Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Grand Seiko T0 Constant Force: Khi người Nhật bị ám ảnh về độ chính xác của thời gian

P.W
24/2/2021 8:54Phản hồi: 164
Grand Seiko T0 Constant Force: Khi người Nhật bị ám ảnh về độ chính xác của thời gian
Đêm qua lướt YouTube, mình chợt thấy clip đăng trên kênh chính thức của Grand Seiko, mô tả bộ máy đồng hồ tên là T0 Constant Force Tourbillon Concept, bộ máy mang giá trị thử nghiệm, dùng để tạo ra dữ liệu nghiên cứu nâng cấp máy đồng hồ cơ của thương hiệu Grand Seiko. Nhìn mê quá mới nhớ ra trước đây đã từng có một bài viết mô tả rất chi tiết cách mà bộ máy này vận hành, qua đó tiếp tục chứng minh rằng so với những ông lớn ở Thụy Sỹ, thì Grand Seiko không hề thua kém bất kỳ ai về mặt công nghệ và ý tưởng.



Sẽ thật phí nếu không chia sẻ với những anh em mê đồng hồ cơ về bộ máy T0, về những công nghệ phía sau, cũng như mục đích mà Grand Seiko tạo ra T0 từ hồi tháng 9 năm ngoái, bất kể chúng có dài dòng, phức tạp và khó hiểu đến đâu đi chăng nữa. Ngành nào cũng cần công nghệ để tiến về phía trước, và đồng hồ cơ cổ điển cũng không ngoại lệ.

Không chỉ là bộ máy tourbillon đầu tiên từ Grand Seiko (Credor hồi năm 2016 có Fugaku Tourbillon nên không tính toàn bộ tập đoàn Seiko), mà bên trong T0 Constant Force cũng sở hữu những công nghệ vô cùng đáng nể, tất cả nằm trong một bộ máy gọn gàng kích thước 36mm đường kính. Và công nghệ đáng sợ nhất trên T0 Constant Force đến từ chính cái tên của bộ máy mà người Nhật Bản tạo ra.

Constant Force và nỗi ám ảnh về sự chính xác của thời gian


Để bắt đầu, phải nhắc lại cách một chiếc đồng hồ cơ hoạt động. Lò xo trữ cót là nguồn năng lượng chính, cung cấp mô men xoắn để đồng hồ đếm giờ. Thông qua hệ thống truyền động với những bánh răng, rồi đến hệ thống thoát, một bộ phanh đúng nghĩa để lực mô men tạo ra từ cót chính không bị xả hết trong một lần, từ đó đếm thời gian chuẩn xác nhất có thể. Tiếng tích tắc trong những chiếc đồng hồ cơ cũng từ đây mà ra.

[​IMG]

Vấn đề nảy sinh khi dây cót chính trong chiếc đồng hồ giãn dần trong quá trình sử dụng. Lúc này, lực mô men tác động lên hệ thống truyền động và hệ thống thoát sẽ không ổn định. Lực này bị ảnh hưởng thì độ chính xác trong quá trình hiển thị thời gian cũng sẽ bị ảnh hưởng. Kết hợp với những yếu tố khác, như độ chính xác của bánh răng và những điều kiện bên trong lẫn bên ngoài, đồng hồ cơ luôn có sai số.

Để giải quyết tình trạng này, một ý tưởng gọi là Constant Force được đưa ra. Lúc này, những nghệ nhân cơ khí đẳng cấp sẽ cố gắng làm cách nào đó để lực mô men cấp từ cót chính luôn ổn định. Một trong những cách đầu tiên con người áp dụng để cân bằng lực của cót chính là hệ thống bánh xích, kết cấu không khác gì ròng rọc. Bánh xích này kết nối trực tiếp với cót chính. Dưới đây là hệ thống bánh xích trang bị trong Richard Lange “Pour le mérite” của A. Lange & Sohne:

Tinhte_Dongho2.jpg

Cót chính giảm động năng, xích sẽ từ đó cuốn từ từ vào cót chính thay vì cuốn quanh bánh xe. Chu vi xích càng tăng quanh cót chính, lực mô men giảm dần của cót sẽ được bù đắp, hệt như bánh xích xe đạp của anh em. Hệ thống xích này tạo ra đòn bẩy tạo ra lực bù cho mô men xoắn của cót chính. Từ đó, lực mô men từ cót chính luôn được đảm bảo ổn định.

