Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 15/6/2022, 11:10 (GMT+7)

Nắng nóng 48 độ C tấn công Tây Ban Nha

Người dân Tây Ban Nha ngâm mình trong đài phun nước và tìm mọi cách làm mát khi nắng nóng 48 độ C thiêu đốt nhiều thành phố.

Bảng điện tử hiển thị nhiệt độ ngoài trời 48 độ C dưới thời tiết nắng nóng ở thành phố Seville, miền nam Tây Ban Nha, ngày 13/6.

Đợt nắng nóng khiến nhiệt độ tại nhiều vùng ở Tây Ban Nha vượt quá 40 độ C, cao hơn đáng kể so với mức bình thường thời điểm này trong năm. Chính quyền khuyến cáo người dân uống nhiều nước, ở trong nhà hoặc bóng râm càng nhiều càng tốt.

Hai cô gái dùng quạt giấy để giải nhiệt ở thành phố Sevill, khi giới chức Tây Ban Nha cảnh báo nắng nóng ở khu vực này đạt mức "cực đoan".

Người dân lấy nước làm mát cơ thể tại một vòi nước công cộng ở Seville.

Nhiệt độ dự kiến lên tới 43 độ C tại Cordoba ở miền nam, 41 độ C tại Badajoz ở miền tây và 40 độ C ở Toldeo tại miền trung Tây Ban Nha, theo cơ quan khí tượng Aemet.

Một người đàn ông ngâm mình trong đài phun nước ở Ronda, Tây Ban Nha, ngày 14/6.

Tây Ban Nha từ đầu tuần này đối mặt đợt nắng nóng sớm bất thường, sau khi trải qua mùa xuân nóng bức với nhiệt độ ngang mức trung bình thường thấy vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm.

Đợt nắng nóng dự kiến kéo dài tới 18/6, với nhiệt độ cao hơn từ 7 tới 12 độ C so với mức trung bình thời điểm này trong năm.

Chủ một quầy hàng ở Seville bật quạt máy để làm dịu không khí nóng nực.

"Thật bất thường khi chứng kiến nắng nóng cực đoan như vậy vào thời điểm này trong năm", Ruben del Campo, phát ngôn viên AEMET, nói. AEMET cũng cảnh báo nguy cơ cháy rừng "nghiêm trọng" khắp Tây Ban Nha.

Cơ quan dự báo thời tiết Pháp Meteo France cũng cho biết nước này sẽ trải qua một đợt nắng nóng hơn bình thường với nhiệt độ cao nhất có thể lên tới hơn 40 độ C từ 16 đến 18/6. Meteo France cảnh báo đợt sóng nhiệt sẽ làm tình trạng hạn hán ở Pháp thêm nghiêm trọng, đe dọa tới mùa màng đang vào vụ thu hoạch.

Trong ảnh, một em bé tắm mát giữa các vòi phun nước ở trung tâm thành phố Montpellier, miền nam nước Pháp, ngày 14/6.

Một công nhân xây dựng giải nhiệt tại công trường ở Merignac, ngoại ô Bordeaux, tây nam nước Pháp.

Chính phủ Pháp đã công bố gói 500 triệu Euro (522 triệu USD) khuyến khích các dự án trồng cây đô thị nhằm giải quyết tình trạng nắng nóng ở các thị trấn và thành phố, khi đợt sóng nhiệt bắt đầu tấn công phía nam và tây nam đất nước.

Theo luật năm 2015 được quốc hội Pháp thông qua, tất cả mái nhà ở các tòa nhà xây mới trong khu thương mại đều phải được che phủ một phần bằng cây cối hoặc tấm pin mặt trời.

Cây cối khô héo ở vùng ngoại ô Saint-Maurice-de-Satonnay, phía đông nước Pháp, ngày 13/6.

Pháp đã ban hành các biện pháp hạn chế sử dụng nước ở nhiều khu vực. Các cơ quan quản lý điện nước đang kêu gọi nông dân, nhà máy và các nhà cung cấp dịch vụ công cộng "tiết chế" sử dụng nước.

Pháp năm nay ghi nhận mùa xuân nóng nhất và khô nhất trong lịch sử. Tháng 5 năm nay cũng là tháng 5 nóng kỷ lục từ trước tới nay.

Giới khoa học đã chứng minh biến đổi khí hậu làm tăng tần suất và cường độ các đợt sóng nhiệt. Tình trạng này ngày càng tệ hơn dù con người đang tìm cách hạn chế tình trạng phát thải carbon.

Trái Đất đã nóng lên 1,1 độ kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Giai đoạn 2011-2020 là thập kỷ nóng nhất từng ghi nhận.

Ảnh: AFP/Reuters