Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 20/7/2022, 15:26 (GMT+7)

Nhà cao tầng 'bao vây' đường Lê Văn Lương

Hà NộiKhoảng 30 tòa nhà trên 20 tầng quây kín hai bên đường Lê Văn Lương khiến tuyến này thường xuyên ùn tắc, cư dân thiếu khu vui chơi, không gian cây xanh.

Tòa nhà trụ sở làm việc của Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng (góc phải) tại ô đất N19.1 thuộc quận Cầu Giấy, theo quy hoạch được phê duyệt năm 2002 là đất quân đội, mật độ xây dựng 39,6% và cao 12 tầng.

Tuy nhiên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã có tờ trình và được UBND TP Hà Nội chấp thuận định hướng điều chỉnh từ 12 lên thành 18 tầng; sau đó Sở Quy hoạch và Kiến trúc lại chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật 21 tầng, chưa bao gồm một tầng mái và hai tầng hầm. Gần đó là tòa MB tower và 19 Lê Văn Lương.

Dự án trụ sở Công ty HUD (quận Thanh Xuân) kết hợp văn phòng cho thuê được UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch và Kiến trúc hai lần điều chỉnh quy hoạch, từ chức năng đất ở thành văn phòng, khách sạn, thương mại rồi thành tòa nhà văn phòng HUD Tower, làm tăng gấp 3 lần hệ số sử dụng đất và tăng từ 16 thành 32 tầng.

Tại dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 do Công ty Handico6 làm chủ đầu tư (tên thương mại là dự án Diamond Flower Tower, 48 Lê Văn Lương), Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận UBND TP Hà Nội một lần điều chỉnh quy hoạch, Sở Quy hoạch và Kiến trúc ba lần điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định pháp luật.

Sau nhiều lần điều chỉnh, tòa nhà tăng từ 6 tầng lên thành 39 tầng; chức năng sử dụng đất từ thương mại, dịch vụ công cộng thành trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà ở. Hệ số sử dụng đất của dự án này đã tăng từ 1,24 lần lên thành 13,4 lần; mật độ xây dựng từ 31% lên 40,05%; dân số tăng thêm 912.

Tương tự, dự án Dịch vụ thương mại, công cộng, nhà ở và nhà trẻ (tại ô đất 4.1-CC - dự án BRG Diamond) do Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư cũng bị Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận đã 5 lần điều chỉnh quy hoạch.

Thành phố đã điều chỉnh từ đất công cộng thành dịch vụ công cộng và văn phòng nhà ở rồi thành dịch vụ thương mại, công cộng nhà ở và nhà trẻ; nâng độ cao từ 18,5 thành 35 tầng, mật độ xây dựng từ 53% lên 56%, tăng dân số lên hơn 3.000.

Đối diện ngõ 1 Lê Văn Thiêm là khoảng lưu không chật hẹp giữa bốn tòa nhà cao tầng độc lập, chính giữa là hầm ngầm để ôtô, xe máy.

Bãi đỗ xe, trạm cung cấp nhiên liệu, cây xanh đô thị và dịch vụ công cộng do Công ty TNHH Du lịch và Thương mại sông Hồng làm chủ đầu tư.

Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án đề xuất bố trí trạm tiếp nhiên liệu phục vụ nhu cầu tại chỗ của bãi đỗ xe rộng hơn 6.500 m2, bao gồm bãi đỗ xe và cả diện tích cây xanh là "không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500". Quận Thanh Xuân phê duyệt ô đất bãi đỗ xe trên 3.300 m2 là "điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền, không xác định chỉ giới, cốt xây dựng".

Các tòa nhà mới mọc lên không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư công trình hỗn hợp. Phần đất giữa hai tòa nhà của khu Trung Hòa - Nhân Chính được xây dựng gần 20 năm trước mới thấy có sự xuất hiện của hàng cây, phía sau là trường tiểu học.

Xung quanh những tòa nhà mới xây hầu hết không còn chỗ cho khu vui chơi, sinh hoạt chung cho người già và trẻ nhỏ. Tại sân chơi của khu tái định cư Nhân Chính, không gian bị chiếm dụng làm chỗ để ôtô.

Kết luận thanh tra nêu rõ UBND TP Hà Nội và cơ quan chuyên môn nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật cho từng dự án theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, có dự án tăng từ 5 thành 30 tầng. Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến gia tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng, thiếu đất dành cho giáo dục, trường học, cây xanh...

Chiều tối, khoảng sân rộng hơn 30 m2 dưới chân Tòa nhà Golden West là nơi vui chơi của cộng đồng dân cư tại đây. Hầu hết những đứa trẻ chỉ đạp xe quẩn quanh một góc và mép sảnh tòa nhà.

Mật độ xây dựng trên đường Lê Văn Lương rất lớn nên vào giờ tan tầm, ngã tư đường Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy chật kín phương tiện lưu thông.

Tại hội thảo phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng hôm qua ở Bắc Ninh, đề cập tới hạn chế của vùng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chỉ ra việc quy hoạch lộn xộn, không đồng bộ về hạ tầng ở Hà Nội. Ông nói "đường Lê Văn Lương là điển hình của quy hoạch bất cập".

Nhà cao tầng san sát 'phá' qui hoạch đường Lê Văn Lương
 
 

Nhà cao tầng hai bên đường Lê Văn Lương. Video: Ngọc Thành

Ngọc Thành - Võ Hải