Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 24/6/2022, 10:03 (GMT+7)

Hàng nghìn xe nối đuôi nhau qua cầu Long Biên

Hà NộiCầu thép Long Biên đã hơn 120 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn phải gánh hàng nghìn xe qua lại.

7h đến 8h hàng ngày, dòng xe nối dài chờ qua cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.

Hồi tháng 5, mặt cầu hai lần bị thủng. Để đảm bảo an toàn, ngày 22/6, hai đầu cầu được lắp rào chắn ngăn xe ba gác, ôtô và xe chở hàng hóa cồng kềnh.

Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý cầu, sử dụng cột thép sơn trắng đỏ và lan can nhựa để chia lối lên cầu thành hai làn. Sáng sớm, người dân từ quận Long Biên sang trung tâm thành phố làm việc nên lưu lượng lớn, gây ùn ứ.

Hiện cầu Long Biên phục vụ ba tuyến đường sắt quốc gia gồm Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Lào Cai. Phần đường bộ chỉ cho phép người đi xe đạp, xe máy; cấm người đi bộ, ôtô, xe máy thồ, xe ba gác vào giờ cao điểm.

Phần cầu chính dài 2.290 m với 19 nhịp dầm thép, đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m và 896 m đường dẫn lên cầu xây bằng đá.

Công trình do người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến 1902, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho đường bộ, làn sát thành cầu dành cho người tuần đường. Trong chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp, sau đó được gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật và nhiều lần được đại tu.

Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ tồn tại, cầu đã trở nên già yếu, hầu hết hạng mục chỉ được gia cố thủ công. Phần lan can sắt phân giới đường ray tàu lửa với đường cho xe thô sơ nhiều đoạn bị tách rời.

Nhiều tà vẹt bằng gỗ đã bị mục nát mà chưa được thay thế. Để đảm bảo an toàn, tốc độ tàu qua cầu chỉ tối đa 15 km/h.

Nền đường bộ đặt nhiều tấm sắt khổ đớn để che đi các vết nứt, đứt gãy.

Nhiều năm qua, cuộc tranh luận ứng xử thế nào với cầu Long Biên chưa có hồi kết, trong khi nhu cầu đi lại giữa người dân hai quận Long Biên, Hoàn Kiếm bức thiết. Một số nhà văn hóa, lịch sử muốn bảo tồn cầu, trong khi nhà quản lý và chuyên gia xây dựng cho rằng cầu đã quá yếu, được xây bằng công nghệ cũ, khó bảo tồn.

Buổi sáng dòng phương tiện từ Long Biên sang trung tâm thủ đô, buổi chiều từ Hoàn Kiếm trở về, gây áp lực cho cây cầu.

Hàng ngày, công nhân vẫn khảo sát, bảo dưỡng những chiếc bu lông, cào phần han gỉ, sơn lại nhiều hạng mục liên quan đến đường ray tàu hỏa để đảm bảo an toàn đường sắt.

Về hướng xử lý cầu Long Biên, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, theo quy hoạch, đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên mà dừng tại khu vực đầu mối Ngọc Hồi. Bộ Giao thông Vận tải đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Sau đó, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, gồm xây cầu mới để thay thế cầu Long Biên.

Ngọc Thành