Thứ năm, 28/3/2024

Một năm kinh tế ngấm đòn Covid

2021 khởi đầu với nhiều lạc quan sau một năm Việt Nam chống dịch thành công, thành "ngôi sao" tăng trưởng của thế giới, cho đến khi biến thể Delta xuất hiện...
Cuộn xuống

GDP quý lần đầu tăng trưởng âm

Đầu năm, các tổ chức quốc tế dự báo GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 7,5-7,8%. Con số này càng khả thi khi dựa trên mức nền khiêm tốn của năm 2020 (GDP chỉ tăng 2,91%), cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định, doanh nghiệp hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.

Chợ Đồng Xuân đóng cửa trong ngày đầu thủ đô thực hiện Chỉ thị 15 hồi tháng 7. Ảnh: Giang Huy.

Chợ Đồng Xuân (Hà Nội), nơi kinh doanh của các tiểu thương vốn sầm uất bậc nhất thủ đô, phải đóng cửa hồi tháng 7 vì dịch. Ảnh: Giang Huy.

Nhưng biến thể Delta xuất hiện đã khiến những con số này thành bất khả thi. Lần đầu tiên từ khi thống kê GDP theo quý năm 2000, Việt Nam ghi nhận một quý tăng trưởng âm (quý III, GDP giảm 6,17%). Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Hai trong ba trụ cột chính để tính GDP gồm công nghiệp – xây dựng và dịch vụ đều "ngấm đòn" nặng nề. Đó là hệ quả của việc hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì lệnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.

Quý III cũng là lần đầu tiên có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (bao phủ hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm. Riêng đầu tàu kinh tế TP HCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%.

Chính phủ đang kỳ vọng năm 2021 GDP tăng trưởng 3-3,5% nhưng mục tiêu này cũng khá thách thức.

Tỷ lệ mất việc, doanh nghiệp đóng cửa cao kỷ lục

Covid-19 tạo ra những con số kỷ lục, nhưng theo cách không ai mong muốn. Hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong quý III, tăng đến nửa triệu so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế. 12 triệu người bị cắt giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.

Mất việc, cạn tiền trong khi vẫn còn nhiều sức ép khác như phải trả tiền thuê nhà, lo lắng dịch bệnh..., hàng triệu lao động đã tìm mọi cách, từ xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ, để về quê ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng. Từ đó hình thành một làn sóng di cư quy mô lớn chưa từng thấy.

Hàng nghìn người dân chờ ở chốt kiểm soát trên quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh TP HCM để chờ về quê ở các tỉnh miền Tây, ngày 1/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress.

Người dân chờ ở chốt kiểm soát trên quốc lộ 1A (địa phận TP HCM) để về các tỉnh miền Tây khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng đầu tháng 10. Ảnh: Quỳnh Trần

Họ mất sinh kế khi xí nghiệp, nhà máy đã phải đóng cửa vì dịch bệnh. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.700 doanh nghiệp không thể cầm cự, phải ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Chưa khi nào lịch sử ghi nhận số doanh nghiệp khai tử nhiều hơn mới thành lập như vậy. Số liệu này, theo Tổng cục Thống kê, có thể còn chưa phản ảnh hết thực tế.

Lần đầu xuất hiện mô hình 'ba tại chỗ'

Số doanh nghiệp ít ỏi duy trì được sản xuất trong thời kỳ giãn cách cũng chưa hẳn đã "ổn".

Mô hình "ba tại chỗ" (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ), giúp duy trì sản xuất trong dịch, được khởi xướng và áp dụng thành công đầu đợt dịch thứ tư ở Bắc Giang vào tháng 5 và Bắc Ninh sau đó. Nhưng khi được nhân rộng cho 19 tỉnh, thành phía Nam nó lại lộ nhiều bất cập.

Không khí sinh hoạt sau giờ làm việc tại một trong những doanh nghiệp tổ chức sản xuất ba tại chỗ bài bản ở Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Không khí sinh hoạt sau giờ làm việc tại một trong những doanh nghiệp tổ chức sản xuất "ba tại chỗ" bài bản ở Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Áp lực tài chính đè nặng lên vai doanh nghiệp khi vừa phải chuyển đổi công năng nhà xưởng, lắp đặt thêm khu vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ cho công nhân vừa trả chi phí xét nghiệm định kỳ mỗi tuần. Trong khi đó, hàng tháng doanh nghiệp phải trả thêm 9,33 triệu đồng cho một lao động để giữ chân họ ở lại nhà máy dù năng suất lao động chỉ còn phân nửa hoặc một phần ba.

