Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


kWh điện là gì? Cách tính công suất tiêu thụ và đổi mAh ra Wh

Nam Air
17/4/2022 14:9Phản hồi: 59
kWh điện là gì? Cách tính công suất tiêu thụ và đổi mAh ra Wh
Lần trước chúng ta đã ôn tập sơ sơ về dòng điện AC và DC rồi, hôm nay chúng ta sẽ cùng ôn lại về kWh, Wh, mAh và cách tính công suất tiêu thụ của thiết bị điện.

Wh, kWh là gì?

kWh là kilowatt giờ, là đơn vị của năng lượng, 1kWh = 1000Wh (tương đương 3,6 megajoule trong hệ SI).


kWh là đơn vị tính mà chúng ta thường thấy nhất trong hóa đơn tiền điện, nó phản ánh số điện chúng ta đã xài mỗi tháng và giá tiền phải trả.

Tinhte-dien-tieu-thu-thang-3.jpg
Ví dụ 1: tháng 4 nhà ông C xài 314 kWh điện, tổng số tiền phải trả là 728.201đ tương ứng với bình quân mỗi 1kWh là 2.319đ


Để cho dễ hình dung, anh em có thể nhìn vào chỉ số công suất tiêu thụ của thiết bị điện để biết được nó tiêu tốn điện năng như thế nào.

Ví dụ 2: cái bóng đèn có công suất tiêu thụ là 50W, nghĩa là nếu bật sáng liên tục 1h thì nó sẽ tiêu thụ 50Wh, tương ứng với 20h bật sáng liên tục sẽ tiêu thụ hết 1kWh (hết 2.319đ tiền điện).
tinhte-bong-den-50w.jpeg

Trên thực tế, công thức tính công suất tiêu thụ của thiết bị điện xoay chiều AC sẽ có thêm 1 biến số nữa đó là cos phi (cosφ), lúc này chúng ta sẽ gọi là công suất hiệu dụng.

Có thể hiểu nôm na cosφ là hiệu suất của mạch điện với giá trị 100% là cao nhất, mỗi thiết bị điện sẽ có hiệu suất tiêu thụ điện khác nhau, vì vậy cosφ sẽ biến thiên chứ không cố định 1 con số cụ thể.

Nó na ná như việc anh em chạy xe, nhìn đồng hồ thấy 60km/h nhưng đó chỉ là tốc độ tức thời, chứ không phải chắc chắn rằng mỗi 1h anh em sẽ đi được 60km.

Công thức tính P

Như vậy chúng ta có công suất hiệu dụng là: P = U.I.cosφ


[​IMG]

Quảng cáo



Ví dụ 3: Trong thông báo này chúng ta có Công suất hiệu dụng P = 2409,82W ; U = 212,52V và I = 11,95A
  • cosφ = 2409,82 / (212,52 x 11,95) = 94,89% (xấp xỉ 95%)
Như vậy có thể hiểu rằng giả sử hệ thống điện này có U, I và cosφ kể trên không đổi thì cứ 1h đồng hồ, nó sẽ tiêu thụ 2,4kWh điện.

Ah và mAh là gì, cách đổi mAh ra Wh?

  • Ah là ampe giờ, là đơn vị tính dung lượng của pin, 1Ah = 1.000mAh
Ví dụ 4: Dung lượng của 1 viên pin AAA là 1.000mAh, nghĩa là nó có thể cung cấp dòng điện cường độ 1A (1.000mA) trong vòng 1 giờ, hoặc dòng điện 500mA trong vòng 2 giờ.

Một đại lượng khác luôn luôn đi cùng với pin đó là hiệu điện thế U, ví dụ phổ biến của pin AA/AAA là 1,5V còn pin điện thoại là 3,7V và pin sạc di động là 5V.

tinhte-pin-laptop.jpg

Để chuyển đổi từ mAh ra Wh, chúng ta có công thức:

  • Wh = (mAh x U) / 1000
Ví dụ 5: 1.000 x 1,5 / 1000 => viên pin AAA có dung lượng là 1,5Wh

Quảng cáo


Dung lượng 1,5Wh này thì anh em có thể hiểu là sạc đầy cho cục pin 1000/1,5 = 667 lần thì sẽ hết 1kWh điện, hoặc ghép 1000 viên pin AAA lại với nhau thì nó tương đương với 1,5kWh.