Nhược điểm lớn nhất của bánh xích điều hòa mô men xoắn trong đồng hồ là nó đắt. Nó đắt vì những chi tiết rất nhỏ bên trong bánh xích khó chế tác, và khó căn chỉnh thời gian để vận hành hoàn hảo. Vì thế, chúng chỉ hiện diện trên những mẫu đồng hồ cực đắt, và về cơ bản cũng chỉ tồn tại để mô tả khả năng của các nghệ nhân thuộc các hãng mà thôi. Lấy ví dụ đơn cử, Zenith Academy George Favre-Jacot có hệ thống xích rất đẹp mắt nhưng giá đâu đó loanh quanh 44.000 USD.

Tinhte_Dongho3.jpg

Quảng cáo


Richard Lange Pour Le Mérite của A. Lange & Sohne còn khiếp hơn, với 636 bộ phận bên trong, bán giá 82.500 USD, gần 2 tỷ.

Tinhte_Dongho4.jpg

Romain Gauthier Logical One Natural Titanium có cách triển khai bánh xích điều hòa mô men cót chính trông rất thông minh, nhưng giá cũng chẳng kém Lange: 100.000 USD.

Tinhte_Dongho5.jpg

Một vấn đề lớn hơn với bánh xích điều hòa mô men cót chính, đó là chúng chiếm rất nhiều diện tích quý giá bên trong một bộ máy đồng hồ. Vậy là các hãng có hai giải pháp khác để tạo ra “Constant Force”. Một là họ sử dụng những chất liệu mới để tăng khả năng đàn hồi của cót chính, ví dụ như 4 lò xo trữ cót trong 2 barrel trang bị cho concept Cartier ID Two sử dụng fiber glass, nhìn rất xuất sắc:

Tinhte_Dongho6.jpg

Quảng cáo


Giải pháp thứ hai là remontoire, hay tạm dịch là cót phụ. Đó là giải pháp mà Grand Seiko sử dụng.

Remontoire là gì, hoạt động như thế nào?


Không chỉ có cót chính, mà remontoire, cót phụ sẽ đảm nhiệm quá trình truyền năng lượng vào hệ thống thoát để điều hòa thời gian, khi những hệ thống cót này kết hợp với nhau, cùng lúc cấp năng lượng dưới dạng lực mô men xoắn đều đặn vào hệ thống thoát. Ưu điểm của remontoire là gọn gàng, không cồng kềnh tốn đất như bánh xích. Nhưng nhược điểm là cót phụ lấy nguồn từ cót chính, song song cấp động năng cho hệ thống thoát, nên cót chính cũng phải gánh nhiều hơn, nhanh hết năng lượng hơn, và bản thân lò xo trữ cót cũng phải đủ khỏe để cấp nguồn cho cả cót phụ lẫn hệ thống thoát. Cót phụ liên tục được cót chính cấp nguồn tự động, chứ không như bản thân cót chính, phải được con người tự lên cót hoặc sử dụng hệ thống búa lên cót như trong đồng hồ tự động.

Tinhte_Dongho7.jpg
Tinhte_Dongho8.jpg

Remontoire thật ra có lịch sử lâu đời chẳng kém gì bánh xích, nhưng dần dần, yêu cầu về mức giá của những chiếc đồng hồ đeo tay khiến cả hai kỹ nghệ chế tác này dần bị quên lãng. May mắn thay, thời gian gần đây remontoire có được sự quan tâm từ khá nhiều hãng. F.P. Journe lừng lẫy từng liệt kê những người sử dụng remontoire để tạo ra chiếc đồng hồ chính xác nhất có thể: George Daniels, Anthony Randall và chính bản thân Journe.

