VNExpress

Đội tuyển Trung Quốc mạnh hay yếu?

Hai trận thua trắng trước Australia và Nhật Bản khiến Trung Quốc bộc lộ những vấn đề trong lối chơi. Tuy nhiên, nếu nhìn lại hành trình trước đó của thầy trò Li Tie, Việt Nam cũng cần dè chừng, nhất là sức mạnh hàng công của họ.

Đội hình dày dặn kinh nghiệm

Ngoại trừ trận gần nhất gặp Nhật Bản, Trung Quốc gần như duy trì một bộ khung đội hình trong cả năm trận đấu trước đó trong năm 2021 ở vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á.

Một cách tổng quát, HLV Li Tie có thói quen sử dụng những cầu thủ dạn dày kinh nghiệm và đang ở độ chín của sự nghiệp. Đội hình thường xuyên đá chính của Trung Quốc có độ tuổi trung bình là 30,4 với người trẻ nhất là cầu thủ nhập tịch Guangtai Jiang – sinh năm 1994. Cựu trung vệ của Everton, tên khai sinh là Tyias Browning, cũng là một trong hai cầu thủ nhập tịch thường nằm trong đội hình xuất phát của Trung Quốc, bên cạnh tiền đạo Elkerson. Những cá nhân còn lại đều có thâm niên tại ĐTQG, như tiền đạo Wu Lei (73 trận), tiền vệ đội trưởng Wu Xi (73 trận) hay trung vệ Zhang Linpeng (84 trận).

Đội hình mạnh nhất của Trung Quốc.

Trước khi liên tiếp thua Australia và Nhật Bản, Trung Quốc đã trải qua vòng loại thứ 2 hết sức ấn tượng. Họ đứng nhì bảng A với 19 điểm qua tám trận, chỉ lọt lưới 3 bàn và ghi trung bình 3,75 bàn mỗi trận. Tính riêng bốn trận đấu trong năm 2021, Trung Quốc lần lượt đánh bại cả bốn đối thủ còn lại trong bảng, trong đó có cả đầu bảng Syria, với thành tích ghi 17 bàn và chỉ thủng lưới duy nhất một lần.

Điểm chung của Trung Quốc trong những trận đấu đó là lối chơi kiểm soát thế trận và tấn công phóng khoáng. Nếu so sánh những thống kê từ các trận đấu trong năm 2021 ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 giữa Việt Nam và Trung Quốc, có thể nhận thấy rõ sự khác biệt về cách tiếp cận trận đấu của đôi bên. Trug Quốc thường kiểm soát bóng trung bình 62%, dứt điểm nhiều hơn và chú trọng vào các mảng miếng tấn công biên với số lượng lớn các quả tạt được thực hiện qua các trận đấu.

Vì vậy, hàng phòng ngự của Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với một sức ép tấn công rất lớn, tối 7/10.

Tấn công tốc độ, biến hoá

Trung Quốc thường xuất phát với sơ đồ 4-3-3, tuy nhiên, đội bóng của Li Tie có những sự điều chỉnh đáng chú ý về vị trí các cầu thủ khi chủ động kiểm soát bóng. Hậu vệ biên trái thường không dâng cao, trong khi ở bên phía đối diện, hậu vệ biên phải số 20 Tang Miao đứng ngang hàng với các tiền đạo, điều đó tạo điều kiện cho chân sút Wu Lei chơi tự do ở khu vực trung lộ. Tiền đạo trái của Trung Quốc, số 17 Wu Xinghan thường đứng sát đường biên ngang, để tạo nên một cấu trúc đội hình 3-3-4 khi kiểm soát bóng.

Bàn thắng mà Wu Xinhang ghi được trong chiến thắng trước Philippines tháng 6 là một ví dụ điển hình cho cách tấn công của Trung Quốc. HLV Li Tie muốn các cầu thủ của ông mở rộng tối đa diện tích sân, hướng đến các tình huống xuống biên ở tốc độ cao.

Wu Lei chơi tự do ở trung lộ, nhận bóng, trong khi Tang Miao chơi cao và rộng ở cánh phải.
Đường chuyền của Wu Lei cho Tang Miao.

