Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 23/6/2022, 06:00 (GMT+7)

Bên trong tàu quan sát năng lượng neo đậu tại TP HCM

Tàu Energy Observer đi vòng quanh Trái Đất hơn 5 năm mà không cần đổ nhiên liệu, cập cảng Khánh Hội, quận 4, từ 18 đến 29/6.

Trong chuyến du hành vòng quanh thế giới, TP HCM là ở điểm dừng chân thứ 73 của tàu Energy Observer. Đây là con tàu hydrogen đầu tiên tự hành và không phát thải, sử dụng ba nguồn cung cấp năng lượng là mặt trời, nước biển và gió. Việt Nam là một trong những điểm dừng chân cuối cùng trên chuyến du hành của tàu ở Đông Nam Á.

Khởi hành từ cảng quê hương Saint-Malo (Pháp) vào năm 2017, Energy Observer đã đi hơn 50.000 hải lý, thực hiện 72 lần dừng chân, trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia.

Energy Observer có thiết kế hai thân giúp giảm sức cản nước. Tàu có chiều dài 30 m, rộng 12 m, tốc độ tối đa có thể lên đến 14 hải lý mỗi giờ. Trên tàu có tổng cộng hơn 200 tấm pin năng lượng được đặt trên thân tàu để nhận năng lượng từ mặt trời.

Sứ mệnh của con tàu là triển khai các thử nghiệm, sau đó tối ưu hóa chúng, nhằm biến năng lượng sạch, thân thiện với môi trường trở thành giải pháp cụ thể và tới được tay mọi người trên toàn Trái Đất.

Phần đuôi của tàu với dạng thiết kế hai thân với các tấm pin năng lượng xung quanh. Ở giữa hai thân là phao cứu sinh và ghế ngồi có mái trên phía trên.

Ở điểm dừng chân tại TP HCM, thủy thủ đoàn của Energy Observer sẽ giới thiệu hệ thống không phát thải tự động của con tàu cho hàng trăm du khách, nhà hoạch định chính sách, sinh viên.

Khắp thân tàu có ba loại pin năng lượng, tùy thuộc vào vị trí lắp đặt sẽ sử dụng tấm pin khác nhau. Bề mặt tấm pin được làm gồ ghề giúp tăng khả năng hấp thụ ánh sáng và cho mọi người thoải mái đi lại phía trên.

Tàu có hai cột buồm được điều khiển bằng điện. Hệ thống buồm có thể được căng lên giúp tàu hoạt động khi nguồn năng lượng pin không đủ

Để đảm bảo tính tương thích, hệ thống pin nhiên liệu có khả năng cung cấp năng lượng ổn định ngay cả khi tàu hoạt động ở cường độ cao xuyên suốt hành trình.

Ông Marin Jarry, 40 tuổi, thuyền trưởng giới thiệu về thiết kế thân và đầu tàu. Vì mục đích khoa học nên phần lớn không gian trên tàu đều tập trung cho các trang bị liên quan việc nghiên cứu.

Trên nóc tàu vẫn lắp đặt các thiết bị cần thiết như radar, camera, hệ thống đèn định vị...

Các khách mời nghe giới thiệu về buồng chứa khí hydro ở hai bên thân tàu. Hydro được sản xuất trực tiếp trên tàu với nguyên liệu là nước biển.

Không gian bên trong tàu đủ cho khoảng 10 người sinh hoạt, là nơi để nghiên cứu, vận hành, nghỉ ngơi của thuyền viên.

Kỹ sư Luc Bourserie giới thiệu về màn hình kiểm tra và quản lý hệ thống trên tàu. Thuyền viên có thể nhận biết dễ dàng các hư hỏng thông qua màn hình này.

Bên trong có các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt hàng ngày như phòng bếp, nhà vệ sinh, giường ngủ... Trên tàu còn được lắp hai tủ lạnh và một kho lớn.

Tàu Energy Observer đón các đoàn khách đến tham quan trong chiều 22/6.

Theo kế hoạch, nhóm thuyền viên sẽ ghi lại các vấn đề liên quan ô nhiễm và tái chế nhựa, khu dự trữ sinh quyển của UNESCO, turbin gió gần bờ, năng lượng carbon thấp và độ mặn của sông Mekong.

Quỳnh Trần