Thứ năm, 25/4/2024
Thứ hai, 13/6/2022, 16:00 (GMT+7)

Rừng ở Tây Nguyên bị bức tử

Hàng chục nghìn cây khộp vùng biên giới Gia Lai bị người dân đẽo gốc, đốt, cưa hạ để lấn chiếm đất.

Vùng biên giới xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, có trên 24.000 ha rừng nghèo. Các loài cây trong rừng khộp phần lớn thuộc họ dầu lá rộng như: cà chít, dầu đồng, cẩm liên, bằng lăng...

Năm 2005, dự án hồ chứa nước Ia Mơr được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Để đảm bảo vùng tưới cho dự án thuỷ lợi này, hơn một thập kỷ qua, Gia Lai liên tục trình Thủ tướng xin chuyển đổi hơn 8.000 ha đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, song Quốc hội không thông qua.

Người dân địa phương "đón đầu" bằng cách chặt phá, đẽo gốc, đốt hàng nghìn cây rừng để lấn chiếm, mở rộng diện tích đất. Tình trạng phá rừng xảy ra nhiều ở dọc tuyến kênh chính thuỷ lợi Ia Mơr.

Rừng khộp là kiểu rừng thưa cây lá rộng, chỉ có ở khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Tây Nguyên là nơi duy nhất có rừng khộp, tập trung nhiều ở dọc biên giới với Campuchia.

Những cánh rừng góp phần duy trì cân bằng sinh thái nhờ sự phục hồi rất nhanh vào mùa mưa. Hệ sinh thái khộp là nơi cư trú của nhiều loài thú lớn như voi, bò rừng, bò tót, nhiều loài chim quý như công, gà lôi...

Dọc quốc lộ 14C, hàng trăm cây khộp chết bất thường. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết, chính quyền xã quản lý hơn 13.000 ha rừng tự nhiên. Người dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy...

Hàng loạt gốc khộp bị đẽo gốc, chảy nhựa, khiến cây bị chết rải rác khắp cánh rừng.

Theo ông Tuấn Anh, xã phải quản lý bảo vệ với diện tích rừng lớn trong khi không có lực lượng chuyên trách, chỉ hợp đồng lao động. Họ không qua đào tạo nghiệp vụ, không được sử dụng công cụ hỗ trợ. Một người chỉ được trả ngày công 200.000 đồng mỗi ngày, không thêm chế độ gì.

Nhiều khu vực bị phá trắng, cây rừng nghiêng ngả, chết khô. Ông Đinh Văn Khẩn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr, cho biết đơn vị quản lý hơn 10.000 ha rừng trên địa bàn xã. Từ năm 2019 đến nay, dọc ba tuyến kênh thuỷ lợi Ia Mơr, người dân địa phương tự ý phá rừng, lấn chiếm đất, thường vào đêm khuya.

Từ năm 2021 đến nay, khu vực rừng phòng hộ Ia Mơr xảy ra 5 vụ chống đối người thi hành công vụ trong bảo vệ rừng; 7 vụ cơi lới lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích hơn 18.000 m2.

Cổ thụ đường kính hơn một mét bị đốt cháy gốc trước khi ngã đổ. Cạnh đó, nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân lấn chiếm trồng điều, lúa, mì....

Cây rừng bị người dân đốn hạ, lấy gỗ làm nhà ở, nhà chòi rẫy.

Cây rừng bị cưa hạ chủ yếu sơn, dầu, cà chít (rừng nghèo, nhóm I-IV), đường kính 10-40 cm.

Hàng loạt cây rừng bị chặt phá, đốt cháy, sau đó người dân trồng xen cây mì, lúa, ngô vào diện tích xâm lấn.

Lán trại người dân nằm sâu trong rừng, khiến việc tuần tra kiểm soát của lực lượng quản lý gặp khó khăn.

Diện tích xã Ia Mơr có trên 43.000 ha, trong đó có hơn 1.800 đất nông nghiệp; dân số hơn 2.600 người.

Đức Hoá