Tinhte-pin-iphone-13-pro.jpg

Tương tự, viên pin của iPhone 13 Pro có dung lượng là 2.815mAh (10,78Wh), ta có:
  • 10,78Wh = (2815mAh x 3,83V) / 1.000
Viên pin này có hiệu điện thế tối đa U = 3,83V khi sạc đầy.

Cần lưu ý là hiệu điện thế của viên pin sẽ khác với hiệu điện thế dùng để sạc cho nó, ví dụ trên cục sạc ghi là 5V/2A thì 5V là điện thế đầu ra của cục sạc, khác với điện thế của cục pin cấp cho điện thoại là 3,83 volt.
59 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

hongphuc9x
TÍCH CỰC
2 năm
Kiến thức vật lý
Ai rồi cũng Wh
Thầy giáo ôn vật lý chuẩn bị thi TN đây à ?
Ghép 1000 viên AAA thì được 1.5 KWh mod đẹp trai ơi
@tibeo Chết thật, đã xử lý thằng đánh máy đã nha bác.
Cô Thảo dạy sinh, thầy Nam dạy lý 😄
Ví dụ trên ổn áp Lioa nó ghi thông số là 5KVA, có nghĩa là tổng công suất mình sử dụng trong 1 thời điểm không quá 5000Wh phải không anh em?
Tức là 1KVA = 1000Wh.
@Long.phạm1 3 pha ko cân bằng mà không có thông số cosphi nữa thì bác xài công tơ điện cho đơn giản và chính xác.
the beo93
TÍCH CỰC
2 năm
@HoLyNightKing Thực ra ý của bác đúng nhưng chưa đủ.
- Bản chất các thiết bị cảm kháng ( động cơ không đồng bộ) đều tiêu thụ công suất P và Q. Công suất P sẽ biến điện năng thành cơ năng có ích còn công suất Q sẽ từ hoá mạch từ.
- Sẽ có 2 trường hợp sau:
+ Nhà máy điện sẽ tạo ra Q ( bằng cách tăng dòng kích từ máy phát) và truyền tải tới nơi tiêu thụ . Việc truyền tải cả P và Q làm quá tải lưới điện buộc điện lực phải cải tạo lưới điện. Và nơi tiêu thụ buộc phải trả tiền mua Q.
+ Phương án 2 là lắp đặt các trạm tụ bù như vậy là nhà máy điện chỉ cần truyền tải P thôi không cần truyền tải Q nữa giảm tải cho hệ thống điện.
Long.phạm1
ĐẠI BÀNG
2 năm
@the beo93 Nếu lắp công tơ thì phải lắp nhiều nên chi phí cao. Trường hợp này m chỉ cần con số có thể thuyết phục đc bên kế toán. Hơn nữa m cũng có đi hỏi một số a làm trước cũng k có cách tính nào khả thi hơn cả
the beo93
TÍCH CỰC
2 năm
@Long.phạm1 Tóm lại cosphi của nhà máy bạn thấp thì phải có hệ thống bù ( Cái này khi xây dựng chắc chắn bên thiết kế có). Mình làm trước nay không có hệ thống nhà xưởng động lực nào không thiết kế tụ bù cả
giá điện tính theo lũy tiến mà.
@JerryKist Dạ đúng rồi bác, mình nói bình quân cho dễ hình dung mà.
mtryha11
ĐẠI BÀNG
2 năm
"Trên thực tế, công thức tính công suất tiêu thụ của thiết bị điện xoay chiều AC sẽ có thêm 1 biến số nữa đó là cos phi (cosφ), lúc này chúng ta sẽ gọi là công suất hiệu dụng.

Có thể hiểu nôm na cosφ là hiệu suất của mạch điện với giá trị 100% là cao nhất, mỗi thiết bị điện sẽ có hiệu suất tiêu thụ điện khác nhau, vì vậy cosφ sẽ biến thiên chứ không cố định 1 con số cụ thể.

