Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Đại dịch Corrupted Blood: Dù chỉ là game, nhưng là bài học vô giá để chống dịch ngoài đời

P.W
8/3/2022 8:51Phản hồi: 19
Đại dịch Corrupted Blood: Dù chỉ là game, nhưng là bài học vô giá để chống dịch ngoài đời
Năm 2005, Blizzard cập nhật vào World of Warcraft một nhiệm vụ raid mới: Zul’Gurub, với trùm cuối là Hakkar the Soulflyer. Con trùm này có một kỹ năng đặc biệt gọi là Corrupted Blood. Kỹ năng này liên tục rút HP của người chơi, và có thể lây lan cho những người chơi khác, hệt như một con virus. Không có cách nào chữa khỏi được hiệu ứng mà kỹ năng này gây ra cho nhân vật trong game, và rồi nhân vật đó sẽ lăn quay ra chết vì hết máu.

Đáng lẽ, đòn đánh này chỉ tác động tới nhân vật trong vòng vài giây. Nhưng những người chơi World of Warcraft nhanh chóng phát hiện ra kỹ năng diện rộng (AoE) này có thể bị những nhân vật đã dính đòn Corrupted Blood đem ra ngoài thế giới mở của game, bên ngoài khu vực thực hiện nhiệm vụ raid, thông lây lan qua những vật chủ là minion hoặc pet của người chơi. Hệ quả là một trong những đại dịch khét tiếng nhất thế giới game đã xảy ra vào năm 2005. Chỉ trong khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ, toàn bộ cả những thành phố lớn như Ironforge hay Stormwind City đều bị lây lan chứng Corrupted Blood, thông qua những nhân vật NPC do máy điều khiển, với khả năng lây bệnh cho người khác nhưng vì là nhân vật máy nên không thể lăn ra chết.

[​IMG]

SneakyPaladin1701, một Redditor từng trải nghiệm đại dịch 17 năm về trước nhớ lại: “Quy mô của sự hủy diệt mà nó đem lại là chưa từng có. Chưa kể có rất nhiều người chơi cố tình đi phá game, đem Corrupted Blood lây cho những người khác.” Cùng lúc, nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề, rất nhiều người chơi cố gắng thực hiện những biện pháp giống y hệt như giãn cách xã hội, số khác thì cố gắng cách ly cả thành phố, còn những nhân vật healer thì cố gắng hồi máu để bảo vệ những người chơi khác.

Tierannix, một người chơi World of Warcraft khác chia sẻ trên Reddit: “Khi ấy có những ngôi làng người chơi tự lập ra, nơi anh em bàn luận về sự điên rồ của sự kiện chưa từng có này, với những party chỉ có nhiệm vụ đi săn và tiêu diệt những nhân vật đến gần ngôi làng, để bảo vệ an toàn cho những người chưa nhiễm bệnh.”


Trong khi hầu hết mọi người đều cố gắng ngăn chặn tốc độ lây lan của Corrupted Blood, thì cũng có những thanh niên thích phá game, trốn trên núi, chờ đến khi dịch êm lại quay về những thành phố lớn để tiếp tục lây lan dịch bệnh. Psivenn, một Redditor khác kể lại: “Dịch nguội nhanh như cách nó bùng phát, nhưng diễn biến đủ lâu để tạo ra những dư chấn tiêu cực từ những người chơi cố tình lây bệnh cho pet của họ, hoặc đứng im và thoát khỏi tài khoản game. Không ai được an toàn cả. Tôi nhớ là tưởng dùng phép hồi sinh sẽ giúp khỏi bệnh, nhưng hóa ra có cả những kẻ nhiễm bệnh đứng chờ sẵn ở bãi tha ma, chờ người chơi hồi sinh là lây lan tiếp.”