Là biện pháp tình thế nên thời gian "ba tại chỗ" càng kéo dài, doanh nghiệp càng kiệt sức và muốn đóng cửa. Ban đầu, các chủ doanh nghiệp ở phía Nam có đủ nguồn lực để áp dụng mô hình này được các đồng nghiệp ngưỡng mộ. Nhưng sau một tháng, chính họ như ngồi trên đống lửa. Từ một nhà máy an toàn để vừa sản xuất vừa chống dịch, nhiều nơi lại thành ổ dịch, với hàng trăm ca nhiễm do điều kiện cách ly tại chỗ không đảm bảo.

Ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng "ba tại chỗ" thành công, an toàn.

Hàng loạt chuỗi cung ứng đứt gãy

Không chỉ có những kỷ lục, 2021 còn là năm của những đứt gãy. Cảnh khách chen lấn, cố lao vào bên trong, vốn chỉ thấy ở dịp siêu giảm giá, đã ập đến với các siêu thị TP HCM hồi đầu tháng 7. Khách đông nhưng các siêu thị lại không có hàng để bán, họ thiếu cả những mặt hàng cơ bản nhất là rau và thịt.

Hàng loạt chuỗi cung ứng đứt gãy

Người dân TP HCM đi chợ/siêu thị theo phiếu và phải xếp hàng chờ tới lượt vào mua sắm hồi tháng 7. Ảnh: Quỳnh Trần

Tất cả chợ đầu mối và hơn phân nửa chợ truyền thống đóng cửa, còn hàng hoá từ tỉnh không thể thông chốt vì những đứt gãy trong lưu thông. Shipper, cánh tay đắc lực của chuỗi cung ứng, cũng bị "chặt đứt" trong giai đoạn cao điểm vì lý do phòng dịch. Để đảm bảo giãn cách và phân phối đủ hàng thiết yếu cho số đông, giải pháp "phiếu đi chợ" theo ngày chẵn lẻ như thời bao cấp và "đi chợ hộ" do quân đội, cán bộ địa phương và tình nguyện viên đảm trách được áp dụng.

"Hàng thiết yếu" trở thành một từ khóa của năm 2021. Biện pháp kiểm soát lưu thông và cách hiểu "hàng thiết yếu" không đồng nhất giữa các địa phương khiến việc vận chuyển hàng hoá bị cản trở, kéo theo chuỗi cung ứng đứt gãy hàng loạt.

Khi dịch được kiểm soát, chuỗi cung ứng trong nước được khôi phục thì doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa thoát cảnh lao đao. Hơn 4.550 container nông sản, linh kiện điện tử ùn ứ nửa tháng qua tại Lạng Sơn để chờ thông quan sang Trung Quốc là minh chứng rõ nhất.

Chuỗi cung ứng đứt gãy - 1

Hàng nghìn container ùn ứ tại Lạng Sơn để chờ thông quan qua Trung Quốc giữa tháng 12. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và VnExpress, đứt gãy chuỗi cung ứng là một nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp tạm đóng cửa. Chi phí phòng, chống dịch liên tục phát sinh trong khi nguyên liệu không đến được nhà máy.

Áp lực lạm phát với giá cả tăng vọt

2021 là năm nỗi lo lạm phát dâng lên khắp toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Nguyên liệu đầu vào từ thị trường thế giới khan hiếm, nguồn cung trong nước giảm trong khi một số nơi có dấu hiệu găm hàng khiến giá cả không ngừng leo thang.

Giá xăng RON95 có giai đoạn lên sát 25.000 đồng một lít, cao nhất bảy năm và chỉ còn cách 80 đồng so với đỉnh lịch sử tháng 7/2013. Giá gas cũng có mạch tăng sáu tháng liên tiếp, lên gần nửa triệu đồng một bình 12 kg, do phụ thuộc vào giá nhiên liệu thế giới.