Lấy ví dụ cơ cấu Remontoir d’égalité của F.P. Journe, hay những thương hiệu nổi chẳng kém cũng có những sản phẩm trang bị remontoire: A. Lange & Söhne, Lang & Heyne, Christophe Claret hay Arnold & Son và cả Grönefeld, với chiếc 1941, với cót phụ được cấp nguồn từ cót chính cứ 8 giây một lần:

Tinhte_Dongho9.jpg

Sau khi đã hiểu về remontoire, hãy quay trở lại với T0 Constant Force Tourbillon của Grand Seiko.

Tourbillon và remontoire cùng hiện diện, sai lệch nửa giây mỗi ngày


Trang bị cả tourbillon lẫn cót phụ trong một bộ máy đồng hồ là thứ xưa nay hiếm gặp, nhưng không phải là không có. Lại phải nhắc đến kỳ tài F.P. Journe với chiếc Tourbillon Souverain, hay bớt nổi tiếng hơn là Sidérale Scafusia của IWC, hoặc vào năm 2019 là chiếc Andreas Strehler Trans-Axial Tourbillon cũng có cả cót phụ lẫn tourbillon, nhìn rất đã mắt. Giờ chúng ta có cả bản mẫu T0 Constant Force Tourbillon Concept nữa.

Tinhte_Dongho10.jpg

Được phát triển bởi nhóm kỹ sư, dẫn đầu bởi Takuma Kawauchiya, T0 Constant Force tốn của Grand Seiko 5 năm để hoàn thiện. Năng lượng của bộ máy này đến từ 2 cót chính chạy song song. Hai cót chạy lần lượt sẽ giúp đồng hồ chạy được lâu hơn sau mỗi lần lên cót, nhưng bù lại mô men xoắn sẽ là không đủ để cấp năng lượng cho cả hệ thống thoát tourbillon lẫn cót phụ trong bộ máy. Trong T0, hai cót chính chạy song song cùng lúc là điều cần thiết, và điều đó khiến cho bộ máy này có khả năng vận hành liên tục chỉ đạt ngưỡng 50 giờ liên tục.

Tinhte_Dongho11.jpg

Mọi chi tiết bên trong bộ máy này đều được chế tác một cách kỳ công, có những chi tiết được hoàn thiện bằng tay, tốn rất nhiều thời gian, và hai lồng tourbillon được làm bằng titanium, xử lý nhiệt để có màu xanh nhìn rất mướt. Trông thì cồng kềnh, nhưng thật ra T0 chỉ có đường kính 36mm, dày 8.22mm với toàn bộ lồng tourbillon, tổng cộng chỉ có 340 linh kiện bên trong.

Tinhte_Dongho12.jpg

Để hiểu được cách T0 hoạt động mà chỉ bằng hình ảnh thì rất khó. Có lẽ đó chính là lý do Grand Seiko phải đăng clip lên YouTube để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Thoạt nhìn, cứ tưởng lồng tourbillon đơn, với 6 chân titanium xanh bên trong cầu cố định 3 chân màu xám ở bên ngoài. Nhưng không, bên trong là hai lồng tourbillon, mỗi lồng 3 chân. Lồng bên trong là hệ thống thoát, 8 beat 1 giây, còn lồng bên ngoài chứa hệ thống cót phụ và phanh. Cứ mỗi một giây, cót phụ lại được cấp nguồn từ hai cót chính một lần, tạo ra âm thanh và chuyển động rất mượt, khi nghe đủ 8 tiếng tích tắc của hệ thống thoát là lồng bên ngoài sẽ điểm 1 nhịp chuẩn theo từng giây.