Pha bóng trên được thực hiện với kĩ thuật xử lý và các lựa chọn ra quyết định nhanh và hợp lý của Trung Quốc, kết thúc với tình huống kiến tạo từ một cầu thủ chơi sát biên phải và pha ghi bàn cầu thủ chơi ở biên trái. Wu Xinghan chính là người khai thác khoảng trống ở cánh đối diện.

Bàn thắng mẫu mực của Trung Quốc trước Philippines.

Sơ đồ 3-3-4 khi tấn công của Trung Quốc thực sự cho thấy định hướng xây dựng một phong cách chơi tấn công phóng khoáng của HLV Lie Tie, với những cầu thủ chơi rất rộng ở hai hành lang cánh, một tuyến tiền vệ chơi cơ động và mũi săn bàn Elkeson cùng Wu Lei. Không ngạc nhiên khi Trung Quốc thể hiện phong độ tốt với bộ khung đội hình này trong những trận đấu với các đội thủ được đánh giá ở cùng hoặc kém đẳng cấp.

Trong định hướng tấn công đó, các trung vệ có được sự tự do trong các quyết định triển khai bóng. Không đơn giản là những tình huống chuyền cho hàng tiền vệ, cả Zhang Linpeng và Jiang Guangtai đều sẵn sàng kiểm soát bóng và hướng đến các tình huống chuyền dài chuyển hướng tấn công, nhằm đẩy cao cường độ chơi bóng.

Zhang Linpeng tự tin kiểm soát bóng...
... rồi tung đường chuyền chuyển hướng cho tiền đạo cánh trái Wu Xinghan.

Những đường bóng như trên đặt số 17 của Trung Quốc vào khoảng trống ở ngoài biên trái, nơi anh có không gian, thời gian xử lý bóng, trước khi thực hiện những tình huống dẫn bóng tốc độ để loại bỏ hậu vệ đối phương và đưa bóng vào vòng cấm. Không ngạc nhiên khi 73% số pha tấn công của Trung Quốc diễn ra ở hai biên. Những pha đánh biên như vậy hoàn toàn có cơ sở khi trong khu vực 16m50, đội bóng này sở hữu hai mẫu tiền đạo khác nhau về lối chơi. Một Elkeson với tầm vóc và sức mạnh thể chất, cùng một Wu Lei có tốc độ, nhạy cảm ở các khoảng trống tấn công và quyết đoán với các quyết định dứt điểm.

Elkeson và Wu Lei luôn sẵn sàng trong khu vực cấm địa khi bóng được triển khai từ hai biên.

Việc Trung Quốc có quân số lớn trên phần sân đối phương và ở khu vực cấm địa sẽ là một vấn đề mà HLV Park Hang-seo và các cộng sự cần tính toán. Hàng hậu vệ năm người của Việt Nam sẽ cần cảnh giác, khi vừa phải hạn chế hai cầu thủ chơi biên Tang Miao và Wu Xinghan, vừa cần có được sự bọc lót cho nhau tốt ở trung lộ, trước sự đa dạng trong các pha di chuyển của cặp đôi Elkeson và Wu Lei.

Thậm chí, ở những phút đầu tiên trong cuộc đối đầu với Australia, Trung Quốc còn tự tin đẩy cao đội hình và không ngần ngại triển khai tấn công, với số lượng nhân sự lớn. Rõ ràng HLV Li Tie tương đối tin tưởng triết lý bóng đá của ông.

Trung Quốc sẵn sàng triển khai lối chơi tấn công trước Australia. Tình huống có tới tám cầu thủ Trung Quốc trên phần sân đối phương.

Rõ ràng, Australia và Nhật Bản là những đối thủ vượt trội về bản lĩnh và chất lượng so với Trung Quốc, nhưng cũng với lối chơi ấy, trước những đối thủ như Syria hay Philippines, đội bóng của Lie Tie đã chứng minh được áp lực lớn mà họ có thể tạo ra. Không đơn giản từ những tình huống tấn công, mà áp lực được tạo ra khi phòng ngự cũng đã mang đến cho Trung Quốc những bàn thắng.

Trung Quốc không ngần ngại chơi ở cường độ cao trước Syria, với sự cơ động của ba tiền vệ.
Họ gây áp lực dồn dập, đẩy đối thủ về phần sân nhà.
Trung Quốc buộc đối thủ chuyền hỏng, tình huống dẫn tới bàn thắng của Zhang Xizhe sau pha kiến tạo của Wu Lei.