Giá gạo và vật liệu xây dựng 11 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, lần lượt tăng 6% và 6,8% để góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%. Giá nguyên liệu đi lên gây hiệu ứng dây chuyền, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất và hàng quán đứng ngồi không yên, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh mới hồi phục dần sau đợt đóng cửa bốn tháng.

Đối tượng chịu thiệt lớn nhất vẫn là người tiêu dùng cuối, đặc biệt nhóm thu nhập thấp hoặc mất việc. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và VnExpress, phân nửa người đã mất việc nói chỉ đủ tiền đảm bảo cuộc sống không quá một tháng giữa lúc vật giá leo thang.

Chứng khoán liên tục lập đỉnh

Covid-19 không hẳn khiến mọi mặt kinh tế rơi vào vực sâu. Với các nhà đầu tư chứng khoán, họ lại có thêm một năm thăng hoa khi VN-Index phá đỉnh 1.204 điểm của tháng 4/2018 rồi chinh phục kỷ lục mới 1.500 điểm. Chỉ số này tăng hơn 34% kể từ đầu năm, vượt xa những thị trường phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và nằm trong nhóm đầu thế giới về tỷ suất sinh lời.

Động lực chính là số nhà đầu tư mới tham gia và dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư chảy vào mạnh, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm vẫn thấp và nhiều kênh đầu tư khác giảm sức hút vì dịch bệnh. Tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống của HoSE được Tập đoàn FPT giải quyết dứt điểm vào đầu tháng 7 cũng cởi trói tâm lý cho nhà đầu tư và tạo bệ phóng để dòng tiền lên cao.

Thị trường đón hơn 1,3 triệu tài khoản mới của nhà đầu tư trong nước, riêng tháng 11 bằng tám tháng đầu năm ngoái cộng lại. Có tháng, bình quân mỗi phiên của ba sàn (HoSE, HNX và UPCoM) vượt 40.000 tỷ đồng, gấp sáu lần mức của năm ngoái. Có phiên hơn 1,8 tỷ cổ phiếu được sang tay và thanh khoản lập kỷ lục 56.337 tỷ đồng.

Nhà đầu tư trong nước hoàn toàn làm chủ cuộc chơi trên thị trường khi mua ròng 84.000 tỷ đồng và không hề nao núng khi khối ngoại đã bán ròng gấp ba lần năm ngoái với 55.000 tỷ. Không ít nhà đầu tư chếnh choáng trong men say chiến thắng với những cổ phiếu đầu cơ tăng vài lần đến vài chục lần.

Nhu cầu vay ký quỹ (margin) vọt lên đã kéo các công ty chứng khoán vào cuộc đua tăng vốn. Tỷ lệ margin trên vốn hóa toàn thị trường có thời điểm lập kỷ lục 2,75%, trong khi các thị trường cùng phân khúc chỉ khoảng 2,1-2,5%.

Xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD

Dù chưa có số liệu tháng cuối năm, thống kê sơ bộ 11 tháng đầu năm cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh mới khi đạt 602 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm ngoái.

Sau gần nửa năm trầm lắng do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại từ tháng 9, chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài gần nửa năm. Đến nay, 34 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 7 nhóm đạt trên 10 tỷ USD. Tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến tăng còn nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản giảm. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị hơn 86 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, chuỗi cung ứng dần toàn cầu hồi phục dần sau dịch và nhu cầu của các thị trường tăng trở lại là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong các tháng cuối năm.

Ở chiều nhập khẩu, có 5 nhóm hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất hàng hoá của Trung Quốc (hơn 99 tỷ USD), sau đó đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Ước tính, kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay sẽ đạt 660 tỷ USD, tức có thêm 58 tỷ USD trong tháng cuối năm và xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

Đất Thủ Thiêm xác lập 2,4 tỷ đồng một m2

Giá đất Thủ Thiêm lập kỷ lục 2,4 tỷ đồng một m2

Khu vực Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: Quỳnh Trần

Phiên đấu giá bốn lô đất tại bán đảo Thủ Thiêm trở thành dấu ấn đặc biệt nhất của thị trường bất động sản 2021. Ngân sách TP HCM thu được 34.346 tỷ đồng từ giá đấu thành công, gấp bảy lần khởi điểm. Một lô đất trong số này được công ty liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh trả tới 24.500 tỷ đồng, tức mỗi m2 ở đây có giá 2,4 tỷ đồng.

