Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 7/6/2022, 04:00 (GMT+7)

Câu cá không cần mồi

Quảng NamSau 15 giờ thả hơn 11.000 lưỡi câu không gắn mồi xuống biển, hai ngư dân bắt 9 con cá đuối, nặng gần 50 kg, thu 5 triệu đồng.

Hơn 13h ngày đầu tháng 6, ông Huỳnh Văn Thân, 45 tuổi và ông Nguyễn Văn Linh, 41 tuổi, cùng trú xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, lái chiếc ghe gỗ công suất 12CV rời bến thuyền thôn Long Thạnh gần nhà đi thả câu kiều. 15h, khi cách bờ hai hải lý, ông Thân bắt đầu buông câu.

Câu kiều còn gọi là câu vương, thả lưỡi xuống nước nhưng không gắn mồi. Lưỡi câu làm bằng inox uốn cong, không bị gỉ rét khi ngâm trong nước biển. Dây câu bỏ vào ống tre nẹp lại chắc chắn, gọi là nẹp câu.

Nghề câu kiều bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch, ba tháng còn lại ngư dân ở nhà sửa chữa câu. Lưỡi câu ông Thân mua một kg giá một triệu đồng, dây câu 170.000 đồng/kg. Sau mua khi về, ông tự buộc câu vào dây theo kinh nghiệm 10 năm làm nghề.

Mỗi dây câu dài 20 cm, nối với sợi dây dài, cách nhau 20 cm. Phao được gắn trên sợ dây dài, khi thả xuống chúng nổi cách đáy biển 20-30 cm. Cá bơi qua gặp chướng ngại vật thì quay đầu hoặc quẫy đuôi và mắc vào lưỡi câu.

Ông Thân đang thả một nẹp câu xuống nước. "Hôm nay, tôi thả 45 nẹp, mỗi nẹp câu dài 45 m có 250 lưỡi. Thả hết nẹp này, tôi nối dây vào nẹp khác tạo thành một hàng dài hơn 2 km", ông nói và chia sẻ trước đây có người ở địa phương học từ nơi khác về làm. Ông học theo và đầu tư 30 triệu đồng mua lại chiếc ghe cũ sửa sang, 40 triệu đồng mua câu, dây phát triển nghề.

Quá trình thả, lưỡi câu bị dính vào nhau, tàu phải dừng lại để ông Thân gỡ ra. "Nghề câu này lắm công phu và yêu cầu người câu phải rất nhẫn nại, cẩn thận. Nếu gỡ hấp tấp thì càng rối, không để ý bị lưỡi câu găm vào tay", ông nói.

Sau hơn hai giờ, hai ngư dân thả xong câu và neo ghe giữa biển. Họ mang theo cơm ăn tối, nghỉ đến 24h cùng ngày thì thức dậy nổ máy, thắp điện sáng thu câu. Ông Linh điều khiển tàu, còn ông Thân kéo câu lên để vào khay nhựa. "Quá trình làm phải xắn quần áo lên không lưỡi câu mắc vào", ông Thân nói.

Lưỡi câu mắc phải nhiều đồ vật dưới biển nên cần có hai người xử lý.

Một con cá đuối nặng khoảng 8 kg mắc câu. Theo ông Thân, cá mắc câu chủ yếu là đuối, thỉnh thoảng có nhồng, bớp... nặng trên 10 kg. Cá đuối sống tại tầng đáy, thân dẹt to, mềm nên đi qua lưỡi câu dễ mắc. Các loại cá có vảy ít mắc câu hơn.

Đến 2h hôm sau, khi hoàn tất thu câu, hai ngư dân ước chừng được 50 kg cá đuối. Cá trước khi cho vào hầm chứa phải dùng kìm bấm một đoạn xương ở đuôi. "Đây là xương ngược, nếu đâm vào người rất đau, rút không ra", ông Thân giải thích.

Cá đuối được thương lái thu mua 120.000 đồng/kg, có thể nướng, nấu canh chua... "Chuyến biển này ghe của tôi thu gần 5 triệu đồng, trừ tiền dầu 100.000 đồng; 400.000 đồng thuê người cho câu vào nẹp tre, còn lại 4 triệu đồng chia ba phần", ông Thân hạch toán và cho biết mình vừa là chủ ghe, câu nên hưởng hai phần, phần còn lại của ông Linh.

Câu cá không cần mồi
 
 

Thả câu bắt cá đuối. Video: Sơn Thủy

Sơn Thủy