Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 16/2/2022, 14:44 (GMT+7)

Cuộc sống tạm bợ của công nhân

Hà NộiPhòng trọ hơn 10 m2, không có nhà vệ sinh riêng ở thôn Hậu Dưỡng (Kim Chung, Đông Anh) là nơi trú ngụ gần bốn năm qua của vợ chồng anh Thủy và con trai.

Các thôn Hậu Dưỡng, thôn Chùa, thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) có hàng nghìn phòng trọ cho công nhân thuê, bình quân mỗi dãy 8-15 phòng.

Địa bàn có khu công nghiệp Thăng Long, rộng hơn 300 ha, thu hút hàng chục nghìn công nhân miền Bắc tới làm việc. Phần lớn doanh nghiệp ở đây hoạt động trong ngành điện tử, máy tính, linh kiện ôtô, xe máy...

Mỗi phòng rộng khoảng 10-15 m2, giá thuê 500.000-1.500.000 đồng. Đồ cơ bản trong phòng là giường được ghép từ hai tấm giát gỗ, kê bằng chân ghế, vật dụng còn lại người lao động tự sắm.

Thống kê cả nước khoảng 70% lao động đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích bình quân dưới 3 m2 một người. Với thu nhập bình quân 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng chưa tính tăng ca, công nhân hầu như không có khả năng mua nhà. Chi phí phòng trọ, nuôi con... khiến họ không còn tích lũy, chấp nhận ở thuê trong các khu trọ chật hẹp.

Theo Luật Cư trú, diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú không thấp hơn 8m2 sàn mỗi người, chỗ ở của công nhân chưa đạt một nửa.

Sau Tết Nhâm Dần giãn việc, anh An, quê Thái Nguyên, công nhân điện lạnh ngồi giải trí với chiếc điện thoại trong phòng trọ. Căn phòng khoảng 10 m2, thuê giá 550.000 đồng đủ kê giường ngủ, tủ quần áo bằng vải, bày biện đồ nấu ăn và khoảng trống còn lại để chiếc xe máy - tài sản giá trị nhất của người đàn ông 35 tuổi.

"Tôi thấy rẻ", anh nói về nơi mình tá túc đã 6 năm và thấy thoải mái so với nhiều khu khác vì có một hàng cây cổ thụ trước hiên. Dãy phòng trọ cấp bốn có 8 phòng, 2 nhà tắm và vệ sinh chung. 5 phòng trong đó cho công nhân ở, 3 phòng hiện vẫn trống khi người thuê vốn là lao động tự do đã về quê từ tháng 9/2021.

Ở phòng bên cạnh, anh Phùng Văn Thủy, 36 tuổi, chuẩn bị dọn dẹp nốt đồ đạc để chuyển sang phòng khác cùng dãy cho chủ trọ tu sửa. Hơn 18h, vợ Thủy đi làm vẫn chưa về, con trai 18 tháng tự chơi. Đôi vợ chồng cùng quê Phú Thọ, cưới nhau năm 2018.

Căn phòng trọ thuê giá 500.000 đồng, vợ anh ở một mình thời con gái giờ trở thành nơi tá túc của gia đình ba người. Họ không thể gửi con về quê khi ông bà nội tuổi cao, hay đau ốm. Để có thời gian chăm con, anh Thủy làm ở một xưởng giặt là, thu nhập khoảng 6 triệu, luôn làm trái ca với vợ.

Vợ chồng anh Thủy đặt tên con là Đăng Khoa "vì thấy hay", với mong muốn cuộc đời cậu bé sẽ tươi sáng hơn bố mẹ. Làm công nhân hơn chục năm, họ chưa có dự định về quê hay rẽ hướng khác vì "còn sức khỏe thì cứ làm công nhân đi đã, mai sau có tuổi rồi tính".

Quần áo trẻ con phơi ngay trước cửa phòng trọ, dưới mái hiên. Thống kê năm 2019 cho thấy 40% công nhân phải gửi con về quê cho người thân trông nom, gần 22% gửi ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân. Công nhân không có nhiều thời gian chăm sóc con khi phải tăng ca thường xuyên.

Hải, 32 tuổi, công nhân chuyên về linh kiện ôtô, hướng dẫn con học online khi vừa tan ca trở về phòng trọ. Căn phòng rộng khoảng 25 m2, thuê giá 1,1 triệu đồng là nơi ở của năm người, gồm vợ chồng, hai con trai và bà nội.

Vĩnh Phúc, Thái Nguyên giáp Phú Thọ, quê Hải cũng có nhiều khu công nghiệp, nhưng anh chưa tính trở về khi đã gắn bó với công ty hơn chục năm, thu nhập ổn định và các con đều đang đi học ở Hà Nội.

Chị Dương Thị Quỳnh, 31 tuổi, công nhân một công ty chuyên sản xuất mô-tơ điện, nấu cơm cho chồng vừa khỏi Covid-19 còn đang tự cách ly. Trước Tết, họ dự định sáng 27 tháng chạp về Nam Định, nhưng chồng phát hiện dương tính khi xét nghiệm để lấy giấy về quê và đành ở lại.

Phòng trọ của vợ chồng Quỳnh ở tầng một, thuê 600.000 đồng. Các phòng ở tầng hai xa nơi tắm giặt, nhà vệ sinh giá rẻ hơn, 500.000 đồng. Đặt bếp nấu ăn trong phòng, hôm nào rán cá hoặc món có hành, tỏi, chị phải mở cửa, bật quạt cho đỡ ám mùi.

Sau lưng Quỳnh, túi quần áo xếp gọn từ chiều 26 Tết còn chưa buồn dỡ ra.

11 năm làm công nhân cũng là từng ấy năm chị Quỳnh đi ở trọ, luân chuyển qua ba nơi ở quanh thôn Hậu Dưỡng. Những nơi chị từng ở, mùa mưa nước tràn vào phòng hoặc chủ phá đi để xây mới. "Chỗ này ổn nhất, cao ráo, không bao giờ bị ngập vào mùa mưa. Ông bà chủ lại thương công nhân, nhiều năm không tăng tiền điện nước, mùa dịch còn giảm tiền phòng trọ", chị mô tả về nơi mình tạm trú hơn 6 năm.

Bữa cơm của vợ chồng công nhân có bắp cải và thịt luộc. Bắp cải mua 8.000 đồng ở chợ Hậu được Quỳnh chia làm hai bữa, cây nào to thì nấu được ba bữa. Thấy vợ chồng chị phải cách ly trị bệnh, chiều 30 Tết, chủ nhà cho chiếc bánh chưng, một cây giò lụa.

Cũng như vợ chồng anh Thủy, vợ chồng chị Quỳnh cũng chưa biết làm gì ngoài làm công nhân. "Phải cố thôi, được năm nào biết năm ấy", chị nói.

Trong cuộc đua mở rộng khu công nghiệp của các địa phương những năm tới, số lượng công nhân dự báo còn tăng nhanh. Song quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hầu như chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ. Chính sách hiện hành cũng chưa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là vốn và đất đai.

Các chuyên gia kiến nghị tỉnh, thành cần khảo sát nhu cầu để có kế hoạch xây dựng nhà ở, bán cho công nhân với giá ưu đãi; đi kèm là các công trình như nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất để giữ chân người lao động.

Ngọc Thành - Hồng Chiêu