Tinhte_Game2.jpg

Nhờ vào sự kiện tưởng chừng không có một chút hệ quả xấu nào đối với đời thật, nghiên cứu Corrupted Blood và hiệu ứng từ những phản ứng khác nhau của người chơi World of Warcraft bỗng trở thành một chủ đề nghiên cứu vô cùng nghiêm túc, với những bài học vô cùng đắt giá cho những nhà nghiên cứu dịch tễ học, từ đó phác thảo những biện pháp đối phó với những đại dịch tương tự trong đời thật.

Vài năm sau khi đại dịch Corrupted Blood xảy ra trong game, nhà dịch tễ học Nina Fefferman cùng nghiên cứu sinh Eric Lofgren đã nhấn mạnh những điểm tương đồng về mặt xã hội học giữa những phản ứng của người chơi trong thế giới ảo với phản ứng của con người khi một đại dịch xảy ra ngoài đời thật. Một vài trong số những biến số có giá trị nhất được ghi nhận trong trường hợp của Corrupted Blood khi được nghiên cứu chính là chỉ số tò mò của con người. Đó là thứ rất nhiều nhà dịch tễ học bỏ qua khi dựng mô hình mô phỏng cách đại dịch lây lan để nghiên cứu xã hội.

Cô Fefferman chỉ ra rằng, “mức độ tập trung và cống hiến của người chơi cho cộng đồng ảo của tựa game đảm bảo rằng phản ứng trong thế giới ảo sẽ gần giống hệt như phản ứng của mọi người khi tình huống tương tự xảy ra trong thế giới thực.”

Cũng chính nhờ biến số gọi là chỉ số tò mò, nên nghiên cứu về đại dịch dựa trên World of Warcraft khác biệt với những mô hình cơ bản mà các nhà dịch tễ học tạo ra. Trong game, phản ứng của người chơi dựa trên cảm xúc và sự gắn bó với nhân vật ảo, với sự phát triển và sinh tồn của những nhân vật ấy. Vì lý do đó, cách con người phản ứng với một đại dịch trong game giống hệt như cách họ sẽ phản ứng ngoài đời thật.

Tinhte_Game3.png

Thông qua những nghiên cứu của cô Nina Fefferman, nữ giáo sư Yasmin B. Kafai của đại học Pennsylvania đã tạo ra được những công cụ ảo phục vụ cho cộng đồng các nhà nghiên cứu dịch tễ và xã hội học, như Scratch chẳng hạn. Giáo sư Kafai cho rằng: “Nina Fefferman, người đầu tiên viết và nghiên cứu về đại dịch Corrupted Blood, cũng chính là người đầu tiên chỉ ra đại dịch trong môi trường thế giới ảo là một cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu hành vi con người trong một bối cảnh tương đối chân thực.”

Quảng cáo



Giáo sư Kafai thừa nhận, nghiên cứu của Fefferman trở nên nổi tiếng trong cộng đồng dịch tễ học nhờ vào việc “bạn được tận mắt chứng kiến một sự kiện thường rất hiếm khi được các nhà khoa học cân nhắc đầy đủ các biến số trong quá trình xây dựng mô hình tính toán, đơn giản vì họ không thể tính được hết những hành vi sai khác của con người.” Tốc độ lây lan dịch bệnh hoàn toàn có thể dùng những phương trình và hàm số để tính toán, còn phản ứng của con người, thứ không phải lúc nào cũng hoạt động theo lý lẽ thì không thể.

Tinhte_Game4.jpg

Vậy sẽ ra sao khi chúng ta có thể lập trình một thế giới ảo, tạo ra một dịch bệnh nguy hiểm và kiểm soát được từng biến số khi đại dịch diễn ra?

Đó chính là câu hỏi được đặt ra khi giáo sư Kafai phát triển “trò chơi” gọi là Whyville, “một trong những môi trường ảo đầu tiên được thiết kế để phục vụ mục đích giáo dục và nghiên cứu khoa học.” Những nghiên cứu của nữ giáo sư này đã được thực hiện từ đầu thập niên 2000, nhưng cho tới khi đại dịch Ebola bùng phát, công cụ trực quan này mới được dồn vốn phát triển và trở nên nổi tiếng.

