VnExpress

Thứ năm, 6/1/2022, 00:00 (GMT+7)

Làng trồng phật thủ vào vụ Tết

Hà NộiĐầu tháng 1, người dân xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, bắt đầu thu hoạch quả phật thủ để bán dịp Tết.

Cây phật thủ được trồng dọc bờ sông Đáy, thuộc các xã Hiệp Thuận, Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), Sài Sơn, Yên Sơn (Quốc Oai). Trước kia, cây này được trồng ở xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức), sau một thời gian đất khô cằn, cây không còn năng suất nên người dân phải chuyển tới vùng đất có nhiều phù sa gây lại giống.

Gia đình ông Bùi Ngọc Lâm ở xóm 9, xã Hiệp Thuận, có 7.000 m2 đất, trồng 500 cây đang ra trái. Gia đình ông có nhiều anh em cùng nghề trồng phật thủ, hiện phân tán đi các xã ở huyện Phúc Thọ và Quốc Oai để phát triển loài cây này.

Theo ông Lâm, thông thường người trồng sẽ làm giàn đỡ quả, tránh sà xuống đất gây xấu mã và thối. Các bệnh thường gặp là nhện đỏ, bọ rầy… khiến quả bị vết như xi măng bám hoặc trông giống như rỉ sắt.

Loài cây này cho hoa và thu quả quanh năm. Quả ra gối vụ, sau khi thu hoạch quả, cành sẽ được cắt bỏ để cây bật mầm ra quả tiếp.

Quả phật thủ nặng hơn 3 kg bên cạnh quả 2 kg tại vườn nhà ông Lâm. Quả có nhiều tầng, nhiều nhánh (tay) vươn ra hoặc quả có hình dáng tay đều, trường trái giống hoa cúc được ưa chuộng.

Cận Tết Nguyên đán, vợ chồng ông Lâm dựng lều tạm ngay ở vườn để tiện cho quá trình chăm sóc và thu hoạch quả.

Dự kiến năm nay, gia đình thu hoạch khoảng 1.500 quả. "Nếu bán buôn dưới 2.000 quả, giá từ 80.000 đến 100.000 đồng mỗi quả. Nếu số lượng lớn hơn, quả lớn nhỏ xấu đẹp lẫn nhau thì chỉ 40.000 đồng", chủ vườn nói trong lúc bọc từng quả cho khách.

Những ngày sương mù dày hoặc khô hanh, người trồng phải kéo nước tới phun cho từng gốc cây và những quả sát mặt đất để quả được bóng đẹp.

"Quả phật thủ để dành cho dịp Tết luôn là quả già và đẹp nhất, nên cành nào ra quả đẹp người trồng sẽ dùng dây đánh dấu. Sau khi thu hoạch, người dân sẽ lấy mắt của cành này ghép vào gốc cây 2-3 năm tuổi thì năm sau sẽ cho thu hoạch số lượng quả đẹp nhiều", anh Nguyễn Văn Nam, chủ vườn ở xã Hiệp Thuận, cho biết.

Những quả đẹp, có hình dáng nhiều tay nhiều tầng, nhiều lớp, được bán giá từ 500.000 đồng tại vườn.

Cách đó vài trăm mét, bà Nguyễn Thị Hạ (45 tuổi) đang thu hoạch những quả đã chín vàng để bán lẻ lấy tiền mua phân, thuốc bón cho cây chờ thời điểm thu hoạch. Những quả nhỏ giá từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Phật thủ không có ruột, phần lõi xốp bên trong không ăn được mà chỉ dùng làm thuốc. "Trong đời sống tâm linh, phật thủ là loại quả thờ cúng được ưa chuộng, thờ trong những ngày trọng đại, mùng 1, ngày rằm hay trên mâm ngũ quả ngày Tết để cầu mong được ban phúc lộc", bà Hạ nói.

Tháng 9-10 là thời điểm người trồng hạn chế thu hoạch để dồn dinh dưỡng cho cây ra quả dịp Tết.

Ngọc Thành