Gia đình tôi có bốn người sống trong nhà tạm gần một năm qua nên mong sớm được bố trí đất dựng nhà gỗ", bà nói và cho biết nơi ở mới nằm dưới núi thấp, xa sông suối.

Những ngôi nhà ở khu tái định cư thôn 1, xã Phước Thành, sắp hoàn thành đang được người dân lau dọn, chuẩn bị vào ở. "Hiện nước sạch, đường chưa hoàn thành nên mong muốn chính quyền sớm thi công đồng bộ khi người dân về", chị Hồ Thị Len nói.

Năm khu tái định cư mới đã được bàn giao mặt bằng song các hạng mục điện, đường, nước, bờ kè, mái taly còn ngổn ngang. "Bước vào mùa mưa nên việc thi công gặp khó khăn, nhưng các đơn vị sẽ gấp rút hoàn thành trước năm 2021", ông Lê Quang Trung, Chủ tịch huyện Phước Sơn, nói.

Giải thích việc gần một năm sau vụ sạt lở núi người dân mới có mặt bằng để dựng nhà, ông Trung cho rằng quá trình đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước nên phải tuân thủ quy định. "Phước Sơn là vùng đồi núi cao, mất nhiều thời gian lựa chọn vị trí xây dựng; các khu tái định đều san ủi những ngọn đồi, thi công nhiều ngày mới xong", ông Trung nói.

Nhà tái định cư
 
 

Khu tái định cư nhìn từ trên cao. Video: Đắc Thành.

Đắc Thành