Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 18/5/2022, 10:10 (GMT+7)

Dòng kênh từng bị lấp hồi sinh sau cải tạo

TP HCMSau 22 năm bị lấp dẫn tới ô nhiễm nặng, kênh Hàng Bàng chảy qua quận 5, 6 dần được khôi phục, làm thay đổi cảnh quan, nâng cao đời sống người dân dọc hai bờ.

Năm 2000, kênh Hàng Bàng dài gần hai km chạy từ Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) bị lấp để lắp cống hộp do ô nhiễm nặng. Hai đầu kênh bị lấn chiếm nên chỉ rộng gần 2 m, dòng nước đen kịt với đủ loại rác thải.

15 năm sau, TP HCM quyết định khôi phục kênh Hàng Bàng với ba giai đoạn, kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Công trình nhằm thoát nước, giảm ô nhiễm, tái định cư cho các hộ dân sống hai bên, ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2020, song bị chậm trễ.

Giai đoại một, kênh được khôi phục ở hai đầu, xong năm 2017, kinh phí 300 tỷ đồng. Sau 5 năm khơi lại dòng chảy, đoạn đầu kênh từ đường Lò Gốm tới đường Bình Tiên (ảnh) dài 200 m đã có mảng xanh tươi mát, hai bên bờ thành công viên cho người dân trong vùng.

Ở đoạn giao với kênh Lò Gốm, đơn vị thi công đang xây dựng một trạm bơm để thoát nước, giúp chống ngập cho khu vực.

Để "hồi sinh" dòng kênh, đơn vị thi công đã đào xúc, nạo vét hơn 24.000 m3 đất từ những nền nhà, mặt đường san lấp xuống trước đó. Đoạn kênh này rộng 14-16 m, sâu 4-6 m, hai bên bờ là công viên cây xanh.

Cách đó hơn một km là đoạn kênh từ đường Chu Văn An đến Ngô Nhân Tịnh (quận 6) dài khoảng 100 m, thuộc giai đoạn một đã thành hình.

Nước trên kênh khá trong xanh, hai bên được kè đá kiên cố, lắp lan can và trồng cây xanh, có lối đi bộ. Hiện, đoạn kênh này được nuôi khá nhiều cá trê, rô phi, diêu hồng...

Những đoạn kênh Hàng Bàng đã được cải tạo trở thành không gian sinh hoạt của nguời dân. Hai bờ là công viên với chiều rộng hơn 10 m mỗi bên với thảm cỏ, cây xanh, vườn hoa được cắt tỉa gọn gàng.

Ở đoạn kênh giao đường Lò Gốm, cứ cách vài mét lại có một khu vực lắp ghế đá, dụng cụ thể dục, trò chơi trẻ em... thu hút người dân vui chơi.

Chiều 17/5, anh Vũ, 51 tuổi, ra bờ kênh gần nhà tập thể dục. Khi đoạn kênh chưa hoàn thành cải tạo, hàng ngày anh phải đi xe máy tới công viên cách nhà hơn hai km để chạy bộ.

Ở giai đoạn hai, dòng kênh từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (dài 750 m) đang được rào chắn để thi công. Hai bờ kênh được xây công viên cùng hệ thống thoát nước dọc đường Phan Văn Khỏe và Bãi Sậy; các đường xung quanh được nâng cấp, cải tạo...

Giai đoạn này có hơn 470 hộ dân phải giải toả trắng, tổng kinh phí đền bù gần 1.200 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư), do mặt bằng chưa bàn giao đủ, nhà thầu mới thi công một nửa kênh.

Dãy nhà từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ dài hơn 700 m, thuộc giai đoạn 3 chưa được giải toả để dự án triển khai. Chủ đầu tư cho biết, việc giải phóng mặt bằng chậm trễ ngoài ảnh hưởng tiến độ dự án còn phát sinh chi phí, đơn vị đã đề nghị hai địa phương đẩy nhanh.

Đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Lò Gốm đến Bình Tiên. Ảnh: Google Maps

Thống kê của Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, tại TP HCM có khoảng 100 kênh rạch bị san lấp, biến mất trong quá trình đô thị hóa với tổng diện tích hơn 4.000 ha. Nhiều tuyến kênh lớn đã được lắp cống hộp thành đường như: một phần kênh Tân Hóa (quận Bình Tân), Nhiêu Lộc (đoạn quận Tân Bình)...

Quỳnh Trần