Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 23/4/2022, 04:00 (GMT+7)

Ruộng lúa, hồ cá bị đất dự án vùi lấp

Quảng TrịĐất, cát từ các trụ điện gió trôi xuống vùi lấp ruộng lúa, hồ cá của người dân Vân Kiều ở Khe Sanh, gây nguy cơ thiếu ăn.

Sau trận mưa đầu tháng 4, nhiều hộ dân ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, có ruộng lúa, hồ cá bị đất cát từ các trụ turbine gió trôi xuống, vùi lấp.

Thị trấn Khe Sanh có địa hình đồi núi. Người dân tận dụng các khoảng ruộng nhỏ dưới chân đồi để gieo cấy. Các trụ điện gió đều nằm phía trên đồi cao.

Anh Hồ Văn Dung, 35 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh, cho biết có 4 ô ruộng, với diện tích khoảng 1.000 m2, bị đất cát từ trụ điện trôi về vùi lấp khiến mất trắng.

Cạnh mảnh ruộng nhà anh Dung, ruộng của hai hộ dân khác cũng bị bùn đất trôi vào. Trong đó, mảnh phía dưới bị bùn cát phủ lấp hoàn toàn.

Lúa còn khoảng một tháng nữa sẽ thu hoạch. "Mỗi năm hai vụ, cho thu hoạch hai tấn giúp gia đình 4 người đủ ăn quanh năm, nhưng nay mất trắng", anh Dung nói.

Đây là lần thứ ba ruộng lúa của anh Dung bị vùi lấp. Hai lần trước, anh kiến nghị, công ty điện gió về đo đạc nhưng chưa đền bù. Trước vụ đông xuân 2022, gia đình anh Dung bỏ tiền thuê máy múc cải tạo lại ruộng đất, hy vọng một vụ bội thu để có cái ăn.

"Vì trước đến nay toàn ăn lúa nhà, nay thiệt hại gia đình phải bỏ tiền mua gạo, ảnh hưởng đến đời sống rất lớn", anh Dung nói.

Bãi thải sau khi thi công dự án điện gió được san gạt về các sườn đồi. Hiện trường cho thấy không có dấu hiệu của việc làm đê kè, trồng cây nhằm hạn chế sạt lở. Nước mưa chảy thành rãnh lớn, cuốn đất cát trôi về ruộng lúa người dân phía dưới.

Để hạn chế thiệt hại, người dân dùng cọc tre đóng thành đập chắn nhỏ để ngăn bùn đất tràn vào ruộng. Tuy nhiên, nhiều gốc lúa vẫn ngập bùn, năng suất giảm 70-80%.

"Nước từ trên điện gió về, lấp hết nên giờ mất trắng", bà Đinh Thị Nhàn, 51 tuổi, cho hay. Trước vụ đông xuân 2022, bà cũng phải thuê máy múc 4 triệu đồng để cải tạo ruộng lúa do bị sạt lở tương tự. Mảnh ruộng này mỗi năm cho 1,2 tấn lúa, giúp gia đình 5 người đủ ăn quanh năm.

"Gia đình chỉ trông vào cây lúa thôi, giờ rất lo thiếu đói", bà Nhàn nói.

Các mảnh ruộng bị bùi lấp đất cát 20-40 cm. Năm 2021 có hai đợt sạt lở, nhiều người dân không đủ sức cải tạo ruộng bằng thủ công, không có tiền thuê máy múc nên đành để ruộng bỏ hoang.

Đất cát cũng chảy về các con suối, nơi người dân lấy nước cho ruộng lúa, hồ cá, vùi lấp dòng chảy. Một người dân dùng xẻng khơi thông dòng nước để cát không theo đường ống chảy vào hồ cá.

Cát theo đường ống chảy từ suối về lấp hết 1/3 hồ cá của anh Hồ Văn Cuông. Anh Cuông thả 400 con cá trắm. Hai năm qua, hồ bị bồi lấp nên cá chết một số, anh phải bán sớm để giảm thiệt hại.

"Tôi canh tác ruộng lúa, nuôi cá ở đây 10 năm rồi nhưng chưa khi nào bị đất cát vùi lấp như này", anh Cuông nói.

Thống kê ban đầu, 21 hộ dân có ruộng lúa, hồ cá bị bồi lấp từ dự án điện gió Amaccao. Không đủ tài chính cải tạo ruộng lúa, người dân đành bỏ hoang mảnh ruộng của gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch thị trấn Khe Sanh, thừa nhận một phần ruộng lúa bị bồi lấp do sạt lở từ dự án điện gió Amaccao, sự việc xảy ra từ năm 2021 đến nay. Thị trấn đang thống kê, đề nghị chủ dự án Amaccao hỗ trợ người dân, song không nhận được hợp tác.

"Trước mỗi đợt mưa lũ, huyện đều chỉ đạo phòng chống, gia cố các điểm nguy cơ sạt lở. Thị trấn cũng nhắc nhở nhưng chủ đầu tư dự án không triển khai thì thị trấn cũng không có thẩm quyền xử lý", ông Hữu nói.

Ruộng lúa bị vùi lấp do dự án điện gió
 
 

Ruộng lúa bị vùi lấp vì dự án điện gió. Video: Táo Hoàng

Hoàng Táo