Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


10 game dở nhất năm 2021 theo điểm Metacritic (eFootball 2022 đầu bảng)

P.W
24/12/2021 8:38Phản hồi: 15
10 game dở nhất năm 2021 theo điểm Metacritic (eFootball 2022 đầu bảng)
Trong năm 2021, anh em đã được trải nghiệm không ít tác phẩm game xuất sắc, dù đó là những quả bom tấn tốn hàng chục triệu USD để phát triển, hay những game indie hình ảnh đơn giản nhưng đi kèm với đó là nội dung và cách chơi rất có chiều sâu. Và dĩ nhiên có những nốt thăng thì cũng phải có những nốt trầm. Không phải tác phẩm game nào phát hành trong năm nay cũng có được sự đón nhận nồng hậu của cộng đồng gamer lẫn giới phê bình.

Lấy điểm số trung bình mà Metacritic tạo ra để đánh giá chất lượng của một trò chơi, dựa trên điểm số mà các nhà phê bình tại các trang web lớn đã chấm, dưới đây là 10 trò chơi bị đánh giá là tệ nhất năm 2021. Có một điều cần lưu ý, chắc chắn sẽ có game tệ hơn, nhưng Metacritic có một quy định là, những game có ít hơn 7 bài đánh giá cho điểm sẽ không được tổng hợp trong danh sách. Vì thế anh em có thể tạm coi 10 cái tên dưới đây là 10 trò chơi đáng tiếc nhất ra mắt trong năm nay. Có thể khẳng định ý tưởng và tham vọng của các nhà làm game khi tạo ra đứa con tinh thần là rất lớn, nhưng đáng tiếc là không chuyển hóa được ý tưởng và tham vọng thành hiện thực.

PixelJunk Raiders - 49 điểm



Chuyến phiêu lưu phong cách roguelike này nếu nhận xét một cách công bằng thì không hề tệ đến mức chỉ nhận được điểm số thấp lẹt đẹt như vậy. Vấn đề của PixelJunk Raiders là phong cách gameplay hành động của nó khá chậm chạp, thứ tuyệt đối không nên hiện diện trong những game tạo ra trải nghiệm căng thẳng cho người chơi như thể loại roguelike, chết là làm lại từ đầu. Kết hợp với bố cục game gần như chẳng có ý tưởng sáng tạo nào mới mẻ, có người nói mua gói cước Stadia về chơi PixelJunk Raiders vừa phí tiền vừa phí thời gian. Bản chất game không hề tồi, nhưng nhược điểm chồng chất đã che lấp hết những điểm sáng của trò chơi. Ngay cả phong cách đồ họa độc đáo cũng không cứu được sự nhàm chán và nhạt nhẽo của PixelJunk Raiders, có lẽ điều đó đã nói lên tất cả về tác phẩm này.


Demon Skin - 48 điểm



Lấy cảm hứng từ Dark Souls, để tạo ra một tác phẩm game chặt chém đồ họa 2D có độ khó ở mức tương đối, giống như PixelJunk Raiders, Demon Skin có rất nhiều ý tưởng hay, tiếc thay hầu hết chúng đều là vay mượn từ những game đã có trước đó. Thử thách của game không đến từ những con quái vật được thiết kế cẩn thận, tạo ra những màn đấu trùm khó khăn, mà cái khó nhất khi phải ngồi chơi Demon Skin lại là cơ chế điều khiển rối rắm và những vấn đề liên quan đến hiệu năng game khi chạy trên PC.

Arkham Horror: Mother's Embrace - 48 điểm



Ý tưởng: Một tựa game kinh dị sinh tồn lấy bối cảnh bệnh viện tâm thần khét tiếng của thành phố Gotham, nơi những kẻ điên nguy hiểm nhất thành phố bị giam cầm. Nếu là một fan của Batman, chắc chắn anh em sẽ cảm thấy hấp dẫn với ý tưởng đó. Tiếc thay, dù dựa trên board game đã quá nổi tiếng ở phương Tây, tựa game này lại bỏ hết những nội dung ấn tượng và thú vị khiến mọi người yêu mến phiên bản board game, để khắc họa một cốt truyện vừa vụng về, vừa quá đơn giản, vừa quá tuyến tính, kết hợp giữa cơ chế chiến đấu theo lượt và mô phỏng thám tử tìm manh mối.