Nó na ná như việc anh em chạy xe, nhìn đồng hồ thấy 60km/h nhưng đó chỉ là tốc độ tức thời, chứ không phải chắc chắn rằng mỗi 1h anh em sẽ đi được 60km."
-------------------------------------------------
Bạn Mod nên xem lại phần này chưa chính xác nhé, bạn đang hiểu sai khái niệm về cosphi rồi.
Với mỗi thiết bị, hệ số cosphi là cố định, cosphi biểu thị cho giá trị góc lệch giữa công suất tác dụng và công suất biểu kiến. Cosphi do thực tế khi thiết bị hoạt động ngoài công suất tác dụng còn có công suất phản kháng nữa.
Nên:
Đối với các tải không tồn tại công suất phản kháng như (bóng đèn sợi đốt, điện trở v.v... đại loại là tải thuần trở) thì hệ số cosphi đó luôn bằng 1 và LƯỢNG ĐIỆN TIÊU THỤ CỦA THIẾT BỊ ĐÓ vẫn không đổi.
Đối với các tải không thuần trở (chứa dung khác hay cảm kháng) thì mới xuất hiện cosphi và tổng của tất cả các thiết bị trong nhà khác mới tạo thành hệ số cosphi ngay điểm đo đếm (đại loại là công tơ điện lực) mà bạn đọc được.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Nó khác xa với khái niệm tốc độ tức thời hay trung bình hay bình quân .... đại loại mà bạn @Nam Air đang đề cập
Thân
@mtryha11 Dạ bác, thanks bác đã góp ý làm rõ. Ý mình là cos phi của món A khác của món B đó bác.
trungsg
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Nam Air @mtryha11 nói đúng, bản chất 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, nên mình thấy kg nên ví dụ như vậy.
noMacLe
CAO CẤP
2 năm
"Ví dụ 4" mod diễn giải vậy cho dễ hình dung thôi, thực tế không đúng như vậy. Hehe.
Tùy thuộc cấu tạo, mỗi loại pin sẽ khác nhau, tuy nhiên nếu cùng 1 cục pin xả với dòng 1000mA được 1 giờ, thì xả với dòng 500mA sẽ được hơn 2 giờ (không tuyến tính).
@noMacLe Cám ơn bác đã góp ý.
jerryno6
ĐẠI BÀNG
2 năm
Cám ơn thớt đã ôn lại lý thuyết vật lý giúp anh em. Mình thấy nếu được nên nói thêm 1 ví dụ về pin sạc dự phòng, cái mà ngừoi ta hay mua và hay xài nhất, và cũng là vì nó dính tới việc có được đem lên máy bay hay không ? Còn điện thoại thì hầu như chắc chắn là sẽ mang lên máy bay được.
@jerryno6 Đem lên máy bay thì tuỳ hãng, tuỳ thời điểm nữa bác. Có hãng cho đem 20,000mah mà có hãng giới hạn 10,000mah.
mushu
TÍCH CỰC
2 năm
@Nam Air Cái này có quy định của tổ chức hàng không thế giới. Nó tính theo năng lượng pin trữ được (Wh) nên khi quy đổi nó hơi khác nhau chút. https://www.iata.org/contentassets/6fea26dd84d24b26a7a1fd5788561d6e/passenger-lithium-battery.pdf
Hay
@MiinTran Có lần xem quảng cáo pin lithium 18650 lên đến 12500 mah , thông thường chỉ khoảng 2000 đến 3000 mah
Thấy lạ sao pin mạnh quá , nhìn kỷ lại là 12500 mwh 😄
"Có thể hiểu nôm na cosφ là hiệu suất của mạch điện với giá trị 100% là cao nhất, mỗi thiết bị điện sẽ có hiệu suất tiêu thụ điện khác nhau, vì vậy cosφ sẽ biến thiên chứ không cố định 1 con số cụ thể."

Câu này hiểu vậy là sai rồi mod ơi. cosφ là độ lệch pha giữa dòng điện và điện áp. Nói cho dễ hiểu là như vầy: trong mạng điện xoay chiều, ta luôn lấy điện áp làm gốc, nếu cosφ của tải khác 1 nghĩa là dòng điện qua tải nhanh pha hoặc chậm pha so với điện áp. Khí đó dòng điện qua tải sẽ phải lớn hơn so với dòng điện lúc cosφ bằng 1. Tuy nhiên công suất cảu tải vẫn không thay đổi nhé.

lấy ví dụ bạn có cái quạt điện áp danh địch là 220V, công suất là 220W nhưng quạt là tải cảm nên khi hoạt động, cosφ của nó là 0.8. Như vậy ta có thể tính được dòng điện vào quạt theo công thức P=UIcosφ => I = 220/(220*0.8) = 1.25A. Nếu bạn xài cái quạt này 10 tiếng thì năng lượng điện tiêu thụ sẽ là 220*10 = 2.2kWh điện.

