Thứ năm, 25/4/2024
Thứ năm, 10/2/2022, 09:40 (GMT+7)

Lễ vía Thần Tài của một gia đình Sài Gòn

Từ 5h, bà Nguyễn Thị Nở, quận 12, TP HCM, ra chợ mua hoa, cá lóc nướng... chuẩn bị lễ cúng ngày vía Thần Tài.

Trời chưa sáng, bà Nguyễn Thị Nở (góc trái) đã sắm đồ cúng ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng. Bà cho biết, do làm nghề bán rau sỉ ở chợ Bà Quẹo nên sau khi giao hàng xong tranh thủ ra sạp gần đó mua hoa, trái cây trước tiên.

Người phụ nữ 58 tuổi chọn hoa đồng tiền, với mong muốn nhiều tài lộc trong ngày này.

Bà lựa vàng mã cúng Thần Tài với giá 30.000 đồng một bộ.

Sau khi chọn vàng mã, hoa, trái cây... bà Nở đi mua cá lóc nướng - đồ cúng không thể thiếu trong ngày này của nhiều người Sài Gòn. Bà mua ở "phố cá lóc nướng" trên đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú), cách nơi làm việc một km.

"Cúng Thần Tài phải mua cá nướng nguyên con, không cạo vảy, cắt đuôi. Cá ở đây họ nướng đẹp mắt cũng như hương vị ngon hơn nhiều chỗ khác", bà nói.

Trên đường về, người phụ nữ ghé mua heo quay tại tiệm quen trên đường Trường Chinh. Heo quay là lễ cúng trong bộ "Tam sên" của người Nam Bộ bao gồm miếng thịt ba rọi, tôm (hoặc cua) và trứng vịt.

6h, bà Nở mua đủ đồ cúng Thần Tài như hoa, trái cây, cá lóc, tôm, heo quay... và mang về nhà trên đường Đông Hưng Thuận 6 (quận 12).

Trước khi bày biện mâm cúng, bà Nở "tắm rửa" cho ông Thần Tài và ông Địa bằng rượu trắng. "Ông luôn thích sạch sẽ và những nơi thoáng mát nên tôi thường xuyên tắm rửa, lau chùi gian thờ để được ban phước nhiều hơn", bà nói.

Bên cạnh việc sắm lễ để cúng, mua vàng cũng là việc nhiều người thường làm trong ngày này. Bà Nở thường mua ít vàng trước vía Thần Tài vài ngày.

Mâm cúng căn bản trong ngày vía Thần Tài của người Sài Gòn gồm trái cây, cá lóc nướng, vàng mã, nhang, bộ Tam sên (gồm thịt lợn, trứng luộc và tôm hoặc cua), hoa tươi, rượu, gạo, bánh kẹo...

Khoảng 7h, bà Nở bắt đầu cúng Thần Tài. Nghi thức khá đơn giản, chỉ diễn ra chưa đầy 5 phút vào khoảng thời gian trước 9h. Người cúng thường cầu khấn một năm làm ăn buôn may bán đắt.

Khi nhang đã tàn, bà Nở ra trước cổng nhà thực hiện công đoạn cuối là hóa vàng. "Năm vừa qua dịch bệnh dữ quá nên tôi chẳng mong gì hơn là sức khoẻ. Mình buôn bán nên cũng hy vọng tiền bạc dồi dào, cuộc sống sung túc", người phụ nữ 58 tuổi chia sẻ.

Quỳnh Trần