I Saw Black Clouds - 48 điểm

Quảng cáo



Không thiếu những tác phẩm mang phong cách “phim tương tác”, ví dụ như Late Shift hay gần đây là Black Mirror Bandersnatch trên Netflix. Tham vọng của I Saw Black Clouds cũng là kể một câu chuyện thông qua những đoạn cắt cảnh do người thật đóng, lựa chọn từng nước đi của nhân vật chính. Vấn đề của “phim tương tác” là để tác phẩm thành công, cần cả diễn xuất của diễn viên và sức mạnh của cốt truyện. I Saw Black Clouds thiếu cả hai.

Grand Theft Auto: The Trilogy - The Definitive Edition - 47 điểm



Có lẽ giờ mới có một tác phẩm game anh em chí ít cũng đã từng nghe tên hoặc từng chơi thử. Cũng thật đáng tiếc vì GTA phải đứng trong danh sách này. Chẳng hiểu nhờ phép màu nào, Rockstar Games, Take Two Interactive và Grove Street Games cùng lúc biến ba tác phẩm GTA gắn liền với tuổi thơ của nhiều anh em trở thành ba trò chơi vô hồn, mất hết đi sự duyên dáng vốn có, thứ tạo ra cá tính rất riêng của từng phiên bản Grand Theft Auto. Kết hợp sự vô hồn đó trong ba phần game được remaster là lỗi đồ họa, lỗi hình ảnh nhân vật, cùng 1001 lỗi khác khiến thế giới mở của trò chơi biến thành một nồi lẩu hết hạn sử dụng. Có lẽ đó là kết quả khi Grove Street Games dùng bản remastered của ba phần GTA được làm trên điện thoại, rồi thêm thắt hiệu ứng cho phù hợp với PC hay PS4.

Of Bird and Cage - 44 điểm

Quảng cáo



Gọi Of Bird and Cage là trò chơi cũng đúng, mà gọi nó là một album nhạc metal tương tác cũng không sai. Ý tưởng lồng ghép âm nhạc vào một tác phẩm giải trí tương tác là điều rất hấp dẫn. Trước đó chúng ta đã có những tác phẩm tương tự như The Artful Escape hay Ape Out, hay gần đây nhất là Kid A Mnesia Exhibition của Radiohead. Hai tiếng đồng hồ thưởng thức “trò chơi” này, có thể thấy rất rõ ràng cảm hứng dồi dào của hãng game. Nó được thiết kế để kết hợp với âm nhạc, chứ không hề lười nhác và làm cho có. Buồn một nỗi, vì quá tập trung vào âm nhạc, hãng game đã quên mất việc Of Bird and Cage là trò chơi điện tử, và gameplay phải tạo ra trải nghiệm đủ để người chơi cảm thấy bị lôi cuốn. Hệ quả là game trở thành một đống hỗn tạp cứ như được làm ra bởi một người mê phát triển game không chuyên. Điều đáng tiếc ở đây là những nghệ sỹ làm nhạc cho Of Bird and Cage là những cái tên tài năng bậc nhất làng metal, từng chơi nhạc cho Epica, Within Temptation, Kamelot và Asking Alexandria.

Taxi Chaos - 42 điểm



Ngày xưa chơi Crazy Taxi vui và thích bao nhiêu, thì trải nghiệm với Taxi Chaos lại khiến người sở hữu Nintendo Switch thất vọng bấy nhiêu. Viết nhiều về trò này có lẽ sẽ khiến giá trị của Crazy Taxi trong mắt các fan trung thành giảm đi, vì đơn giản Taxi Chaos là bản copy không khác chút nào của game kinh điển do Sega phát hành hồi năm 1999.

Werewolf: The Apocalypse - Earthblood - 42 điểm



Lấy một góc bối cảnh thế giới World of Darkness rất nổi tiếng đối với các fan board game và table top phương Tây, đáng lẽ cuộc phiêu lưu của người sói Cahal trong Werewolf: The Apocalypse - Earthblood nên là một tác phẩm xuất sắc. Chẳng mấy khi chúng ta được trải nghiệm một cuộc chiến giữa người sói yêu thiên nhiên thích bảo vệ môi trường chiến đấu lại với những tập đoàn dầu mỏ khổng lồ. Ấy vậy mà cách chơi nhập vai của tác phẩm này lại khiến toàn bộ ý tưởng cốt truyện, giàu tiềm năng là thế, trở thành một thứ vô giá trị trong mắt người chơi. Lại một ví dụ đáng tiếc của việc ý tưởng quá hấp dẫn nhưng các nhà làm game không biết làm thế nào để biến concept trở thành gameplay thực tế.

