Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ sáu, 22/4/2022, 06:00 (GMT+7)

Hiện trạng các dự án 'treo' 20 năm khu Tây Bắc TP HCM

Nhiều khu đô thị rộng hàng nghìn ha ở huyện Hóc Môn, Củ Chi, được hứa hẹn đầu tư, song nhiều năm không triển khai, ảnh hưởng hàng chục nghìn hộ dân.

Khu đô thị đại học quốc tế rộng 925 ha, vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Dự án được kỳ vọng đẩy nhanh hình thành tiến độ cho Khu đô thị Tây Bắc (quy mô 6.000 ha), tạo nên khu đô thị hiện đại với môi trường học tập, làm việc... đạt chuẩn quốc tế.

Toàn dự án chạy dọc quốc lộ 22, được cấp phép từ năm 2008, nhưng đến nay không thể giải phóng mặt bằng. Nhiều căn nhà mặt tiền trong dự án bị đập bỏ, di dời sau khi được chủ đầu tư bồi thường từ nhiều năm trước.

Cây cỏ mọc um tùm, các bức tường bám đầy rêu xanh khiến khu vực này trở nên hoang tàn.

Cạnh hàng nghìn ngôi nhà bị đập và bỏ hoang, một số hộ dân vẫn bám trụ trong khu quy hoạch treo.

Gia đình ông Dũng, 58 tuổi sống trong căn nhà bị xuống cấp, ẩm thấp, nứt tường nhưng không thể sữa chữa. "Mưa dột, thường xuyên bị ngập nên tôi xin phép xã nâng nền, sửa nhà nhiều lần nhưng không được, đành phải sống tạm bợ", ông Dũng nói.

Phòng khách của một ngôi nhà thành nơi nuôi gà. Nhiều dự án chậm trễ quá lâu, ảnh hưởng hơn 56.000 người dân, năm 2021 chính quyền TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho Khu đô thị Tây Bắc điều chỉnh giảm quy mô từ 6.000 ha xuống khoảng 4.400 ha để gỡ vướng cho người dân dọc quốc lộ 22 xây cất, sửa chữa nhà ở...

Khu đô thị làng đại học quốc tế Việt Nam nằm ở khu vực tiếp giáp giữa hai huyện Hóc Môn và Củ Chi. Đồ họa: Khánh Hoàng

Cách Khu đô thị làng đại học quốc tế Việt Nam chừng 30 km về phía Tây Bắc, dự án công viên Sài Gòn Safari khởi động từ năm 2004, vốn đầu tư 500 triệu USD cũng rơi vào tình trạng chưa hoàn thành. Dự án kéo dài nhiều năm do bị kết luận sai phạm và phải tìm nhà đầu tư mới.

Khu đất thuộc dự án công viên rộng 457 ha nằm trên 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Từng được kì vọng thành khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, khu đất dự án hiện là nơi chăn nuôi trâu, bò, trồng rau.

Cạnh đó, dự án Bàu Đưng phục vụ tái định cư cho dự án công viên Sài Gòn Safari, rộng gần 18 ha cho 443 hộ dân vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều máy cẩu, thiết bị phục vụ thi công công trình ngưng hoạt động từ lâu.

Ông Đoàn Văn Lanh, 62 tuổi, có gần 2,5 ha đất nằm trong dự án khu tái định cư đến nay vẫn chưa di dời do không đồng thuận về giá đền bù. Năm thành viên trong gia đình phải sống trong căn nhà xây thô, không được trát vữa, sơn tường gần 20 năm trước. Ông không thể sang nhượng, sữa chữa nhà vì nằm trong quy hoạch. "Gia đình tôi giờ di dời cũng không được mà ở lại cũng không xong", ông Lanh nói.

Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Công viên Sài Gòn Safari, xã An Nhơn Tây - xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.

Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị thu hút đầu tư vào Củ Chi, Hóc Môn. Có 39 biên bản ghi nhớ thoả thuận đầu tư với tổng số vốn gần 17 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng) được doanh nghiệp cam kết đầu tư vào huyện này. Trong đó, một số dự án "treo" lâu năm như công viên Sài Gòn Safari, Khu đô thị đại học quốc tế... cũng được doanh nghiệp cam kết rót vốn.

Tuy nhiên, để thay đổi được bộ mặt cửa ngõ Tây Bắc TP HCM, nhà đầu tư cũng đề nghị chính quyền thành phố phải đồng hành, trong đó quan trọng nhất là sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, giao thông để đi lại tiện.

Quỳnh Trần - Đình Văn