Thứ tư, 22/12/2021, 06:00 (GMT+7)

Lăn khỏi sân đỗ, tiêm kích Su-30MK2 gầm rít, cất cánh vút lên không trung và bị khuất phục bởi phi công Trung đoàn Không quân 935.

Gần 4h, phi trường Biên Hoà mờ trong màn sương, không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng dế vẳng đến từ khu rừng tràm gần đó. Trên vọng gác, hai chiến sĩ đứng bồng súng tập trung quan sát, trong khi cửa sân bay vẫn đóng. 15 phút sau, khi nhận được lệnh từ sở chỉ huy, cửa từ từ mở, đoàn cán bộ do thiếu tá Chu Đình Phong, Phó chủ nhiệm kỹ thuật, Trung đoàn không quân 935, dẫn đầu đến làm nhiệm vụ "thăm, khám" máy bay.

Do lịch bay năm mới của trung đoàn tính từ tháng 12, nên đây là ban bay đầu tiên, mọi thứ vì thế càng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, không được phép sai sót. Ngoài đợt kiểm tra trước khi bay khoảng 3 tiếng, từ hôm trước, Phong cùng ê kíp các "bác sĩ" phải mất cả buổi trưa để trang bị mọi thứ đến "tận răng" cho các phi cơ.

Từ 4h, chiến sĩ Trung đoàn không quân 935 kiểm tra từng máy bay trước giờ huấn luyện. Ảnh: Thành Nguyễn

Nằm bên dưới mái vòm sân đỗ, bầy "hổ mang chúa" - biệt danh của Su-30MK2, buồng lái phủ bạt che kín tựa như đang ngái ngủ, bỗng chốc được đánh thức bởi tiếng "ầm ầm" của máy bơm khí nằm cạnh bên.

"Chức năng của máy này làm mát các bộ phận giúp tàu bay bớt nóng khi khởi động", cán bộ kỹ thuật lý giải. Là phi cơ tiêm kích đa năng hiện đại nhất Việt Nam, Su-30MK2 có tổng cộng 24 điểm chính cần kiểm tra, mỗi điểm chính lại có thêm nhiều điểm phụ. "Mọi chiến thắng trên không đều bắt nguồn từ mặt đất", anh Phong hướng mắt về tấm panô phía trên khu vực nhà chỉ huy lý giải thêm tầm quan trọng của bộ phận kỹ thuật.

Su-30MK2 do Nga sản xuất, là loại tiêm kích đa năng, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết ngày lẫn đêm, đơn giản cũng như phức tạp. Đây là máy bay quân sự tốc độ siêu âm, có thể chiến đấu trên không và tấn công mặt đất, mặt nước. Tốc độ bay cao nhất của Su-30MK2 hơn 2.100 km/h, gấp 2 lần vận tốc âm thanh, lượng nguyên liệu đủ hoạt động phạm vi 3.000 km. Chiến đấu cơ có tổng cộng 12 giá treo, mang 8 tấn vũ khí. Giá mỗi chiếc kèm theo khí tài, trang bị lên đến hàng trăm triệu USD.

Sau khoảng 2 giờ, các nhân viên kỹ thuật hoàn thành xong nhiệm vụ, cẩn thận ghi nhật ký làm việc vào sổ. 6h, ôtô chở trung tá Đặng Đức Công cùng các phi công đỗ trước phòng chỉ huy bên trong sân bay. Ở ban bay đầu năm huấn luyện 2022, trung tá Công có nhiệm vụ kèm một biên đội trưởng bay cùng lúc 2 chiếc. Đây là bài bay khó, đòi hỏi phi công phải được huấn luyện, đào tạo bài bản, có kinh nghiệm.

Gần 10 phút sau, chiếc Su-30 số hiệu 8578 nổ máy, tiếng gầm rú của động cơ phản lực xé tan không khí tĩnh lặng buổi sớm. Sau khi lăn ra khỏi sân đỗ, "hổ mang chúa" gầm rít, cất cánh lên không trung. Hai phút sau, tiêm kích số hiệu 8577 cũng nối đuôi lăn ra đường băng...