Balan Wonderworld - 36 điểm



Vui tươi, tích cực, thư giãn, giàu cảm xúc. Đó là những gì cộng đồng mô tả Balan Wonderworld khi đoạn trailer đầu tiên của game được công bố. Còn khi game ra mắt, những tính từ ấy biến thành… nhạt nhẽo, tầm thường, lỗi thời và tệ hại. Lấy phong cách của những game platform thời kỳ PS2, Balan Wonderworld lạc lối trong những tính năng đã cũ kỹ của thời điểm 20 năm về trước, mà quên mất rằng ngành game là một trong những ngành có nhiều đột phá và đổi mới sáng tạo nhất hành tinh. Không phải tự nhiên mà sau khi game ra mắt, đạo diễn của trò chơi này phải nghỉ việc ở Square Enix.

eFootball 2022 - 25 điểm



Buồn nhất trong danh sách lần này, cái tên đứng đầu bảng xếp hạng, trò chơi dở nhất năm 2021 lại là phiên bản mới của một trong những series nhiều anh em Việt Nam mến mộ nhất. Nỗ lực lột xác Pro Evolution Soccer của Konami tạo ra một trải nghiệm, nói thế nào cho đúng nhỉ, chẳng giống PES một chút nào. Tốc độ trận đấu chậm lại đáng kể, và hệ quả là tính giải trí của những trận đấu PES bỗng nhiên biến mất, thế chỗ là một trải nghiệm chỉ dành cho những gamer chuyên nghiệp ganh đua và ăn thua từng đường chuyền, từng pha cản phá. Kết hợp với việc ứng dụng Unreal Engine một cách lười biếng và thiếu trau chuốt, dẫn đến việc game chơi đã không vui, lại còn xấu. Có người ví von, eFootball năm nay là màn quảng cáo quá hoàn hảo cho… FIFA 22, vừa đẹp vừa ấn tượng. Có lẽ đối với Konami, không có gì đau đớn hơn phép so sánh ấy.
15 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

pes năm nay giống hệt bản 2014. thảm hoạ 😆)
eFootball năm nay là màn quảng cáo quá hoàn hảo cho… FIFA 22 😆
ThaiLuong48
ĐẠI BÀNG
2 năm
@vicktorbui Nhờ game ra mắt hay quá nên có kha khá fan PES qua chơi FIFA 22 next gen trên PS5
@ThaiLuong48 Mình fan FIFA nên năm nay thấy mua FF22 thật là bõ tiền 😆
ThaiLuong48
ĐẠI BÀNG
2 năm
@vicktorbui Hãy chơi thử PES 2022 để thấy FIFA 22 đang làm tốt như thế nào =))
rockstars quá giỏi khi biến 3 game từng có điểm số trung bình hơn 9.0 thành 1 game dở tệ. Họ đã hoãn phát hành game thẻ cho Switch đến sang đầu năm sau, hy vọng đến khi phát hành sẽ patch hết lỗi, mình muốn chơi lại game này trên switch
jupiter1368
ĐẠI BÀNG
2 năm
Năm nào PES ra bản mới cũng bị chê nhiều hơn khen, còn đâu hào quang ngày xưa
Giờ đổi cái tên càng bị chê nhiều hơn nữa
Naruto007
TÍCH CỰC
2 năm
top 1 là eFootball cũng dễ hiểu, càng mong đợi thì càng thất vọng, quả là màn quảng cáo hoàn hảo cho FIFA 22 =))
eFootball 2022
Cải lùi 😁
Buồn cái chơi pes bản quyền từ rất lâu rồi mà giờ vẫn phải bỏ, fifa thì k thích
ghostdevils
ĐẠI BÀNG
2 năm
PES năm nào mà đổi Engine thì kiểu gì cũng nằm trong Flop of the year 😆
Đến nản ông Konami 😁
Không chấm điểm đám rác game nft chứ chấm là toàn bộ list game nft không 😁
Rõ là efoot top 1 rồi =))
Đến giờ em vẫn chơi PES 6 😔

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019