Thứ tư, 17/4/2024
Thứ sáu, 11/2/2022, 15:00 (GMT+7)

Mùa thu hoạch muối ở An Ngãi

Bà Rịa - Vũng TàuSau Tết, diêm dân ở xã An Ngãi, huyện Long Điền tất bật ra đồng thu hoạch muối.

Các ô muối kết tinh trắng trên cánh đồng rộng gần 300 ha ở xã An Ngãi, huyện Long Điền đang chuẩn bị thu hoạch.

Theo các tài liệu, thư tịch cổ từ thế kỷ 17, vùng Long Điền, Phước Hưng, An Ngãi được khai phá và sản xuất muối biển để phục vụ nhu cầu người dân địa phương, sau đó phát triển mạnh và trở nên nổi tiếng từ thế kỷ 20 với hàng trăm hộ, được truyền qua nhiều đời.

Ruộng muối trải bạt đang cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân An Ngãi áp dụng mô hình sản xuất muối trải bạt, cho năng suất cao hơn 20-30%, chất lượng và giá bán cao hơn so với cách làm truyền thống.

Theo các diêm dân, nghề muối ở An Ngãi diễn ra trong mùa khô, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Khoảng thời gian này nắng gió nhiều, nước từ sông chảy ra ít nên độ mặn nước biển tương đối cao.

Ông Tuấn (50 tuổi, bên phải) cùng hai đồng nghiệp dùng trang (dụng cụ cào muối làm bằng miếng sắt hình chữ nhật) đẩy muối dưới tiết trời 33 độ C. Cả ba làm thuê cho các chủ ruộng hơn 20 năm nay. Công việc của họ khi mờ sáng và chiều muộn. "Những ngày chính vụ phơi nắng giữa đồng cào đẩy muối, hơi muối bốc lên nực, bám rát người không chịu nổi nên phải tranh thủ làm sớm đến khoảng 9-10h thì nghỉ", ông Tuấn nói.

Muối kết tinh bám thành lớp cứng, người làm công dùng cây nạy tự chế để tách.

Muối được chủ ruộng gom lên bờ ô để một hai ngày cho ráo nước trước khi công nhân đẩy lên bờ.

Ông Lương Văn Sang (xã An Ngãi) cho biết, những người thu hoạch muối thuê được tổ chức thành từng nhóm. Nhóm của ông có 26 người làm các công việc cào muối, chuyển muối lên bờ, đóng bao...

Công nhân đẩy xe muối nặng 52 kg lên bờ tập kết thành đống, với giá thuê 200.000-220.000 đồng mỗi tấn.

Thời điểm này chỉ mới bắt đầu vụ, ngày làm việc của họ có khi chỉ một hai giờ. "Tiền công được tính theo lượng muối vận chuyển. Hôm nay ít việc, mỗi người chỉ được khoảng 100.000 đồng, nhưng có những ngày cao điểm kiếm gần một triệu đồng", ông Sang nói.

Ông Sang đứng ở bãi tập kết ghi số lượng xe rùa đẩy muối lên bờ bằng ký hiệu ô vuông. "Bốn ô vuông, 19 gạch là một tấn, cách này dễ, vừa khó nhầm lẫn và để lưu lại sau này tính công cho người làm", ông cho hay.

Những người phụ nữ được ưu tiên làm công việc xúc muối đổ vào xe rùa. "Tôi làm thuê trên cánh đồng này từ hồi con gái, đến nay đã 55 tuổi. Hết mùa muối ai thuê gì làm nấy", bà Lê Thị Hòa ở thị trấn Long Điền, nói.

Một đống muối cao hơn 2 m, rộng 7 m chờ thương lái đến mua. Muối An Ngãi chất lượng cao, được tiêu thụ nhiều ở các tỉnh miền Tây. Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) mua lượng lớn để sản xuất nước mắm.

Ông Huỳnh Văn Thuyết sản xuất 5 sào muối, cho biết mỗi lứa muối thu được 45 tấn, giá bán 1.000 đồng mỗi kg, thu lãi khoảng 20 triệu đồng. "Giá muối mấy năm nay lên xuống thất thường, trong khi nhân công cào muối khó kiếm, vừa giá cao nên thu nhập của diêm dân ngày càng giảm", ông Thuyết nói.

Sau khi thu hoạch, người dân vận hành xa quạt - cấu tạo giống máy bơm chạy bằng gió, đưa nước vào làm lứa muối tiếp theo. Hệ thống này giúp người dân tiết kiệm nhiều công sức, chi phí.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu, năm nay toàn tỉnh sản xuất 580 ha muối, giảm hơn 117 ha so với năm trước.

Diện tích làm muối bị thu hẹp do đất bị thu hồi làm dự án. Ngoài ra, thu nhập từ nghề làm muối thấp, đa số diêm dân phải vay mượn thương lái và bán với giá thấp hơn giá thị trường dẫn đến thua thiệt.

Trường Hà