Chuyến bay đầu tiên xuất phát rơi vào thời điểm trời hơi mù, tầm nhìn bị hạn chế, nhưng không làm khó được phi cơ 8537, do Trung đoàn trưởng, trung tá Phan Việt Anh cầm lái. Sau nửa tiếng cất cánh, chiếc 8537 bay vòng trở lại khu vực sân đỗ, bất ngờ bay dựng đứng theo tư thế "hổ mang chúa" trứ danh, rồi bổ nhào, xoay nhiều vòng trên không trung. Mặt trời dần lên từ phía xa, mỗi bận phi cơ chao nghiêng, ánh bình minh ửng hồng phản chiếu lên đôi cánh "hổ mang" lấp ánh ánh bạc.

40 phút sau màn trình diễn, máy bay giảm độ cao, lượn một vòng rồi hạ cánh xuống đường băng dài gần 4 km. Từ trên buồng lái, phi công bung cắt dù đưa phi cơ về sân đỗ. Các tiêm kích phía sau cũng lần lượt thực hiện thành công bài bay của mình. Hơn 10h, đợt huấn luyện kết thúc sau khi chuyến bay cuối cùng hạ cánh, trở về ụ.

Để có được 4 tiếng bay thành công, các phi công cùng giáo viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều ngày. Buổi chiều trước diễn tập một ngày, tại khu vực sa bàn, phi công đã tập hợp đông đủ để luyện tập biểu diễn. Cả một vùng rộng lớn với các dòng sông chính chảy qua được vẽ ký hiệu màu xanh dương như sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tiền, sông Hậu được thu nhỏ lại trên khoảng sân rộng 400 m2.

Từ vị trí đường băng ký hiệu màu vàng trên sa bàn, theo sự hướng dẫn của giáo viên, trung tá Đặng Đình Kiên (phi công cấp 1), các phi công trẻ dùng mô hình Su-30 tập bay theo lộ trình đã được chỉ định.

Trung tá Kiên lý giải, ý nghĩa bay sa bàn để phi công thuần thục các động tác trước khi bay ngoài thực địa. Do đợt huấn luyện này có bay biển, phức tạp so với các bài khác, nên yêu cầu đặt ra cho phi công cũng cao hơn. Bay biển thường cự ly xa hơn đất liền nhiều lần, ảnh hưởng tín hiệu liên lạc, vùng hoạt động của đài. Chưa kể những hôm thời tiết tốt, phi công nhìn mặt biển và nền trời sẽ giống nhau, dễ dẫn đến cảm giác say.

Ngoài bài bay này, phi công còn phải tập các bài khác, gồm bay nhiệm vụ trinh sát tuần tiễu, bay độ cao thấp, bay nhào lộn phức tạp... Thời gian bay mỗi chiếc từ 40 phút đến một giờ, có bài ít hơn, cũng có bài lên 2-3 giờ.

Phi công ngoài bay sa bàn còn phải tập buồng lái, vẽ sơ đồ bay, lên phương án sẵn sàng xử lý với các tình huống bất trắc có thể xảy ra. "Chỉ ở các bài bay mới giáo viên cần phải hướng dẫn, còn lại hai phi công sẽ hiệp đồng, phân công nhiệm vụ với nhau, buồng trước và buồng sau làm gì khi bay", anh Kiên nói.

Đóng tại sân bay Biên Hòa, Trung đoàn 935 (thành lập ngày 21/5/1975) nằm trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 370. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, biển từ vĩ tuyến 13 (Phú Yên) trở vào đến hết lãnh thổ phía Nam, đơn vị còn là nơi đào tạo phi công Su-30MK2 cho nhiều đơn vị không quân cả nước.

Những 'cánh chim' bảo vệ vùng trời tổ quốc
 
 
Phi công Trung đoàn 935 thực hiện các bài huấn luyện Su-30MK2. Video: Tuấn Việt

Việc xếp loại phi công tiêm kích chủ yếu dựa vào kỹ năng và giờ bay tích luỹ. Ngoài những phi công mới ra trường chưa được phân cấp, phi công cấp 3 phải trên 400 giờ bay tích lũy, cấp 2 có 500 giờ bay, cao nhất là cấp 1 với trên 900 giờ bay. Ngoài giờ bay, phi công để đạt được đẳng cấp cần có khả năng xử lý tình huống bất trắc, sử dụng vũ khí...

Trung tá Đặng Đức Công (phi công cấp 1) chia sẻ, môi trường hoạt động của phi công thường trên cao, không khí loãng, lượng oxy thấp. Do đó phi công không chỉ phải thường xuyên rèn luyện để có sức khoẻ tốt, tập trung cao độ để xử lý chính xác mọi động tác bay ngay cả trong những tình huống khẩn cấp có khi chỉ vài phần trăm giây.

