Thứ năm, 28/3/2024
Thứ ba, 12/4/2022, 20:12 (GMT+7)

Trình diễn thiết bị chữa cháy từ xa

Thiết bị bay bắn quả nổ, máy cảnh báo, phát hiện cháy qua điện thoại... là các sản phẩm tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học, công nghệ trong phòng cháy, chữa cháy.

Ngày 12/4, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học, công nghệ trong phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ. Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, mang đến thiết bị bay không người lái có khả năng bắn quả nổ bột, mang lương thực, áo phao cứu hộ.

Thiết bị bay cao 0,6 m, rộng 2,5 m, có thể mang theo hai viên đại một lần bay, tầm bắn thẳng khoảng 30 m, tốc độ bay 70 km/h, tầm bay 500 m, bắn vỡ kính dày 10 mm.

Anh Hoàng Ngọc Huy (trái), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết đơn vị đã làm chủ công nghệ, chỉ nhập khẩu một số thiết bị lắp ráp nên giá thành rẻ hơn bốn lần so với sản phẩm tương tự ở nước ngoài.

Clip ghép bài dự thi phòng cháy
 
 

Thiết bị bay không người lái. Video: Gia Chính

Dàn phóng chữa cháy là sản phẩm thi thứ hai của nhà máy Z113. Giàn phóng nặng 400 kg, gồm 20 ống phóng, tốc độ bắn lý thuyết mỗi phút 20 phát, tầm bắn hiệu quả 250 m.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, thiết bị có thể dập tắt đám cháy trên diện rộng, khó tiếp cận, cách xa nguồn nước mà xe chữa cháy thông thường không thể tiếp cận. Tính cơ động của thiết bị cao, đặc biệt hiệu quả trong dập cháy rừng, kho hóa chất, trạm xăng dầu.

Sản phẩm thứ ba là quả cầu chữa cháy tự động, dự kiến được bán cho người dân để đặt tại các vị trí dễ xảy ra hỏa hoạn trong nhà. Nguyên lý hoạt động là khi có lửa, quả cầu sẽ phát nổ giúp dập đám cháy ngay từ ban đầu và tạo ra âm thanh báo động.

Có cơ chế hoạt động tương tự quả nổ dạng bột là quả nổ dạng bọt của Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Công An). Khi có cháy hoặc nhiệt độ lên 170 độ C, thiết bị sẽ nổ tạo ra một lớp bọn ngăn cháy. Thiết bị được đánh giá phù hợp với chữa cháy ban đầu.

Để giám sát việc tuân thủ quy định phòng cháy, một doanh nghiệp đã phát minh ra thiết bị truyền hình ảnh trực tiếp hộp trung tâm báo cháy về Trung tâm chỉ huy của cơ quan chức năng.

Đại học Bách khoa Hà Nội mang đến hội thi thiết bị phát hiện hỏa hoạn thông qua quang điện tử. Nhóm nghiên cứu cho biết thiết bị có thể phát hiện ngọn lửa nhỏ bằng ngọn nến, phạm vi đạt hiệu quả cao là 50 m.

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ giới thiệu sản phẩm kính thực tế ảo để hỗ trợ công tác tập huấn chữa cháy cho học sinh, sinh viên. Đơn vị dự thi xây dựng từng tình huống cụ thể, người đeo kính thực tế ảo sẽ trực tiếp tìm lối thoát nạn, dập lửa...

Đại học Phòng cháy chữa cháy đưa ra sản phẩm kết nối hệ thống cảnh báo cháy với điện thoại. Khi xảy ra hỏa hoạn, điện thoại của cư dân sẽ phát chuông cảnh báo và từng hiệu lệnh cụ thể qua tin nhắn.

Cuộc thi sáng tạo khoa học, công nghệ phòng cháy chữa cháy thu hút 18 sản phẩm dự thi. Cơ cấu giải thưởng gồm giải nhất, nhì, ba và ba giải khuyến khích. Các sản phẩm dự thi sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu đưa vào sử dụng thực tế.

Gia Chính