Tinhte_Dongho13.jpg

Kawauchiya giải thích như thế này: “Khi lồng bên ngoài quay, năng lượng sẽ được nạp vào cót phụ kết nối với lồng trong và lồng ngoài, và lực của cót phụ sẽ kết hợp với cót chính để vận hành tourbillon. Nút chặn bằng đá ở lồng trong vận hành với phanh của cót phụ ở lồng ngoài, kiểm soát năng lượng cấp cho hệ thống thoát từ cót remontoire. Nhờ hai hệ thống này và cót chính, năng lượng để vận hành bộ máy đồng hồ được ổn định đến mức tối đa. Khi lồng trong quay 6 độ (1 giây), phanh của cót phụ được nhả ra đến bánh răng tiếp theo. Toàn bộ cơ chế này diễn ra trong vòng 1 giây, tạo ra chuyển động deadbeat second của lồng ngoài tourbillon.”



Nhức não quá, thế vậy toàn bộ những lý thuyết phức tạp và quá trình chế tác dài hơi ấy đem lại điều gì? Bộ máy T0 Constant Force của Grand Seiko có sai số chỉ nửa giây mỗi ngày, con số mà bất kỳ hãng đồng hồ Thụy Sỹ nào cũng phải kiêng nể.

Điều hơi đáng tiếc cuối cùng, vì đang là một bản mẫu thử nghiệm, nên khó có thể thấy T0 được trang bị cho một chiếc đồng hồ thương mại hóa trong tương lai gần, vì chính Grand Seiko cũng đã cho biết bộ máy này được tạo ra để nghiên cứu và thu thập dữ liệu, qua đó nâng cấp cho những bộ máy đồng hồ tự động mà những nghệ nhân Nhật Bản sản xuất và bán ra thị trường.

Tham khảo Hodinkee, Monochrome Watches
164 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Mê. Cái đh cơ đầu tiên của mình là Seiko. Thích thương hiệu này.
phamlong
TÍCH CỰC
3 năm
@caffeinezzZ cái đó mua hồi lâu lắc rồi, giờ đang order con này về lâu lâu đeo chơi, không biết chạy chính xác không nữa
5478AE40-FF93-4826-8522-8090C12AB6B4.jpeg
@SPL Khoan, ý mình là ông ý làm handmade, số lượng ít mà giá (qua đấu giá) cũng chỉ bằng hàng làm đại trà thì tuổi gì mà đòi đứng trên
SPL
TÍCH CỰC
3 năm
@sskkb Đâu, ông nào vậy bác 😁
@SPL Mấy ông nghệ nhân đứng đầu cái bảng xếp hạng đó
Nhìn các chi tiết trong đồng hồ thích thật, như bức tranh nghệ thuật
@COVID-19 CHN Đồng hồ cơ được mệnh danh là kỳ quan bỏ túi mà
👍
CylNguyen
TÍCH CỰC
3 năm
Nói ám ảnh thấy k đúng, vì ng nhật muốn làm ra 1 con đồng hồ để khẳng định vị thế và giá trị của mình với Thuỵ Sĩ thì đúng hơn
@CylNguyen Ông gì shark tank mỹ chuộng GS vcl kìa. Giá rẻ đẹp + chuẩn hơn đồng hồ thụy sĩ
bikid_18_2
TÍCH CỰC
3 năm
@CylNguyen @CylNguyen họ nổi tiếng nhưng ở trình độ mình làm sao biết được họ là ai bác? Đâu phải cứ Celeb đeo là chiếc đồng hồ đó gọi là giá trị thương hiệu ? Ở châu âu và châu mỹ hành vi mua hàng của họ khác Việt Nam, họ mua thứ phục vụ họ chứ ko mua nó vì người nổi tiếng đeo. Đó là vì sao châu âu và mỹ mới là thị trường tiềm năng của Seiko? Ở châu á họ chưa chinh phục dc vì thói quen này đáy bạn?
CylNguyen
TÍCH CỰC
3 năm
@bikid_18_2 họ nổi tiếng thì cái đồng hồ trên tay họ đã nhận được sự quan tâm lớn hơn rồi bác, khi bác nổi tiếng bác sẽ phải lựa 1 chiếc có giá trị ngang với bản thân bác, bác check xem số liệu đồng hồ Thụy Sĩ bán ra hàng năm đi 😁 2 thị trường bác nói Thụy Sĩ còn đứng top 1. 1 brand Nhật kbh làm người Mỹ và người Âu tin tưởng bằng 1 brand đồng hồ Thụy Sĩ bác nhé.

