Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 1/3/2022, 00:00 (GMT+7)

Tết cơm mới của người Tà Ôi

Sống ở Hà Nội 6 năm, lần đầu tiên những người dân tộc Tà Ôi tổ chức lễ tết cơm mới (còn gọi là A Za).

Chiều 27/2, người dân tộc Tà Ôi sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tái hiện lễ tết mừng cơm mới trước khuôn viên khu nhà truyền thống.

Khi lúa trên rẫy đã thu hoạch hết, tiết trời se lạnh (khoảng 6/11 đến 24/12 âm lịch hàng năm), các buôn làng của đồng bào dân tộc Tà Ôi ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, lại đón Tết A Za, còn gọi là Tết mừng cơm mới để cảm ơn trời đất, mong mùa màng bội thu, no ấm, mọi người luôn khỏe mạnh, con cái học hành tiến bộ. Đây là cũng là lần đầu tiên lễ hội được tái hiện.

Trong ngày lễ, bánh aquat không nhân không thể thiếu. Bánh giống như bánh chưng, bánh tét của người miền xuôi trong dịp Tết Nguyên đán nhưng được gói bằng lá cây chít (loại cây để làm chổi).

Sau khi luộc hơn 30 phút, bánh được vớt ra để nguội, những phụ nữ sẽ dâng lên mâm lễ chính.

Người Tà Ôi phải chuẩn bị trước từ nhiều tháng để hội đủ những sản vật cúng thần linh. Mâm cúng có các lễ vật: Cơm lam nướng ống, các loại hoa màu, lúa gạo, cá suối nướng ống, gà, trứng gà, thủ lợn, bánh nếp, aquat, rượu cần, rượu đoác… và đặc biệt phải có món chuột khô hun khói, rượi đoác (loại cây rừng chỉ có ở rừng miền Trung).

Thông thường, người chủ trì buổi lễ là già làng cùng các trưởng họ. "Lễ tết Aza là lễ hội lớn thứ hai sau lễ hội Ariêu Ping (lễ cải táng) của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế", thầy cúng Tân Quang Đôn cho biết.

Aza là Tết sum họp các dòng họ, là dịp bà con tụ tập đầy đủ, ngồi uống rượu, trò chuyện xem trong năm qua làm ăn phát đạt những gì, cái gì chưa đạt để năm tới cố gắng.

Sau hơn 20 phút làm lễ, già làng sẽ làm nghi thức phóng hoa tre vào những tấm vải. Nếu hoa tre không rơi xuống có nghĩa là mong ước cho năm mới sung túc đã được thần linh chấp thuận.

Tiếng trống và những điệu múa, bài hát truyền thống vang lên, khởi đầu cho phần hội.

Ngày Tết Aza, nam thanh nữ tú của bản làng mặc những bộ trang phục đẹp nhất cùng hòa nhịp trong điệu múa "zả zả" hay "pơ chiêng coon" nhằm gắn kết tình anh em, tình bè bạn.

Phong tục này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn còn giữ bản sắc truyền thống.

Đông đảo người dân có mặt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tham dự và hòa cùng buổi lễ.

Ngọc Thành