Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 21/4/2022, 05:00 (GMT+7)

Đoạn kè bờ sông Tiền ba lần sạt lở

Đồng ThápDự án kè sông Tiền tổng vốn đầu tư 109 tỷ đồng, thuộc xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, đã ba lần sạt lở ảnh hưởng cuộc sống nhiều hộ dân.

Công trình đoạn kè sông Tiền dài 850 m, xây gần khu vực chợ Bình Thành, khởi công năm 2016, hoàn thành năm 2020, với mục tiêu bảo vệ khoảng 250 hộ dân, quốc lộ 30 khỏi sạt lở.

Tuy nhiên, năm 2019 khi đang xây dựng, 40 m của dự án sụp xuống sông. Đơn vị thi công cùng các đơn vị thiết kế, quản lý, giám sát phải bỏ ra 7 tỷ đồng để khắc phục. Sau sự cố, tỉnh Đồng Tháp chi gần 19 tỷ để lấp hố xoáy mới phát sinh, công trình vẫn do Công ty cổ phần Nhân Bình thi công.

Lần sạt lở thứ hai dài gần 60 m, vào đầu năm 2021.

Kè cách chợ Bình Thành và quốc lộ 30 chừng 20 m. Nguyên nhân sự cố là đoạn sông này có địa hình phức tạp khi uốn cong, mặt cắt co hẹp, địa chất mềm yếu và biến động thời tiết tác động đến quá trình thi công.

Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, do công tác thiết kế chưa có giải pháp phù hợp, đơn vị tư vấn thiết kế không tính toán lún. Công tác giám sát chưa tốt để đơn vị thi công thả bao tải cát lấp hố xoáy không đảm bảo như thiết kế.

Lần sạt lở gần đây nhất xảy ra đầu tháng 4, cùng vị trí với lần sạt lở thứ hai.

Kè được thiết kế cao 4,5 m, vật liệu dầm bêtông cốt thép. Hố xoáy dưới chân kè được lấp bằng bao tải cát, chân kè thảm đá gia cố.

Sau khi kè bị sạt lở, đơn vị thi công đã tập kết vật liệu để sửa chữa, song đến hôm 19/4, công trường vẫn chưa khởi động. Cả hai gói thầu khẩn cấp khắc phục sạt lở và xây dựng kè đều được Công ty cổ phần Nhân Bình trúng thầu lần lượt là 53 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Việc kè liên tục sạt lở ảnh hưởng đời sống người dân xung quanh. Anh Nguyễn Văn Hậu, kể sự cố xảy ra sụt lún lần ba xảy ra vào buổi trưa, lúc đó đa phần thanh niên đi làm, chỉ có người già và trẻ con ở nhà. "Tưởng có kè là an toàn rồi, không ngờ giờ càng nguy hiểm hơn", anh Hậu nói trong lúc dẫn đứa con trai gần 3 tuổi đi tập bơi.

Lúc trước người già thường đi thể dục, trẻ em đá bóng trên bờ kè, nay hoang phế với dãy cọc sắt, cát đá lổm chổm. Người dân vẫn ra kè mỗi buổi chiều nhưng không biết khi nào sụt lún được khắc phục, sự cố có còn lặp lại.

Anh Lê Quốc Tuấn, xây nhà mới khi kè hoàn thành, kinh phí hơn 500 triệu đồng. Hiện kè sụp lún, phần hàng rào trước nhà nguy cơ bị cuốn trôi, anh phải chằng néo tạm vào gốc xoài chờ đến ngày kè khắc phục.

Bà Nguyễn Thị Sàn, 66 tuổi, vất vả xuống các bậc thang tạm bằng gạch lát bờ kè. Không còn đường đi người dân bắc tạm lối lên xuống song khá chênh vênh. Một vài ngày họ phải thêm gạch khi kè tiếp tục lún, bậc lên xuống không đảm bảo an toàn.

Tiếp giáp với bờ kè, một số nhà dân bị toác làm đôi do sạt lở.

Căn nhà một hộ dân đã di dời do nằm trong vành đai sạt lở (cách bờ kè khoảng 100 m). Chủ nhà luyến tiếc chốn cũ thường xuyên ra trở ra thăm.

Ngọc Tài