Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Phân tích: Tiền tệ chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên cạnh tranh mới

Lê Q Khánh
21/4/2022 15:27Phản hồi: 25
Phân tích: Tiền tệ chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên cạnh tranh mới
Công nghệ kỹ thuật số đã sẵn sàng để thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tiền, và khả năng quản lý nền kinh tế của của một số quốc gia.

Tiền là một trong những phát minh đáng giá nhất của loài người. Tiền biến việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các lục địa, giữa những người không quen biết nhau và không có lý do gì để tin nhau trở thành hiện thực. Tiền còn có thể được sử dụng để chuyển của cải và tài nguyên theo thời gian. Không có tiền, tất cả các hoạt động kinh tế của loài người sẽ bị giới hạn nghiêm trọng về mặt thời gian và không gian.

Đặc quyền phát hành tiền đồng nghĩa với quyền lực kinh tế. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi lịch sử có đầy những ví dụ về cạnh tranh tiền tệ, cả bên trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Tại Trung Quốc, nơi sử dụng tiền giấy đầu tiên trên thế giới, các loại tiền do các thương nhân và chính quyền cấp tỉnh phát hành đã cạnh tranh lẫn nhau trong nhiều thế kỷ. Sự thật là tiền giấy do các ngân hàng chính phủ và tư nhân phát hành cùng tồn tại ở Trung Quốc vào cho đến cuối nửa đầu thế kỷ XX.

Lý do chấm dứt cuộc cạnh tranh này là sự xuất hiện của các ngân hàng trung ương, được trao đặc quyền phát hành tiền tệ hợp pháp và được giao nhiệm vụ duy trì sự ổn định của nó. Sự chuyển dịch này diễn ra khá sớm ở Thụy Điển; Ngân hàng trung ương lâu đời nhất thế giới, Riksbank, được thành lập ở đất nước Bắc Âu này vào thế kỷ XVII. Tại Trung Quốc, sự cạnh tranh giữa các đồng tiền khép lại với việc thành lập Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa vào năm 1948, ngay trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức được thành lập. Kể từ khi các ngân hàng trung ương đặt chân vào cuộc chơi, cuộc cạnh tranh giữa các đồng tiền chủ yếu mang tính quốc tế, với giá trị tương đối của đồng tiền phụ thuộc vào sự uy tín và sự ổn định của các ngân hàng trung ương phát hành chúng.

Nói như thế để thấy rằng sự ổn định về tiền tệ chỉ là một khái niệm tương đối khi giờ đây chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên khác đầy biến động. Tiền mặt đang dần dần thoái trào, và các công nghệ kỹ thuật số thay thế nó có thể biến đổi bản chất và khả năng của tiền. Ngày nay, tiền của ngân hàng trung ương đồng thời đóng vai trò như một một phương tiện trao đổi và hình thức lưu trữ giá trị. Nhưng công nghệ kỹ thuật số có thể khiến các chức năng đó lu mờ khi một số dạng tiền kỹ thuật số tư nhân, bao gồm một số loại tiền điện tử, có được sức ảnh hưởng. Sự dịch chuyển này có thể làm suy yếu sự thống trị của tiền do ngân hàng trung ương phát hành và tạo ra một làn sóng cạnh tranh tiền tệ khác có thể gây ra hậu quả lâu dài cho nhiều quốc gia - đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế nhỏ.

moneycompetitions_1.png

Đối với nhiều người, hiện nay tiền mặt có vẻ dường như là câu chuyện của quá khứ. Giữ và thanh toán tiền mặt ngày càng trở nên ít phổ biến hơn vì điện thoại thông minh cho phép chúng ta thực hiện thanh toán một cách nhanh chóng và dễ dàng. Cách mà người dân ở các nước giàu như Hoa Kỳ và Thụy Điển, cũng như người dân ở các nước kém phát triển hơn như Ấn Độ và Kenya, trả tiền cho những món hàng cơ bản đã thay đổi chỉ trong vài năm. Sự thay đổi này có thể là một lý do tiềm tàng của sự bất bình đẳng: nếu tiền mặt biến mất (nếu điều đó thực sự xảy ra), điều đó có thể khiến người già, người nghèo và những người khác gặp bất lợi ở khía cạnh công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế, điện thoại di động gần như bao phủ dân số ở nhiều quốc gia. Và tiền kỹ thuật số, nếu được triển khai đúng cách, có thể là một động lực lớn trong quá trình hội nhập tài chính đối với các hộ gia đình có ít khả năng tiếp cận với các hệ thống ngân hàng chính thống.