Trước khi bước vào vòng loại thứ ba, Trung Quốc đã thể hiện một phong độ tấn công ấn tượng ở bốn trận đấu chính thức trong năm 2021. Họ ghi 17 bàn, với 10 cá nhân khác nhau lập công và chỉ thủng lưới duy nhất một lần. Ngôi sao sáng nhất trong chuỗi trận ấy chính là Wu Lei, khi tiền đạo đang chơi cho Espayol đã đóng góp tới năm bàn, hai kiến tạo và hai lần mang về các quả đá phạt 11m.

Ngôi sao Wu Lei

Nếu nói Trung Quốc đã thể hiện một bộ mặt tấn công phóng khoáng, tốc độ và biến hoá ở các trận đấu với các đội thủ được đánh giá ngang hoặc dưới trình độ, thì Wu Lei chính là hình ảnh điển hình cho phong cách chơi bóng ấy. Số 7 của Trung Quốc nhanh, dũng mãnh và đầy quyết đoán ở các pha dứt điểm. Trong lối chơi tập trung tấn công biên của Trung Quốc, Wu Lei đóng vai trò như một mũi săn bàn đầy đột biến sau lưng tiền đạo mũi nhọn Elkerson.

Wu Lei thường có mặt ở khu vực gần vòng cấm địa của đối thủ...
... rồi chọn thời điểm, tìm khoảng trống và ngay lập tức sử dụng tốc độ để tấn công sau lưng hàng thủ đối phương.
Những quyết định xử lý bóng trong khu vực 16m50 của Wu Lei đều rất quyết đoán.

Đặc trưng cho những tình huống xâm nhập của Wu Lei là việc tiền đạo này sẽ không thường xuyên có mặt trong khu vực 16m50 của đối thủ trong các pha triển khai tấn công của Trung Quốc, nhưng chờ đợi thời cơ và chọn đúng thời điểm xâm nhập với tốc độ không bóng và sự nhạy cảm khoảng trống của mình. Không dễ để hạn chế sự nguy hiểm của Wu Lei, khi Trung Quốc sử dụng một mẫu trung phong như Elkeson – người thường thu hút sự tập trung của các trung vệ đối thủ với sự hiện diện thường trực trong vòng cấm của mình.

Trung Quốc tấn công biên, Elkeson có mặt ở khu vực trung tâm, còn Wu Lei luôn ở các vị trí sau lưng hậu vệ đối thủ và bất ngờ tăng tốc.
Nhận biết thời điểm và khoảng trống, Wu Lei bất ngờ có mặt để tung ra các pha dứt điểm.
Tình huống phản công trong trận gặp Syria, khi Wu Lei chơi sau lưng tiền đạo vào thay người Zhao Yuning.

Một điểm đáng nói nữa là việc số 7 của Trung Quốc không thường xuyên thực hiện các pha dứt điểm ngoài vòng cấm địa. Những cơ hội mà Wu Lei có được đến nhiều sau các pha tăng tốc tới các vị trí nguy hiểm. Trong năm bàn đã ghi, có tới ba cú đá thành công từ những tình huống 11m, nhưng đáng nói là việc chính Wu Lei là người bị phạm lỗi ở hai trong ba tình huống phạt đền nói trên. Sự hiệu quả của Wu Lei mang đến ảnh hưởng rất lớn tới các tình huống tấn công của Trung Quốc.

Điểm yếu từ vị trí các trung vệ

Nếu như những trận đấu tại vòng loại thứ hai World Cup chứng minh một lối chơi tấn công áp đặt và hiệu quả của Trung Quốc, thì hai cuộc đối đầu với Australia và Nhật Bản – những đối thủ dày dặn và chất lượng hơn – lại khiến Trung Quốc bộc lộ ra những vấn đề còn hạn chế trong lối chơi. Một phần bởi đội bóng này không còn duy trì được sự chủ động về thế trận, và một phần đến từ sự hạn chế trong tốc độ và khả năng xoay xở của các trung vệ.

Tình huống phản công của Australia khiến hàng thủ Trung Quốc bất ngờ.
Hai cầu thủ tốc độ của Australia tăng tốc, trung vệ Jiang Guangtai chưa thể kịp điều chỉnh tư thế thân người.
Cầu thủ nhập tịch này của Trung Quốc thậm chí không thể có được bất cứ tác động nào trước khi đối thủ dứt điểm vào lưới của thủ thành Yan Junling.