Điều này lý giải vì sao chương trình huấn luyện thể lực cho phi công rất nghiêm ngặt. Hàng ngày, họ phải chạy dài 3.000 m, chạy ngắn 100 m rèn sức bền, sau đó tập các bài thể thao như vòng quay đu, quay trụ, thang quay... nhằm thích ứng mọi trạng thái khi bay, nhất là các bài bay khó, động tác phức tạp.

Phi công Su-30 điều khiển máy bay hạ cánh. Ảnh: Thành Nguyễn

Phi công được đảm bảo chế độ dinh dưỡng riêng mới đủ sức khỏe hoàn thành tốt các chương trình huấn luyện. Mỗi ngày một phi công cần có 4.860 kcal, trong ngày bay bổ sung thêm phần ăn phụ 650 kcal, nghĩa là gấp đôi lượng calo của người trưởng thành cần trong một ngày.

Hơn 18 năm lái nhiều loại máy bay khác nhau, trong đó hơn 10 năm điều khiển Su-30MK2, trung tá Công đã bay gần như tất cả khu vực vùng biển đảo phía Nam Tổ quốc, như quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK hay bay hộ tống, bay tuần tiễu bảo vệ chủ quyền vùng trời, biển đảo.

"Có những chuyến bay ra tới Trường Sa đúng giữa trưa, cái nắng gắt gao cộng với hơi mặn của biển như bốc cháy, nhưng khi thấy cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đón chào, cảm giác rất bồi hồi, xúc động", anh nói và cho biết những chuyến bay như cầu nối giữa đất liền với biển đảo quê hương.

Trung tá Đặng Đức Công (trái) trao đổi với đồng đội khi vừa hoàn thành buổi huấn luyện bay, sáng 17/12. Ảnh: Thành Nguyễn

12h, trong khi các phi công đã về khu vực nghỉ, thiếu tá Chu Đình Phong, Phó chủ nhiệm kỹ thuật, cùng ê kíp kỹ thuật vẫn ở lại phi trường thực hiện hậu kiểm máy bay. Hơn 10 năm công tác tại trung đoàn, anh Phong có nhiều kỷ niệm trong nghề liên quan "hổ mang chúa" Su-30MK2.

Năm 2016, trong một chuyến bay đêm, khi các máy bay đã về sân đỗ, chỉ còn tiêm kích số hiệu 8536 (hiện đã điều ra miền Bắc) trên bầu trời. Khi phi cơ này chuẩn bị hạ cánh, thời tiết xấu bất thường, trời mưa xối xả. Vừa đáp xuống đường băng thì đèn càng máy bay vụt tắt khiến mọi người lo lắng.

Đinh ninh chiếc Su-30 đã gặp nạn, cả nhóm kỹ thuật đứng chết lặng hồi lâu, chờ đợi phép màu. Bỗng từ trong màn mưa, "hổ mang chúa" lù lù xuất hiện, cả nhóm reo ầm lên sung sướng. Máy bay dừng, các phi công và anh em kỹ thuật ôm nhau bùi ngùi xúc động.

Sau 40 phút trình diễn, chiếc Su-30 số hiệu 8577 lượn một vòng rồi hạ cánh xuống đường băng dài gần 4 km. Ảnh: Thành Nguyễn

Phó chủ nhiệm kỹ thuật nói đôi khi chỉ con ốc nhỏ cũng có thể quyết định tính mạng của đồng đội. Hồi còn là kỹ sư thực tập của Học viện Phòng không - Không quân, anh Phong trải qua một năm học lý thuyết lẫn thực hành. Quá trình phụ việc cho đàn anh, một lần anh sơ ý dùng cờ lê vặn gãy mất một ốc vít trên thân máy bay. Sau sự cố, anh bị đình chỉ công tác suốt 3 tháng, bắt đọc lại tài liệu, viết tường trình kiểm điểm.

"Hơn 10 năm rồi, đến giờ tôi vẫn còn giữ con ốc từ sự cố ấy, như nhắc nhở bản thân về tính cẩn trọng với nghề", thiếu tá Phong mỉm cười chia sẻ.

Hoàng Nam - Phước Tuấn - Thành Nguyễn