Như vậy cosφ (hệ số công suất) không phải hiệu suất của thiết bị, đó là hai đại lượng khác nhau. cosφ không ảnh hưởng đến công suất của thiết bị. cosφ chỉ làm dòng điện vào thiết bị tăng lên từ đó làm thất thoạt nhiều hơn trong quá trình tuyền tải điện năng từ nhà máy đến thiết bị tiêu thụ điện.
@HoLyNightKing Cám ơn bác đã góp ý.
Phatqwerty
ĐẠI BÀNG
2 năm
Hay , cảm ơn bác
tethien
CAO CẤP
2 năm
Điện áp pin Li-ion không cố định mod @NamAir nhé. Nó thay đổi từ khoảng 4.2v (đầy) đến 3.2v (cạn).
Điện áp 3.7v là điện áp danh nghĩa của pin thôi.
@tethien Dạ đúng rồi bác.
Thời buổi vật giá leo thang, render thủ, điện thủ cũng xuất hiện theo. Render video mà phải ngồi canh từng W điện. Cảm ơn bài viết bổ ích của mod, giờ thì mình tha hồ render video rồi 😍
Long.phạm1
ĐẠI BÀNG
2 năm
hỏi ngu sao lại 3,83 v mà k phải là 3,5- 3,7
và để sạc đầy viên pin 13pro cần bao nhiêu w điện
benngo
ĐẠI BÀNG
2 năm
Nam Air viết bài rất công phu nhưng phần lớn các ví dụ để minh hoạ lại không thể hiện đúng ý nghĩa của bài, ngay cả trong bài viết về hộp số tự động nhiều cấp mà Nam Air lấy ví dụ giống như chạy tiếp sức cùng cự ly mà 1 đội có 4 người so với 1 đội có 2 người để so sánh hộp số có nhiều cấp độ khác nhau. Hai sự việc này ở hai phạm trù không liên quan đến nhau nên không thể so sánh như thế được.
@benngo Nó chỉ là 1 cách so sánh cho dễ hiểu thôi bác.
Giả sử vòng tua của xe là 0 - 6000rpm, có 6 cấp số thì trung bình mỗi cấp sẽ "đảm nhiệm" trong khoản 1000, ví dụ số 1 từ 0 - 1000, số 2 từ 2 - 2000rmp... Thì với 10 cấp số nó sẽ chia ra nhỏ hơn, mỗi cấp số "đảm nhiệm" 600rpm -> chuyển số mượt hơn, êm hơn, ít hao xăng hơn.
Dĩ nhiên đây chỉ là 1 cách ví dụ để dễ hình tượng thôi.
benngo
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Nam Air Trong bài kia bạn lấy ví dụ chạy tiếp sức cùng cự ly của 4 người và 2 người, bạn cho rằng nó giống như các cấp độ số của hộp số tự động. Hai việc này hoàn toàn khác nhau, nếu để so sánh sự bứt tốc thì hộp số có ít số hơn sẽ bứt tốc nhanh hơn, vậy thì theo cách của bạn là 2 người tiếp sức sẽ về đích nhanh hơn là 4 người tiếp sức đấy. Còn về sự đảm nhiệm của từng cấp số bạn đưa ví dụ ở trên cũng sai tiếp vì rằng mỗi cấp độ số sẽ phù hợp với tốc độ của xe đang vận hành chứ không phụ thuộc vào vòng tua của động cơ rpm. Ví dụ với số 1 sẽ đảm nhiệm đến tốc độ đến 15km/h, với số 2 có thể đảm nhiệm đến 25km/h nhưng lại phụ thuộc vào cả tình trạng vận hành là bạn chạy êm ái, đi chậm trong thành phố hay là hộc tốc đi nhanh kiểu sport hoặc trên đường cao tốc mà máy tính tự đưa ra lệnh chuyển số sao cho tối ưu nhất, bạn có thể thấy khi chạy ở vận tốc 60-70km/h nếu đang ở số 7, 8 thì đồng hồ báo vòng tua máy sẽ chỉ vào khoảng 1500rpm. Mình vẫn thích đọc các bài của Nam Air vì bài chuẩn bị công phu, nhiều thông tin, chỉ là góp ý thêm để bài của bạn được hoàn thiện hơn mà thôi, không có ý chê bai gì đâu nhé.
NightBass
ĐẠI BÀNG
2 năm
Giải thích dễ hiểu

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019