mình để 2 hình năm 2019 để bác tham khảo cho vui, bác xem giúp mình có brands Nhật nào on top ko nha
1234.jpg
431.jpg
Nhìn phê quá! Dù đọc rất chỉ là hại não 😊
Nể thật
Kinh vãi
Những kiệt tác của nghệ thuật chế tác. 😁
limann
TÍCH CỰC
3 năm
Bài hay nhưng khỏi cần thuốc ngủ - đọc xong lú luôn , ngủ ngon ghê 😆
hai tmt
TÍCH CỰC
3 năm
Nhìn mê quá, các chi tiết thật tinh tế và chính xác...
Cảm ơn bác bài viết hay lắm bác !
LeeTranLink
ĐẠI BÀNG
3 năm
Một cỗ máy phức tạp và tinh vi, nhìn thực sự rất đã!
Quá khủng
ám ảnh nên nó mới chế ra Casio rồi chính xác vô đôi haha
Chứ máy cơ sao chính xác bằng điện tử hem?
@Cu Sữa Nhưng máy cơ đẹp hơn.
Đồng hồ điện tử = xe sang
Đồng hồ cơ = siêu xe
😁😁
@CàChớn-Forever đúng rồi bạn... nhưng đang nói chính xác mà hehe..
@Cu Sữa mình nói "nhưng" mà 😁
@CàChớn-Forever
Cười vô mặt
Đẹp vãi
Những kiệt tác cơ khí
thientlm
ĐẠI BÀNG
3 năm
Cảm ơn Bạn, bài hay quá. TinhTe cần hơn những bài như vầy
Evening_Sky
ĐẠI BÀNG
3 năm
Nếu nhận xét công bằng mà nói thì Seiko có phần ngang với đồng hồ tầm trung của châu Âu (Đức, Thuỵ Sĩ) nếu như không muốn nói là có phần vượt hơn. Nhưng so với đồng hồ xa xỉ thì có vẻ chưa vươn tới. Đó là nhận xét cá nhân của mình sau quá trình gần chục năm tìm hiểu đồng hồ cơ, đúng hơn thì là mình chém gió, chứ mình vẫn chưa có nổi một con đồng hồ nào gọi là vượt tầm trung chứ đừng nói chi xa xỉ 😆
@huynhtam4404 Chắc đồng hồ xa xỉ của TS mà Seiko vượt xa là Rolex nhể 😆
bikid_18_2
TÍCH CỰC
3 năm
@sskkb @sskkb sao lại ko tự hào bạn? 1 thằng sinh sau đẻ muộn , luôn bị cho là kẻ học việc còn TS mới là cái nôi của đồng hồ cuối cùng nó sinh sau đẻ muộn cho mấy thằng bố đời trước hít khói thì sao ko gọi là tự hào được bạn? Bạn đừng thần thánh hoá TS quá, đúng là ai chả thích đồng hồ TS ngay cả chính bản thân tôi còn thích rolex lòi ra đây, nhưng thích ko có nghĩa là mình phũ bỏ những giá trị mà các hãng khác mang lại, ko có sự phát triển của seiko lấy đâu ra động lực cạnh tranh hoàn thiện để các bạn có rolex có pantek, AP hay hublot như bây giờ để đeo? Cạnh tranh là lành mạnh để cùng nhau tốt hơn bạn à 💪🏻
huynhtam4404
ĐẠI BÀNG
3 năm
@sskkb @sskkb Rolex thì xá gì, chỉ giỏi marketing chứ độ tinh xảo và know how có mấy đâu, ở đây mình mún nói đến là PP, là Breguet, là A Lange & Sohne
Hại não thật, nhưng hiểu thêm đồng hồ cơ là kiệt tác về cơ khí.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019