Cặp trung vệ ưa thích của HLV Li Tie là số 5 Zhang Linpeng và số 6 Jiang Guangtai đều là những người có tầm vóc cao lớn, nhưng lại không hẳn là những người có lợi thế ở tốc độ và khả năng xoay xở. Phong cách thi đấu của cả hai cũng khiến họ nhiều lần rơi vào trạng thái lúng túng trước những cầu thủ tấn công chơi biến hoá của cả Australia và Nhật Bản. Cả hai đều có thói quen dâng cao khỏi vị trí khi Trung Quốc phòng ngự chủ động, những tình huống ấy khiến họ không thể kiểm soát khoảng trống sau lưng một cách tốt nhất.

Trung vệ của Trung Quốc lao lên phía trước khi cầu thủ Australia có tín hiệu di chuyển.
Pha tấn công bằng tình huống chuyền dài khá cơ bản của Australia, nhưng cả Linpeng và Guangtai đều không thể kiểm soát và giải nguy ở khoảng trống sau lưng của họ.

Cầu thủ Australia vượt qua cặp đôi trung vệ của Trung Quốc và có thời cơ dứt điểm – tình huống dẫn tới bàn thắng mở tỉ số trong trận đấu này.

Bàn thua duy nhất của Trung Quốc trước Nhật Bản cũng diễn ra theo một kịch bản tương tự. Cần nói rằng, Trung Quốc đã có một thế trận chủ động phòng ngự ấn tượng trước Nhật Bản với hệ thống 5-3-2, nhưng chỉ một khoảnh khắc Jiang Guangtai không thể theo kịp tiền đạo đối phương, đội bóng của HLV Li Tie đã để thủng lưới.

Jiang Guangtai thất thế về tốc độ so với cầu thủ Nhật Bản.

Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo ra một thế trận khác trong trận đấu với Việt Nam so với một hình ảnh có phần lép vé trong phần lớn thời gian hai trận đấu với những đối thủ hàng đầu châu Á là Australia và Nhật Bản. Tuy nhiên, điểm yếu ở khả năng xoay xở và tốc độ của các trung vệ đối thủ là điều Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác, với khả năng phản công lợi hại đã được kiểm chứng. Điều quan trọng là sự hiệu quả và khả năng tận dụng cơ hội của các chân sút của chúng ta. Trung Quốc từng phải đối mặt với những tình huống phản công trong các trận đấu với những đối thủ như Syria hay Philippines, nhưng ở một số lượng ít hơn bởi khả năng áp đặt của đội bóng này.

Tình huống Philippines đoạt bóng ở sân nhà trước Trung Quốc...
... rồi ngay lập tức đẩy cao tốc độ tấn công. Hai trung vệ của Trung Quốc không giỏi ở các pha bóng phải sử dụng tốc độ cao thế này.
Pha bóng Philippines tạo ra tình huống 2 đấu 2 trong vòng cấm địa của Trung Quốc.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực lực của đội bóng đang được dẫn dắt bởi HLV Li Tie. Trung Quốc hoàn toàn có con người và triết lý bóng đá để tạo nên một lối chơi áp đặt trước Việt Nam. Tốc độ, sự biến hoá và khả năng khai thác ở hành lang cánh là điều đội bóng của HLV Park cần thực sự chú tâm để duy trì sự tập trung và khả năng bọc lót khi phòng ngự. Sự chủ động trong phòng ngự sẽ là chìa khoá giúp đội bóng của HLV Park tạo ra những thời cơ tấn công và khiến điểm yếu của Trung Quốc bộc lộ. Những cầu thủ tấn công kĩ thuật, tốc độ và có khả năng xử lý bóng trong khoảnh khắc là thứ Việt Nam đang sở hữu.

Với bước đà từ một thế trận phòng ngự phản công đầy chủ động trước Australia, Việt Nam hoàn toàn có quyền tự tin bước vào cuộc đối đầu với Trung Quốc, và hướng đến mục tiêu có điểm, nếu duy trì được sự tập trung khi phòng ngự và hiệu quả ở các tình huống tấn công nhanh xuyên suốt quãng thời gian của trận đấu.

Thành Vũ