VNExpress

Hàng tiền vệ - bệ phóng cho chiến thắng của Việt Nam

Phát huy những phút ấn tượng đầu hiệp hai trước Australia, HLV Park Hang-seo quyết định sử dụng 3-5-2 cùng bộ ba tiền vệ Hoàng Đức, Hùng Dũng và Quang Hải - yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng trước Trung Quốc.

Đỗ Hùng Dũng tranh chấp với cầu thủ Trung Quốc, trong chiến thắng 3-1 trên sân Mỹ Đình ở vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Lâm Thoả

Cả ba bàn thắng của Việt Nam đều là những tình huống phối hợp đẹp mắt, nhịp nhàng. Điều đó được tạo nên bởi khả năng di chuyển hỗ trợ, cũng như điều tiết nhịp độ của Hoàng Đức, Quang Hải và Hùng Dũng. Với bộ ba này, các tình huống tấn công của Việt Nam có quân số tốt hơn, có cầu nối triển khai bóng thường trực hơn, và trên hết là hiệu quả hơn.

Bàn thắng của Hồ Tấn Tài xuất phát từ một pha triển khai bóng tương đối đặc trưng của Việt Nam dưới thời HLV Park, khi trung vệ Bùi Tiến Dũng chuyền dài ra sau lưng hàng phòng ngự đối phương cho pha di chuyển của tiền đạo Tuấn Hải.

Khác biệt ở chỗ, khi Tuấn Hải di chuyển và nhận bóng, tiền vệ trung tâm lệch trái Đỗ Hùng Dũng đã ở vào vị trí sẵn sàng hỗ trợ cho các đồng đội.

Khả năng di chuyển hỗ trợ của Hùng Dũng.

Những nhịp xử lý sau đó của thủ quân Việt Nam là rất khớp, để các đồng đội xâm nhập vào vòng cấm địa đối phương. Ngoài người ghi bàn là Hồ Tấn Tài, có tới bốn cái bóng áo đỏ khác xuất hiện trong khu vực 16m50 của Trung Quốc - một hình ảnh hiếm thấy ở những trận đấu gần đây của Việt Nam.

Bàn thắng thứ hai của Tiến Linh cũng chứng kiến những dấu ấn lớn từ khả năng điều tiết và hỗ trợ tấn công từ tuyến giữa.

Thói quen di chuyển hỗ trợ và tạo lựa chọn chuyền bóng cho các đồng đội của Hùng Dũng tiếp tục được thể hiện. Nhận đường chuyền của Quang Hải, tiền vệ mang áo số 8 xử lý hướng lên phía trước để tiếp tục tình huống tấn công. Pha phối hợp của hai cầu thủ CLB Hà Nội được nối tiếp bởi một tân binh của đội bóng thủ đô, Phạm Tuấn Hải phát huy khả năng xuyên phá bằng một tình huống đâm lên phía trước hỗ trợ.

Tình huống bóng được khép lại với thêm một pha di chuyển hỗ trợ nữa của Hùng Dũng từ hành lang cánh vào vòng cấm địa đối phương, trước khi kiến tạo cho Tiến Linh ghi bàn từ khoảng cách rất gần.

Hùng Dũng di chuyển nhận bóng từ Tuấn Hải.

Rõ ràng, Việt Nam vẫn duy trì định hướng chiến thuật quen thuộc, với những tình huống chơi bóng theo chiều sâu, ra sau lưng hàng thủ đối phương, cùng sự chủ động khi phòng ngự.

Tuy nhiên, với bộ ba tiền vệ trung tâm có phẩm chất kỹ thuật và tư duy chơi bóng ấn tượng ở phạm vi nhỏ, đội tuyển bắt đầu có những pha phối hợp ở tốc độ chậm hơn, có nhiều cầu nối tấn công hơn, với các tình huống di chuyển đồng bộ và liên tục hơn.

Định hướng phòng ngự quen thuộc của tuyển Việt Nam.

Hệ quả rõ nét nhất là đội hình ở mỗi tình huống tấn công của Việt Nam được đẩy lên phía trước cùng nhau, duy trì được khoảng cách hợp lý giữa các cầu thủ cho các tình huống di chuyển hỗ trợ chuyền bóng và phối hợp nhóm. Điều đó dẫn đến việc các tình huống xâm nhập khu vực cấm địa đối phương duy trì được số lượng nhân sự lớn hơn. Và trên thực tế, hai bàn của Tấn Tài và Tiến Linh đều được thực hiện ở những khoảng cách rất thuận lợi, so với khung thành của Trung Quốc.

Khả năng chơi bao sân của Hoàng Đức, những đường chuyền có tính đột biến của Quang Hải, hay các pha di chuyển liên tục và nhiều nhịp của Hoàng Đức là nền tảng cho những thay đổi ấy. Sự mạch lạc là thứ bộ ba này tạo nên trong trận đấu tại Mỹ Đình tối qua.

Việt Nam có nhiều tình huống triển khai bóng ở phạm vi 1/3 cuối sân hơn.

Cú đá nâng tỷ số lên 3-0 của Phan Văn Đức đến sau chuỗi 13 đường chuyền liên tiếp của các cầu thủ áo đỏ, với chín cầu thủ chạm bóng, bao gồm cả thủ môn Nguyên Mạnh. Khả năng kiểm soát bóng có những tín hiệu cải thiện một cách tích cực và tự tin hơn. Trong đó, dấu ấn của bộ ba tiền vệ trung tâm là không thể không nhắc tới.

Hùng Dũng di chuyển liên tục, giúp bộ ba ba tiền vệ trung tâm của Việt Nam chơi gần nhau.

Không chỉ là kiểm soát bóng, cách Hùng Dũng, Quang Hải và Hoàng Đức tự tin chơi gần nhau ở phạm vi hẹp còn khiến hệ thống phòng ngự đối phương bị lôi kéo, và tạo ra khoảng trống ở những khu vực tấn công phía trước. Hoàng Đức nhận bóng thoải mái trước khi thực hiện đường chuyền ở bối cảnh mà Văn Đức cũng có nhiều thời gian và không gian xử lý bóng.

Trước khi dứt điểm ghi bàn, Văn Đức có thời gian đi bóng và tạo tư thế dứt điểm.

Một trận đấu xuất sắc của Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á. Sự trở lại của Đỗ Hùng Dũng giúp HLV Park lần đầu tiên có thể tung ra đội hình xuất phát với hàng tiền vệ ưng ý nhất lúc này. Bộ ba cầu thủ thực sự thể hiện đẳng cấp ở tư duy và tâm lý chơi bóng điềm tĩnh, ăn ý.

Đó sẽ là nền tảng của Việt Nam trong hành trình tại năm 2022.

Ba bàn thắng của Việt Nam vào lưới Trung Quốc
 
 
Các bàn của Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Thành Vũ