Bà Kafai cho biết: “Nó luôn là một dự án mang tính đam mê, vì một khi cộng đồng người chơi trở nên đông đúc, tôi nghĩ chúng tôi sẽ có khả năng tạo ra những nghiên cứu chính xác, nhất là trong việc quan sát xem mọi người sẽ phản ứng ra sao với một đại dịch.” Mục tiêu của nghiên cứu này là “kết hợp kinh nghiệm của con người với trải nghiệm giáo dục.”

Nhờ đó, Whyville có mục tiêu giáo dục lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng về đại dịch, về tầm quan trọng của vaccine trong môi trường trường học, nơi khả năng lây lan chéo mầm bệnh là rất cao. “Đại dịch” gần đây nhất được cập nhật vào Whyville là Dragon Swooping Cough, ra mắt năm 2017, 3 năm trước khi COVID-19 bùng phát. Nhưng những chi tiết của căn bệnh này lại có những điểm tương đồng đến đáng sợ với COVID-19, khi được giáo sư Kafai “dựng mô hình phỏng theo một hội chứng đường hô hấp vì Ebola nguy hiểm hơn rất nhiều.” Nhưng rồi vì tình hình thế giới hiện giờ, Dragon Swooping Cough được đổi tên thành SPIKEY-20 và SPIKEY-21.

Quảng cáo



Tinhte_Game5.jpg

Nếu như đại dịch Corrupted Blood trong World of Warcraft là một sự kiện điên rồ, một lỗi game không kiểm soát nổi trong một cộng đồng vô cùng đông đảo, thì nghiên cứu của giáo sư Kafai lại có quy mô dễ kiểm soát hơn nhiều. Cùng với đó, chính sức khỏe tinh thần của các bạn nhỏ thử nghiệm trong Whyville cũng được theo dõi sát sao. Cùng với đó, trước khi “cập nhật” dịch bệnh vào game, các nhà khoa học cũng phải tính toán kỹ chỉ số R-0, ám chỉ tốc độ lây lan của mầm bệnh dựa trên những mẫu mô hình trước đó.

Vậy trong một môi trường được kiểm soát vô cùng chặt chẽ, liệu kết quả nghiên cứu xã hội học và dịch tễ học có chính xác và giống với thực tế như Corrupted Blood năm xưa hay không? Theo giáo sư Kafai, câu trả lời là có. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra kể từ khi có vaccine, “có người không tiêm đủ 3 mũi, nhưng có người tiêm hẳn 2 lần 6 mũi cho chắc.” Không chỉ dừng ở đó, họ còn phát hiện ra mối liên kết tâm lý giữa người chơi và nhân vật ảo, khi dịch bùng phát ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của nhân vật trong game.

Hệ quả là công cụ chat trong Whyville bắt đầu có “rất nhiều những dự đoán của người chơi, với rất nhiều những giả thuyết được đưa ra liên quan tới khoảng cách an toàn, thời gian nhiễm bệnh, ý tưởng giãn cách xã hội và bảo vệ bản thân, những thứ con người đang thảo luận ngay trong đời thật.” Thậm chí có vài em nhỏ chắc cú tới mức thoát game cho an toàn.

Dĩ nhiên so sánh Whyville với Corrupted Blood trong World of Warcraft là rất lệch lạc. Một mô hình được nghiên cứu với quy mô chỉ bằng một lớp học, trong khi mô hình còn lại thì có quy mô rất lớn với hàng triệu người cùng trải nghiệm trong một xã hội thu nhỏ. Nhưng Whyville cũng chân thực tới mức, “nếu ứng dụng những biện pháp giãn cách đủ mạnh tay, thì thế giới ảo cũng xuất hiện những sự phản kháng hệt như ngoài đời.”