Nhưng tiền mặt vẫn có chỗ đứng của riêng nó. Trong thời kỳ đại dịch covid, ngay cả khi thanh toán không tiếp xúc trở nên phổ biến hơn, người ta thấy nhu cầu về tiền mặt tăng mạnh ở các nền kinh tế lớn bao gồm cả Mỹ, có lẽ là do mọi người xem tiền mặt như một hình thức tiết kiệm an toàn. Nhiều bang ở Mỹ có luật để đảm bảo rằng tiền mặt được chấp nhận như một hình thức thanh toán nhằm bảo vệ những người không thể hoặc không muốn thanh toán thông qua các hình thức khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng, doanh nghiệp, và chính phủ nói chung hoan nghênh sự chuyển đổi sang các hình thức thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt là khi các công nghệ mới đã làm cho việc thanh toán rẻ hơn và tiện lợi hơn. Tuy nhiên, sự suy yếu dần dần của tiền mặt, từng được xem là hình thức tiền tệ cuối cùng, chỉ là một dấu ấn nhỏ của bối cảnh tài chính đang thay đổi nhanh chóng. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là sự trỗi dậy của tiền điện tử, làm lung lay những quan điểm lâu đời về tiền bạc và tài chính.
moneycompetitions_2.png

Bitcoin là đồng tiền điện tử bắt đầu cho tất cả nhưng có lẽ nó không có vai trò lớn trong tương lai của tiền tệ. Bitcoin được tạo ra cho phép mọi người hoàn tất giao dịch theo bút danh và không có sự can thiệp của bên thứ ba chẳng hạn như ngân hàng trung ương hay định chế tài chính. Nói một cách đơn giản là bất kỳ ai có một cái máy tính cá nhân đều có thể thực hiện giao dịch. Thời điểm Bitcoin ra đời vào đầu năm 2009 là một thời điểm vàng khi niềm tin vào các chính phủ và ngân hàng suy giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng ngay cả khi Bitcoin trở nên phổ biến rộng khắp, nó vẫn có những khó khăn trong những nhu cầu sử dụng cơ bản. Sự biến động về giá trị của Bitcoin, thay đổi chóng mặt từ ngày này sang ngày khác, đã khiến nó trở thành một phương thức thanh toán không đáng tin cậy. Hơn nữa, thực ra tiền điện tử không đảm bảo tính ẩn danh — người ta có thể liên kết danh tính kỹ thuật số của một người với danh tính ngoài đời thực của họ. Ngày nay, Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự hầu hết đã trở thành tài sản tài chính đầu cơ, với ít giá trị nội tại và định giá cao ngất ngưởng mà không được đảm bảo bởi bất kỳ điều gì khác ngoài niềm tin của các nhà đầu tư.

Một thế hệ tiền điện tử mới hứa hẹn sẽ khắc phục những thiếu sót của Bitcoin. Stablecoin, loại tiền điện tử có giá trị ổn định từ dự trữ đô-la Mỹ đang dần phổ biến. Stablecoin được coi là hệ thống thanh toán kỹ thuật số đáng tin cậy, dễ truy cập sẽ giúp thanh toán cả nội địa và quốc tế rẻ hơn và nhanh hơn. Tuy nhiên, không giống như Bitcoin phi tập trung hoàn toàn, stablecoin yêu cầu các giao dịch phải được xác thực bởi tổ chức phát hành — có thể là ngân hàng, tập đoàn, hoặc chỉ là một thực thể trực tuyến nào đó. Điều này có nghĩa là người dùng phải tin tưởng tổ chức đó chỉ xác thực các giao dịch hợp pháp và giữ các khoản dự trữ thích hợp; và trớ trêu thay, các cơ quan quản lý hiện tại không yêu cầu xác minh độc lập đối với một trong hai điều đó. Do đó, cho dù được kỳ vọng sẽ trở thành một hệ thống thanh toán tốt hơn, stablecoin đã làm dấy lên nhiều lo ngại.
moneycompetitions_3.png

Ngay cả với tất cả những khó khăn chồng chất này, cuộc cách mạng tiền điện tử đã mở rộng biên giới của công nghệ thanh toán kỹ thuật số và làm các ngân hàng trung ương đứng ngồi không yên. Từ lâu được coi là các tổ chức ít khi thực hiện sự thay đổi lớn, nhiều ngân hàng trung ương hiện đang bước vào cuộc đua kỹ thuật số. Đối mặt với nhu cầu suy giảm về các loại tiền giấy, nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tìm cách phát hành tiền ở dạng kỹ thuật số. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, và Thụy Điển đang thử nghiệm các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (central-bank digital currency - CBDC), về cơ bản chỉ là phiên bản kỹ thuật số của tiền giấy và tiền xu mà ngân hàng đó phát hành. Bahamas và Nigeria đã triển khai CBDC trên toàn quốc. Các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, và Nga đang trong quá trình bắt đầu thử nghiệm loại hình tiền tệ này.

