Thứ năm, 28/3/2024
Thứ hai, 25/4/2022, 17:03 (GMT+7)

Những công viên 'treo' ở Hà Nội

Dự án công viên Kim Quy, công viên thể thao cây xanh Hà Đông hay tổ hợp vui chơi giải trí Hello Kitty sau nhiều năm khởi công vẫn chưa thành hình, gây lãng phí đất.

Công viên Kim Quy là dự án công viên lớn bậc nhất thủ đô, nằm ở phía bắc, trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Dự án quy mô hơn 100 ha, tổng vốn khoảng 4.600 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2016 và cam kết cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1, nhưng đến nay vẫn là khu đất trống.

Tại phiên giải trình về đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn sáng 25/4, đại biểu Duy Hoàng Dương chất vấn lãnh đạo TP Hà Nội: Công viên Helo Kitty và Kim Quy là hai dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tại hội nghị đầu tư phát triển của thành phố tháng 6/2021, các chủ đầu tư kiến nghị được triển khai dự án, mong muốn UBND thành phố tạo điều kiện về thủ tục hành chính cũng như các công tác khác, nhưng đến nay cả hai đều chưa được đưa vào sử dụng. Đây là sự lãng phí về nguồn lực đất đai cũng như gây bức xúc cho nhân dân.

Phần tường bao quanh dự án treo những tấm pano khổ lớn về các khu vui chơi sẽ được xây dựng.

Lý giải về sự chậm tiến độ của dự án, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh nói: "Công viên Kim Quy hiện không vướng gì về quy hoạch mà chủ yếu về vấn đề giải phóng mặt bằng".

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, dự án công viên Kim Quy đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, có quyết định giao đất, diện tích bàn giao giải phóng mặt bằng là 988.000 m2/hơn một triệu m2, phần còn lại hiện huyện Đông Anh đang làm. Chủ đầu tư phải tổ chức triển khai theo quy hoạch và phần đã được thành phố điều chỉnh quy hoạch.

Trên thiết kế, Công viên Kim Quy được pha trộn giữa nét văn hóa của Cổ Loa với mô hình công viên giải trí hiện đại của Universal Studio. Hiện bên trong không có hoạt động xây dựng nào, khoảng đất rộng lớn này mới xuất hiện vài hồ nước và con đường bê tông hình cánh cung.

Tháng 5/2019, Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi được công bố xây dựng, diện tích gần 30.000 m2, nằm ở địa chỉ 151-153 Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh, Helo kitty cũng đã xong quy hoạch, phê duyệt từ năm 2018 với 8 tầng, mật độ xây dựng 80%. Ở đây vướng chủ yếu về giải phóng mặt bằng và được giao cho chủ đầu tư vì có một phần đất công.

Khu công viên nằm ở địa thế đẹp gần Hồ Tây, Hồ Gươm và các khách sạn lớn.

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, dự án Helo Kitty đã được UBND TP Hà Nội có quyết định chủ trương đầu tư năm 2018, dự kiến hoàn thành dự án năm 2020. Thành phố có quyết định thu hồi hơn 2.600 m2 thuộc Tổng công ty Du lịch để giao Sở Tài nguyên và Môi trường đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi hoàn thành thủ tục đất đai, chủ đầu tư tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và triển khai dự án.

Khu công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông được tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng từ năm 2008, có diện tích 96,7 ha. Sau khi sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, UBND thành phố giao cho quận Hà Đông triển khai dự án. Do không có nguồn vốn, dự án bị đình trệ.

Phần cổng vào dự án được chắn bằng hàng rào tạm bợ cho một làn ôtô ra vào, làn bên cạnh chỉ vừa xe máy.

Phần đất trong công viên mọc lên nhiều nhà hàng, kho bãi, nhà xưởng,.. lợp tôn san sát nhau.

Theo quy hoạch, khu công viên cây xanh gồm các hạng mục chính: Cổng vào, cây xanh công cộng, hồ điều hòa, mương tiêu kết hợp cảnh quan, đường giao thông, đường dạo, khu chợ sinh vật cảnh, chợ tiểu thủ công nghiệp, sân tập golf… được khai thác theo loại hình công viên mở, không xây hàng rào ngăn cách. Hơn 70% diện tích đất ở khu công viên và khu cây xanh sẽ được trồng phủ cây bóng mát các loại như: Sao đen, lát hoa, giáng hương, sấu... Đường dạo ven hồ điều hòa trồng hàng cây liễu đuôi chồn, tạo bóng mát và cảnh quan.

Để tránh tình trạng đất bỏ hoang gây lãng phí, năm 2015, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi đất, chỉ đạo UBND quận Hà Đông hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổ chức quản lý, sử dụng khai thác tạm khu đất. Các công trình được khai thác tạm gồm sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh…

Con đường lớn chưa được đặt tên là trục xương sống chạy giữa công viên xuất hiện nhiều tấm biển quảng cáo lớn hướng vào các nhà hàng, bãi đỗ rửa xe...

Một chiếc cổng khác được chặn bằng lan can sắt và cấu kiện bê tông nhưng một phần bị phá bỏ để xe máy lưu thông.

Tại phiên giải trình sáng 25/4, nhiều đại biểu HĐND thành phố hy vọng, sau khi chỉ rõ vướng mắc, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa công trình vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cũng như tạo không gian xanh cho người dân.

Ngọc Thành - Võ Hải