Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 23/12/2021, 10:36 (GMT+7)

'Khám bệnh' cầu Chương Dương

Hà NộiSau thời gian dài chịu trọng tải lớn, nhiều hạng mục xuống cấp, cây cầu gần 40 năm tuổi đang được 'khám bệnh' trước đợt sửa chữa tổng thể.

23h ngày 22/12, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) rào chắn hai đầu cầu Chương Dương ở làn dành riêng cho ôtô để phục vụ việc kiểm định cầu.

Ông Lê Anh Tiến, cán bộ Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội, cho biết việc kiểm định tổng thể cầu Chương Dương bắt đầu từ ngày 20/11 và kéo dài đến hết tháng 12/2021.

Từ kết quả của đơn vị tư vấn kiểm định, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ báo cáo thành phố việc bố trí vốn để đưa vào sửa chữa.

"Đơn vị tư vấn kiểm định sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá lại tình trạng và hiện trạng của cầu, đồng thời tiến hành thử tải đo đạc các thông số kỹ thuật để có thể đánh giá chính xác tình trạng của cây cầu", ông Tiến chia sẻ.

Đơn vị tư vấn huy động 6 xe tải khối lượng khoảng 25-30 tấn đỗ ở các vị trí trên mặt cầu để đánh giá chịu tải, kiểm tra mức độ võng.

Trong một tháng qua, đơn vị cũng đã kiểm tra các hạng mục khác của cầu như: Trụ, gối cầu, mặt cầu, dàn thép trên - dưới, khe co giãn...

Phía dưới gầm cầu, đơn vị kiểm định đặt các thiết bị đo độ võng, độ rung, cũng như sức bền của các thanh thép.

Mỗi khi có xe di chuyển qua, độ rung của cầu được thể hiện bằng những giải sóng.

PGS.TS Ngô Văn Minh, chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu nhà nước về các công trình xây dựng, cho rằng với một cây cầu thép có nhịp lớn như cầu Chương Dương thì thời gian khai thác dài có thể tích luỹ những hư hỏng và dần dần làm giảm tuổi thọ, tính năng công trình nên việc kiểm định là cần thiết. "Lần kiểm tra này có thể coi là khám sức khoẻ tổng quát cho cây cầu, từ đó phát hiện ra bệnh để đưa ra chế độ khai thác phù hợp và để xuất giải pháp sửa chữa", TS Ngô Văn Minh nói.

Các kỹ sư sử dụng thiết bị chuyên dụng nhằm đánh giá độ lồi lõm và độ võng khi xe đi vào cầu.

Cầu Chương Dương được xây dựng từ năm 1983 và hoàn thành vào tháng 6/1985, đến nay đã 36 năm khai thác. Từ năm 1985 đến năm 2010, đây là cầu độc đạo cho ôtô đi từ trung tâm Hà Nội sang phía Gia Lâm, kết nối với các tỉnh phía Bắc của Hà Nội.

Theo Công ty Công trình giao thông Hà Nội, trong năm 2021, mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu, gấp 8 lần so với thiết kế.

Việc chịu tải trọng lớn trong thời gian dài khiến nhiều hạng muc của cầu hư hỏng, xuống cấp; mặt cầu nhiều chỗ lồi lõm.

Cầu Chương Dương là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Công trình này bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên.

Võ Hải - Phạm Chiểu