Một số quốc gia coi CBDC là một cách để mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống tài chính chính thống — ngay cả những hộ gia đình không có tài khoản ngân hàng hoặc không có thẻ tín dụng cũng có thể tiếp cận hệ thống thanh toán kỹ thuật số một cách an toàn và rẻ. Các quốc gia khác thì đang theo đuổi CBDC để tăng hiệu quả và tính ổn định của hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Đồng E-krona của Thụy Điển đang được coi là một công cụ hỗ trợ trong trường hợp hệ thống thanh toán do các công ty thuộc khu vực tư nhân quản lý trục trặc vì các vấn đề kỹ thuật hoặc các vấn đề về niềm tin.

Quảng cáo


CBDC cũng có nhiều lợi thế khác. Những đồng tiền này giúp đưa ra ánh sáng một số hoạt động kinh tế và đưa vào lưới thuế (không giống như các giao dịch tiền mặt thường không được báo cáo cho cơ quan thuế), giảm việc làm tiền giả, và khó sử dụng tiền cho các mục đích bất hợp pháp như rửa tiền, buôn bán ma tuý, và tài trợ cho khủng bố. Nhưng những đồng tiền này đều để lại dấu vết trên không gian mạng. Các giao dịch sử dụng CBDC có thể được kiểm tra và truy xuất nguồn gốc, vì không ngân hàng trung ương nào muốn cho phép tiền của mình được sử dụng cho các giao dịch bất hợp pháp.

Thế giới tiền tệ sẽ như thế nào trong năm hoặc 10 năm nữa? Chúng ta có thể hình dung một thế giới nơi người ta có ví kỹ thuật số, kết hợp với tiền trong tài khoản ngân hàng truyền thống, stablecoin do các công ty tư nhân quản lý, và có thể là CBDC, đổi qua đổi lại tùy thuộc vào điều kiện toàn cầu. Tuy nhiên, không ai biết stablecoin và CBDC sẽ cùng tồn tại như thế nào.
moneycompetitions_4.png

Dù thế nào đi nữa, cuộc cách mạng tiền tệ kỹ thuật số sẽ có những tác động đối với hệ thống tiền tệ quốc tế. Lấy ví dụ các khoản thanh toán xuyên biên giới vốn dĩ rất phức tạp vì chúng liên quan đến nhiều loại tiền tệ, các giao thức công nghệ khác nhau, và các bộ quy định khác nhau làm cho thanh toán quốc tế chậm, tốn kém và khó theo dõi theo thời gian thực. Tiền điện tử, có thể được chia sẻ miễn phí xuyên biên giới, sẽ giảm bớt những trở ngại này, cho phép thanh toán gần như tức thời. Ngay cả CBDC cũng có thể giảm bớt những cản trở này nếu chúng được sử dụng trên toàn thế giới và được chấp nhận rộng rãi. Về nguyên tắc, vốn tài chính sẽ lưu thông dễ dàng hơn bên trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn, nâng cao phúc lợi kinh tế toàn cầu - ít nhất khi được đo bằng GDP và khả năng tiêu dùng. Nhưng dòng chảy vốn tài chính lưu thông dễ dàng hơn giữa các quốc gia cũng sẽ mang đến rủi ro cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhỏ và kém phát triển, khi họ khó kiểm soát tỷ giá hối đoái và nền kinh tế của mình. Họ sẽ mất đi quyền tự trị tiền tệ, qua đó không kiểm soát được việc lưu hành đồng tiền của nước mình. Hiện tượng “đô-la hóa” sẽ càng ngày gia tăng với sự phổ biến của tiền điện tử.

Nhưng sau cùng chúng ta cũng cần cần lưu ý rằng công nghệ có thể gây ra những hậu quả khó lường. Việc số hóa tiền tệ có thể khiến sức mạnh kinh tế thậm chí còn tập trung hơn. Nếu các đồng tiền chính như đồng đô-la, đồng euro và đồng nhân dân tệ phổ biến trên toàn thế giới ở dạng kỹ thuật số, chúng có thể thay thế tiền tệ của các quốc gia nhỏ hơn và có ít sức mạnh hơn. Các loại tiền kỹ thuật số do các tập đoàn lớn phát hành, tận dụng lợi thế của hệ sinh thái truyền thông xã hội hoặc thương mại của riêng họ, cũng có thể đạt được sức hút. Trừ khi chúng bị các chính phủ dẹp bỏ, một ngày nào đó chúng có thể trở thành những nơi độc lập lưu trữ giá trị. Điều này có thể tạo ra bất ổn tiền tệ hơn nữa nếu mỗi quốc gia có nhiều cơ quan, công ty, hay tổ chức phát hành tiền, và các đồng nội tệ này dao động về giá trị so với nhau.