Con số cao kỷ lục này được giới phân tích đánh giá tác động đến mọi mặt của thị trường bất động sản. Một cơn số đất mới có khả năng được hình thành, trong khi mục tiêu bình ổn thị trường nhà ở bị đe doạ bởi mọi chi phí đầu vào cấu thành nên giá bán và người mua bất động sản sau cùng phải gánh.

Năm Covid thứ hai tiếp tục ghi nhận sự đi lên của mặt bằng giá chung cư và đất nền. Một số địa phương còn xảy ra tình trạng sốt đất ảo do môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, triển khai các dự án lớn để đấy giá lên 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Vùng ven Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương... từng được Bộ Xây dựng đưa vào danh sách điểm nóng sốt đất.

Lần đầu có đường bay thẳng đi Mỹ

Mỹ là thị trường có kiều bào Việt Nam đông nhất thế giới với 2,2 triệu người. 20 năm trước, Việt Nam từng xúc tiến để có đường bay thẳng đi Mỹ nhưng vì những rào cản pháp lý và cả tính khả thi về hiệu quả kinh tế mà các hãng hàng không tính mãi vẫn chưa bay được.

Phi hành đoàn đến sân bay San Francisco trong chuyến bay thẳng không dừng đầu tiên tới Mỹ. Ảnh: VNA.

Phi hành đoàn đến sân bay San Francisco. Ảnh: VNA.

Nhưng sáng 29/11, chuyến bay VN98 của Vietnam Airlines đã hạ cánh xuống sân San Francisco sau 13 giờ 45 phút không dừng. Sự kiện này không chỉ đánh dấu thành quả của hai thập kỷ chinh phục đường bay thẳng Việt - Mỹ mà còn là điểm sáng le lói trong bức tranh u ám của hàng không năm nay.

Những người ngày đầu làm thủ tục cấp phép bay đi Mỹ khó tưởng tượng giấc mơ này sẽ thành hiện thực trong một năm như 2021. Đây là năm mà các hãng buộc phải "nói không" với nhiều đường bay quốc tế vì Covid-19. Sáu hãng trong nước tính đến hết tháng 11 đã phải giảm 81.000 chuyến bay so với cùng kỳ.

Nhiều đường bay thường lệ bị gián đoạn khiến tình hình tài chính của các hãng tiếp tục bết bát. Họ đang có nhiều máy bay dư thừa mà không thể bán hoặc cho thuê lại trong bối cảnh đại dịch. Việc mở thêm đường bay Mỹ dự báo giúp giải phóng tàu bay, tạo nguồn thu mới cho họ.

Tài sản số nở rộ

Theo ví von của giới đầu tư, 2021 còn là một năm "hoang dã và đầy cảm xúc" với nhân tố mới là các tài sản số.

Cũng như chứng khoán, kênh đầu tư này lên ngôi khi các kênh thay thế không hấp dẫn, lãi suất tiền gửi ngày càng giảm. Nếu ở những kênh đầu tư truyền thống, lãi 30-50% đã là con số ấn tượng thì trên thị trường tiền số, khoản lợi nhuận có thể gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần. Cũng chính vì thế, lòng tham và nỗi sợ của những nhà đầu tư mới, ở đây là nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO), trở thành động lực giúp tiền số, tài sản số tạo cơn sốt.

Tuy nhiên, không có kênh đầu tư nào lợi nhuận cao mà rủi ro thấp. Những "con sóng giảm", những quyết định đầu tư sai lầm có thể khiến nhà đầu tư đánh rơi toàn bộ lợi nhuận, thậm chí cả vốn gốc.

Một rủi ro khác của các kênh đầu tư này là tiền số vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam, điều này có nghĩa các giao dịch sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Cùng với đó, năm qua chứng kiến hàng loạt dự án lừa tiền của nhà đầu tư (scam), các token giả được tạo ra nhan nhản ăn theo những "cơn sóng FOMO", những chiêu lừa tiền bằng việc gửi token vô giá trị.

VnExpress