6 tháng điều tra vụ Việt Á

60 người bị khởi tố, bắt tạm giam sau 6 tháng nhà chức trách điều tra hàng loạt sai phạm liên quan Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh; một số lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ; 37 người là giám đốc CDC, lãnh đạo và cán bộ y tế 15 tỉnh thành.

Bộ Quốc phòng cũng vào cuộc khi phát hiện các sai phạm trong quá trình thực hiện đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Học viện Quân y thực hiện. Trong vụ án do cơ quan điều tra quân đội thụ lý, thượng tá Hồ Anh Sơn (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài) và đại tá Nguyễn Văn Hiệu (Trưởng phòng Trang bị, Vật tư) đã bị khởi tố, bắt tạm giam.


60 người bị bắt tạm giam

Click từng hình để xem chi tiết


7 người

Công ty cổ phần công nghệ Việt Á

5 người

Công ty liên quan

9 người

Bộ, ngành

39 người

CDC, Sở Y tế địa phương




Tháng 2/2020, ông Chu Ngọc Anh, khi là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, đã phê duyệt đề tài này, kinh phí gần 19 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp.

Trong 17 thành viên thực hiện chính đề tài có 14 người thuộc Học viện Quân y, 4 người của Việt Á.

Một tháng sau, kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời. Tháng 12/2020, kit được cấp phép chính thức.

Khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Công ty Việt Á cung cấp kit xét nghiệm cho các tỉnh thành trên cả nước và đã xảy ra nhiều sai phạm.

Tháng 12/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt cùng 5 cấp dưới và Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến mở đầu cho cuộc điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng với hàng loạt tội danh.

C03 xác định khoảng 60 tỉnh, thành đã ký hợp đồng mua sắm vật tư và kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Công an các địa phương được giao làm rõ những nghi vấn vi phạm pháp luật trong việc này. Hiện, tiến trình điều tra chưa kết thúc.

Ít nhất 14 cơ quan y tế địa phương bị xác định có liên quan

Theo cơ quan điều tra, quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, một số lãnh đạo bộ, ngành và đơn vị đã có sai phạm trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao…

Trong đó, ông Chu Ngọc Anh bị cáo buộc trong việc giao, quản lý, sử dụng đề tài đã vi phạm quy định pháp luật. Việc này gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cho là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định trong việc cấp số đăng ký lưu hành” cũng như việc hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương.

Từ khi bắt đầu kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19, doanh thu của Công ty Việt Á tăng vọt lên khoảng 4.000 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào lên 45%. Mỗi bộ kit có giá công bố 470.000 đồng.

Ngoài “bắt tay” với cán bộ, lãnh đạo các CDC để thông thầu, lãnh đạo Việt Á còn chi % ngoài hợp đồng gần 800 tỷ đồng cho nhiều cá nhân, đơn vị.

Sau 6 tháng điều tra, tổng số tài sản bị cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên, thu hồi ước tính hơn 1.600 tỷ đồng.

Liên quan vụ án, nhiều đơn vị, cá nhân đã bị kỷ luật. Trong đó, ba tướng quân đội là lãnh đạo Học viện Quân y bị cách tất cả chức vụ trong Đảng.

Các nhóm tội danh và những con số tổng quan



* Nhiều bị can bị cáo buộc hơn một tội danh

Phạm Dự - Hải Duyên - Hoàng Khánh - Thanh Hạ