Những gì chúng ta chắc chắn là hệ thống tiền tệ quốc tế đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi quan trọng từ cuộc cách mạng kỹ thuật số. Vẫn còn phải xem liệu điều này rốt cuộc có mang lại lợi ích cho nhân loại hay không - hay làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại trong mỗi nước và trên toàn cầu.
25 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Cầm về tiền tốt đừng có cầm về tiền tệ là được mod ạ 😁
@Hassler Cầm tiền tệ về đem rửa là dùng được a kaka :D
vunt
TÍCH CỰC
2 năm
Tiền méo nào cũng phải xuất phát từ sản xuất và lao động hết. Chỉ có mấy thằng tiền ảo tào lao là sinh ra từ thằng nó thích!
unwrittlaw
TÍCH CỰC
2 năm
@baohungle Muốn khai sáng ai thì hãy học cách viết cho đúng chính tả đi đã.
@unwrittlaw Vâng, xin mời sửa chính tả 😆)
unwrittlaw
TÍCH CỰC
2 năm
@baohungle Một thanh niên đa cấp muốn dạy đời 😂
tuxedo198x
TÍCH CỰC
2 năm
@vunt Đơn giản như này …chạy bộ ko trả tiền cho mình bọn tiền số nó trả , hoặc làm quảng cáo hay giải trí ko thích tiền mặt mà lấy tiền số vì tin vào lúc nào đó công ty nó bán gạo bằng tiền đấy mình có thể mua đc ăn đc sống được 😆
anfang
TÍCH CỰC
2 năm
Theo bài này nên cầm stablecoin hả mod, có bị xanh ko?
TTris
TÍCH CỰC
2 năm
Tương lai cũng mong số hóa tiền tệ để không phải cầm tiền giấy nữa, mọi giao dịch đều online hoặc cà thẻ thì nhanh tiện...
Nghe vậy chứ cũng rất xa, để đảm bảo thông suốt thì toàn thế giới, mọi ngõ ngách đều phải có internet...
@TTris Để chính phủ kiểm soát hết hả ông?
@This is a bad crisis ăn cắp ăn trộm à mà muốn giấu giếm ?
@Sliner Parker Ông chụp hình tất cả tin nhắn và cuộc gọi trong tuần qua của ông cho tui nha.
Cả các giao dịch ngân hàng, lịch sử duyệt web và lịch sử location cho tui.
Ông ghi cái danh sách tất cả mọi người ông gặp và nói chuyện trong tuần vừa qua cho tui.
Danh bạ và email, tài khoàn mạng xã hội và tài khoản iCloud hoặc Google cho tui.
Ông đâu ăn trộm hay làm gì sai trái đâu mà phải sợ, đúng ko?

Cái này nó gọi là "quyền riêng tư" đó bạn.
Li Gouqing là Lê Quốc Khánh à.
lehman1
ĐẠI BÀNG
2 năm
@D.lord lý Quốc Khánh
kidboyltt
ĐẠI BÀNG
2 năm
Tiền nó phải do quốc gia quy định và quản lý bác ạh
Nay ngày gì mà đi đâu cũng nghe lậm bàn về tièn và định chế tài chính vậy?
Góp ý mod xíu: bác nên đọc thêm về lịch sử và bản chất tiền tệ đi. Góc nhìn này trong bài cũng ok, nhưng kiến thức chưa có gốc nên không thông nhiều chỗ.
viettuan88
ĐẠI BÀNG
2 năm
nếu là quan điểm của bạn thì có nhiều điểm chưa ổn, nếu là dịch từ nguồn khác thì bạn nên ghi nguồn.
ncn_nguyen
TÍCH CỰC
2 năm
tưởng bài viết về tiền dầu vs tiền vàng chứ. Chủ đề này đang nóng
longts
ĐẠI BÀNG
2 năm
Bài này nguồn từ đâu vậy bạn?
tuxedo198x
TÍCH CỰC
2 năm
Tiền mặt truyền thống là vẫn ko mất đi , chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác ( tiền số )
hieneken
ĐẠI BÀNG
2 năm
Mình nghĩ rằng Tiền số thì không nên được tham chiếu sang tiền giấy truyền thống và không được chuyển đổi dễ dàng sang tiền mặt, lúc đó các biến động của tiền số không ảnh hưởng đến kinh tế.Đơn giản là không phải ai cũng muốn xài tiền số.
Dạ nhưng mà Bitcoin giờ toàn để đu đỉnh chứ ngoài mấy anh ở deepweb ra cũng chưa thấy xài thanh toán vì giá trị nó chao đảo quá

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019