Tinhte_Game6.jpg

Những nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học đưa ra ý tưởng tạo ra một môi trường MMORPG quy mô lớn không kém gì World of Warcraft để nghiên cứu tác động hành vi với các biện pháp phòng chống dịch: “Ngay cả những sinh viên y khoa đôi khi cũng không hiểu rõ 100% khái niệm thời gian ủ bệnh. Hiểu về một đại dịch cần cả ba yếu tố: Thời gian nhiễm bệnh, hiểu cách mầm bệnh tác động tới cơ thể, và hiểu tác động của nó đối với xã hội. Cần cả ba yếu tố này kết hợp với nhau thì các nhà khoa học mới hiểu được một đại dịch hoành hành ra sao.”

Nhờ tới sự cố trong một game online, môi trường thế giới ảo hoàn toàn có thể là một nơi nghiên cứu vô cùng nghiêm túc những dịch bệnh ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai, vì với một game MMO, chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng hiệu ứng của hành vi con người, dù hợp lý hay vô lý. Và đó là những biến số rất hiếm khi được các nhà dịch tễ học cân nhắc khi xây dựng mô hình nghiên cứu theo cách truyền thống.

Theo Input
19 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Vô tình nhưng lại giúp ích cho chúng ta trong việc phòng dịch hiện nay
@asterix0108 Có giúp ích được gì? Toàn anh chơi game thôi chứ làm được gì ngoài chém gió. Tôi có thể nói là game này không có ích gì trong việc chống COVID ngoài giúp ở nhà giảm stress
@russia.usa.lc kaka, thế bạn lại ko đọc bài rồi
MeoMao121
TÍCH CỰC
2 năm
Nhảm, làm gì có chuyện phản ứng của người chơi game liên kết với ngoài đời.
Trong game thì có vô số mạng, ngoài đời chỉ có 1 mạng thôi.
Người ta chơi game vốn là muốn chém giết để thỏa mãn bản năng con người(bản năng săn bắt), ngoài đời thì cũng thế à.
FigBanana
ĐẠI BÀNG
2 năm
@MeoMao121 Mình đọc bài gốc luôn rồi bạn ạ:
Some observers have suggested that the unexpected spread of this virtual infection was the deliberate strategy of malicious players. It is possible that players were able to sustain the transmission cycle of the disease by keeping in close contact with another player while constantly healing each other until they reached populated cities. If so, this incident may also count as the first virtual act of bio-warfare.

Mathematical modeling experts may find some utility in this outbreak as a case study, applying models to predict future disease dissemination and adequacy of various interventions.1,2 The basic reproductive rate in virtual illnesses can be quantified, the population-specific force of infection can be assessed, and predicted outcomes can be compared with actual events influenced by player-dependent behaviors.
MeoMao121
TÍCH CỰC
2 năm
@FigBanana ko hiểu, bác dịch dùm t cái
mrPonPon
ĐẠI BÀNG
2 năm
@MeoMao121 Thanh niên này buồn cười, nghiên cứu tìm hiểu chưa đến nơi đến chốn, chỉ chê là giỏi. Năng lực hạn chế thì nâng cao, trau dồi bản thân đi rồi tranh luận tiếp.
boozyer
CAO CẤP
2 năm
cái dịch này lên báo game bao lần r, có vẻ bug nhưng cũng kỉ niệm vs fan của Blizz thật
@boozyer nó là bug mà, ko thì sao đem ra ngoài được
boozyer
CAO CẤP
2 năm
@P.W đôi khi là tính năng nhưng cố tình ko nói ấy chứ mod.
Mod có thể làm mấy bài top 10 game nên trải nghiệm các hệ máy console với handheld thời điểm hiện nay được ko
nhìn đúng là chết như ngả rạ, xương trắng cả 1 vùng 😔
@Hassler 10 phần chết 7 còn 3, chết 2 còn 1 mới ra thái bình
khoa1203
ĐẠI BÀNG
2 năm
Đúc kết là ko dập dc là liên tục âm ỉ do có phá game , trừ phi có thuốc kháng đặc trị 100%
hoangduycc
TÍCH CỰC
2 năm
tính ra game này hay phết, có cả mô phỏng đại dịch rồi người chơi bảo vệ lẫn nhau các kiểu
xịnnn
tung.dq
CAO CẤP
2 năm
có vẻ hơi bị quá

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019