Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ bảy, 7/5/2022, 09:09 (GMT+7)

Thị trấn ngầm dưới lòng hoang mạc

AustraliaPhần lớn người dân thị trấn Coober Pedy sống dưới lòng đất để tránh khí hậu khắc nghiệt và nắng nóng ở vùng hoang mạc.

Thị trấn Coober Pedy nằm ở bang Nam Australia, cách thành phố Adelaide khoảng 846 km về phía bắc. Nơi đây còn có tên là thủ phủ đá mắt mèo thế giới vì khoảng 70% lượng khoáng vật này được khai thác ở đây.

Trong ảnh là nhà thờ Chính thống giáo Serbia được xây dựng trong lòng đất ở thị trấn Coober Pedy. Công trình do người Serbia xây năm 1993, khi họ tới đây định cư để làm thợ khai thác đá mắt mèo.

Cửa sổ kính màu đón ánh sáng tự nhiên ở lối ra vào nhà thờ.

Khoảng 150 triệu năm trước, đại dương bảo phủ khu vực Coober Pedy. Khi nước biển rút đi, biến đổi khí hậu khiến mực nước ngầm hạ thấp. Silica lắng đọng trong các hang và khe nứt gãy dưới lòng đất, hình thành đá mắt mèo sau hàng triệu năm.

Một ngôi nhà khoét vào lớp đá dưới sa mạc của người dân thị trấn Coober Pedy.

Khu vực này ban đầu được đặt tên là Ruộng đá mắt mèo dãy Stuart, lấy theo tên của John McDouall Stuart, nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đặt chân tới đây năm 1858.

Năm 1920, khu vực phải đổi tên để lập bưu cục, cái tên Dãy Stuart không phù hợp do gần giống với Dãy Stewart ở bang Washington nước Mỹ. Những người thợ khai thác đá đã chọn tên mới là Coober Pedy, thuật ngữ theo tiếng thổ dân nghĩa là "Người da trắng trong hố".

Đá mắt mèo ẩn trong lớp đá dưới lòng đất.

Có hàng trăm mỏ khai thác đá mắt mèo đang hoạt động ở Coober Pedy và ước tính có vài trăm nghìn hầm mỏ rải rác quanh khu vực sau một thế kỷ khai thác.

Thợ mỏ thường khoan sâu xuống lòng đất theo phương thẳng đứng, trước khi đào theo phương ngang sang các phía để tìm kiếm đá mắt mèo. Họ dùng máy hút đất đá lên bề mặt, tạo ra những gò đất khổng lồ rải rác quanh thị trấn.

Đất đá từ các mỏ khai thác tạo thành những đống lớn hình kim tự tháp khắp thị trấn.

Coober Pedy là một trong những nơi có môi trường khắc nghiệt và hẻo lánh nhất Australia, theo Stephen Staines, ủy viên hội đồng thị trấn. Nhiệt độ mùa hè trung bình ở đây là 38 độ C, thường xuyên lên tới 43 độ C. Thảm thực vật thưa thớt, thời tiết khô hạn.

Cửa hàng sách duy nhất trong thị trấn được đào dưới lòng đất.

Giống nhiều người tìm đá quý, Kenneth Helfand, một nhà khai thác mỏ, cho hay lợi nhuận lớn giúp ông duy trì công việc khai thác đá mắt mèo suốt 5 thập kỷ qua.

"Có những viên đá ở đây giá tới 10.000-20.000 USD một ounce (28,3 g). Sau khi cắt và đánh bóng, giá trị của nó sẽ tăng gấp 10 lần", Helfand, công dân Mỹ bắt đầu khai thác đá ở đây từ đầu những năm 1970 cho hay.

"Công việc đem lại cho tôi sự tự do và đó là lý do khiến tôi tiếp tục khai thác".

Người dân chơi golf trên thảm vì vùng hoang mạc này gần như không có cỏ.

Coober Pedy có dân số khoảng 2.000 người, trong đó hơn một nửa sống dưới lòng đất để tránh cái nóng khắc nghiệt của hoang mạc.

Trong ảnh là một ngôi nhà được khoét dưới lòng đất, với bàn được tận dụng từ vách đá và các vật dụng khác đều được tối giản.

Bảo tàng dưới lòng đất giúp khách tham quan trải nghiệm cuộc sống của thợ mỏ.

Một số công trình tận dụng những mỏ khai thác cũ, một số khác được khoét sâu hơn vào vách đá. Nhiệt độ trung bình trong những căn nhà dưới mặt đất này là 21 độ C, cung cấp nơi tránh nóng và tránh rét ổn định cho người dân, cũng như bảo vệ họ trước những cơn bão cát thường xuyên quét qua khu vực.

Phòng chơi bida trong khách sạn Downunder Dugout ở thị trấn.

Ngoài những ngôi nhà dưới lòng đất, thị trấn còn có các cửa hàng, quán bar, nhà hàng trên mặt đất để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.

Trong ảnh là con đường chính chạy qua thị trấn, nơi lớp đất đỏ từ các mỏ khai thác đá mắt mèo phủ đầy vệ đường.

Ảnh: Smithsonian Magazine