Thứ năm, 25/4/2024
Chủ nhật, 12/9/2021, 07:38 (GMT+7)

Vợ chồng hơn 30 năm sống dưới gầm cầu thang chung cư

TP HCMGầm cầu thang rộng gần 5 m2, ở chung cư Ấn Quang, quận 10, là nơi sinh sống của vợ chồng bà Nguyễn Thị Huệ suốt 34 năm nay.

Góc cầu thang ở lô C, chung cư Ấn Quang (phường 9, quận 10) là nơi sống của vợ chồng ông Phạm Văn Liễu và bà Nguyễn Thị Huệ từ năm 1987.

Tại đây, được Ban quản trị chung cư cho phép, hai vợ chồng bít một phần gầm cầu thang, lắp cửa, lát thêm gạch bông làm nơi cư ngụ. Khoảng sân gần 10 m2 phía trước là nơi để xe máy, xe hàng rong, một góc tường lắp tủ và làm bàn thờ nhỏ.

"Từ năm 1983 cả nhà tôi thuê ở đây nhưng sau nghèo quá phải dọn ra gầm cầu thang ở. Hồi đấy có cha mẹ, hai anh trai cùng ở chung. Tối đến cứ mang chiếu ra ngoài ngủ. 25 năm trước khi tôi lấy chồng thì hai anh dọn ra bên ngoài ở", bà Huệ (53 tuổi) cho biết.

Cửa nhà cao chưa đến một mét, khoảng không gian bên trong nhà chỉ rộng gần 5 m2, thường xuyên phải bật đèn. Việc nấu nướng được tối giản với chỉ một bếp. Khi vợ nấu ăn, ông Liễu thường ra ngoài cho đỡ chật chội.

"Mấy bữa nay không có thu nhập, bà con quanh đây cùng chính quyền cũng góp cho rau củ, gạo, dầu ăn... nên cuộc sống vẫn tạm ổn", ông Liễu (56 tuổi) nói và cho biết hơn 30 năm nay hai vợ chồng bán hàng rong quanh chung cư, lúc đầu là khoai lang, sắn luộc, rồi bán bánh canh, súp cua. Hơn hai tháng nay, khi TP HCM giãn cách, chiếc xe đẩy nằm một góc cạnh cửa nhà (góc trái).

Những ngày giãn cách, gia đình bà Huệ chỉ ở trong nhà, đóng cửa thường xuyên để hạn chế tiếp xúc. Mỗi khi hàng xóm hỗ trợ thực phẩm thường để trên ghế rồi gọi bà ra nhận.

Trong nhà như cái hình tam giác nên phần góc rất thấp, muốn sắp xếp đồ đạc họ phải cúi đầu thật sát. "Nơi cao nhất chỉ 1,5 m nên nhiều lần đi không khom lưng xuống đều bị cụng đầu", ông Liễu nói, tay xếp túi rau củ được phường hỗ trợ vào kệ.

Nhà chật nên hai vợ chồng thường nấu nước rồi đóng vào chai nhỏ để ở góc cầu thang thay vì mua bình lớn.

Nơi cao nhất trong nhà để vừa tủ lạnh, tuy nhiên do vướng máy điều hòa nên chỉ mở hé được cửa. Máy lạnh được hai vợ chồng mua trả góp cách đây một năm bằng tiền tích luỹ.

Ông Liễu cho biết, hồi chưa có máy lạnh nhiều đêm nóng quá hai người mang chiếu ra ngoài cửa ngủ cho mát.

Buổi tối hai vợ chồng chủ yếu xem tivi tại nhà. Phía trước màn hình là tủ quần áo được gấp gọn lại cùng bàn thờ và tủ lạnh.

Điện nước của gia đình đều "câu" của hộ dân gần đó, với chi phí khoảng 300.000 đồng một tháng. Việc tắm rửa, vệ sinh họ cũng phải đi ké nhà khác hàng chục năm nay.

Những lúc cảm thấy ngột ngạt, hai vợ chồng ra ngoài sảnh chung cư ngồi nói chuyện. Khi chưa dịch, khách đến chơi nhà cũng phải ngồi ở ngoài.

Thời gian rảnh trong ngày, bà Huệ lên căn hộ ở tầng 2 chăm mẹ già 85 tuổi và chơi với hai cháu ngoại.

Vợ chồng bà có duy nhất một con gái, hiện 24 tuổi. Mong muốn cho mẹ và vợ chồng con gái có chỗ ở êm ấm, năm 2019 bằng số tiền tích góp nhiều năm qua bà mua một căn hộ cho ở ngay nơi mình đang sống.

"Đến giờ tôi vẫn nợ hơn trăm triệu tiền nhà nhưng nhìn mẹ già, con cháu có nơi ở rộng rãi là tôi hạnh phúc rồi", bà Huệ nói, trong lúc vui đùa cùng cháu.

Nhà chật không để vừa nệm nên họ phải trải mền ra sàn để ngủ. Hồi chưa dịch, hai vợ chồng thường ngủ sớm để 3h hôm sau dậy chuẩn bị nấu bánh canh, súp cua bán.

"Vợ chồng con gái thường kêu lên nhà sống chung nhưng chỗ gầm cầu thang này tôi ở quen rồi, không muốn chuyển đi. Hơn nữa ở đây không phải đi lại nhiều, tiện cho việc buôn bán, đêm hôm dậy nấu nương cũng không phiền ai", bà Huệ nói.

Bà Trần Lệ Thu, Trưởng Ban quản trị Chung cư Ấn Quang cho biết, ngoài vợ chồng bà Huệ cũng có một nhà khác ở gầm cầu thang. Hai gia đình này ban quản trị đều tạo điều kiện cho họ ở, chỉ thu phí vệ sinh. Những ngày giãn cách, chung cư cùng chính quyền vẫn hỗ trợ nhu yếu phẩm cho họ đầy đủ như các căn hộ khác.

Chung cư Ấn Quang xây dựng từ năm 1968, cao 4 tầng với 6 lô, hiện có khoảng 900 hộ sinh sống. Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, chung cư đã xuống cấp, nhiều hạng mục bị hư hỏng.

Quỳnh Trần