Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 7/8/2022, 13:02 (GMT+7)

Trưng bày bảo vật quốc gia và cổ vật tàu đắm

Ba bảo vật quốc gia và hàng trăm cổ vật từ bốn con tàu cổ đắm lần đầu được trưng bày chung ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.

Từ ngày 6 đến 8/8, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tổ chức trưng bày Tinh hoa di sản từ những con tàu cổ và Bảo vật quốc gia nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu...

Trưng bày được tổ chức ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ngay lối vào bảo tàng là tượng Gajasimha đầu voi mình sư tử, thuộc văn hóa chăm thế kỷ 11.

Tượng được khai quật cuối những năm 1980, trong di tích tháp Chăm Chánh Lộ. Theo quan niệm của người Chăm, Gajasimha là vật cưỡi của thần Siva, một trong ba vị thần có quyền năng tối thượng, là hiện thân cho đấng sáng tạo và đấng hủy diệt.

Ở vị trí trung tâm của khu trưng bày là tượng Tu sĩ Champa Phú Hưng, niên đại thế kỷ 9-10.

Pho tượng có nguồn gốc từ tháp Phú Hưng (Tam Kỳ, Quảng Nam) do Công an Quảng Ngãi thu giữ và chuyển giao cho bảo tàng năm 1994.

Tượng thể hiện vị thầy thông thái của Champa với phong cách nghệ thuật tạc tượng độc đáo, hoàn mỹ, là tác phẩm độc nhất vô nhị, chưa có tiêu bản thứ hai.

Tượng thuộc phong cách nghệ thuật Mỹ Sơn A1, còn gọi là phong cách Trà Kiệu muộn trong nghệ thuật điêu khắc đá của Champa.

Bộ Sưu tập Bình gốm đất nung Long Thạnh, thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, khoảng 3.000 năm trước.

Những tác phẩm gốm này được phát hiện ở khu mộ táng khai quật năm 1978 thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ và trong mộ táng được đào lên năm 1994.

Bộ sưu tập Bình gốm đất nung gồm 18 hiện vật được tạo dáng một cách cân đối, hài hòa theo dáng hình lọ hoa với cổ vươn cao thắt lại, miệng loe xiên rộng, thân có dạng hình cầu hoặc hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân.

Thủ pháp trang trí chính là khắc vạch với các loại hoa văn phong phú đa dạng như hình chữ S, tam giác, hồi văn chữ nhật, những đường chỉ chìm lượn sóng song song hay những đường sóng nước cách điệu tựa như ngọn sóng biển xô dạt vào bờ, mô tả cuộc sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với biển cả.

Đây là sưu tập bình gốm độc bản được nặn bằng tay duy nhất còn gần như nguyên vẹn; mỗi hiện vật là một tác phẩm tạo hình bằng gốm độc đáo không chỉ có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật mà còn thể hiện rõ đặc trưng của đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh.

Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng được Thủ tướng phê duyệt công nhận là bảo vật quốc gia hồi tháng 12/2020.

Bộ sưu tập gồm 15 hiện vật là nhẫn, khuyên tai, hoa tai, niên đại thế kỷ 10-12, được tạo tác từ nghệ thuật kim hoàn đỉnh cao của Champa, là hiện vật gốc độc bản được phát hiện cho đến nay.

Chị Đặng Thị Hiền, thuyết minh viên ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi kể về nguồn gốc các cổ vật. Chị cho biết Quảng Ngãi có ba bảo vật quốc gia là Tượng Tu sĩ Champa, Bộ bình gốm đất nung Long Thạnh, Bộ trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng.

Trong lần trưng bày này, ngoài 3 bảo vật trên còn có gần 300 hiện vật từ hai tàu cổ đắm ở Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi), tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và tàu cổ đắm ở Bình Thuận.

Số cổ vật này phần lớn được Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi quản lý, bên cạnh đó là các cổ vật do Hội di sản tỉnh mang đến.

Các cổ vật được bỏ trong tủ kính giữa không gian trưng bày trang nhã.

Theo các nhà khảo cổ, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong Con đường tơ lụa trên biển. Tại các vùng biển duyên hải xuất hiện nhiều tuyến đường biển, hải cảng và trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cũng như điểm dừng chân của các thương thuyền các nước.

Thời gian qua, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước thuộc vùng biển miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã tìm thấy nhiều con tàu cổ bị đắm với hàng trăm nghìn cổ vật khác nhau được trục vớt.

Tượng Phật và ấm đồng niên đại thế kỷ 15-17 được tìm thấy khi khai quật tàu cổ Bình Châu 1 ở Quảng Ngãi.

Đĩa gốm thế kỷ 15-17 trong Tàu cổ Bình Châu 1.

Ghè men ngọc (phía trên) thế kỷ 13-14 của một nhà sưu tập gửi trưng bày và đĩa men ngọc cùng thời kỳ được tìm thấy trong Tàu cổ Bình Châu 2.

Tượng nữ quý tộc thế kỷ 15 và đĩa, bình... cùng thời kỳ trong Tàu cổ Cù Lao Chàm.

Ấm men xanh và bát men trắng thế kỷ 9-10 do các thành viên Hội di sản Quảng Ngãi mang đến trưng bày.

Hoạt động trưng bày thu hút nhiều người dân, các nhà nghiên cứu. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch là người đồng hành với hoạt động khai quật tàu cổ Bình Châu cho biết ông đến đây để chụp ảnh tư liệu phục vụ giảng dạy cho sinh viên.

Cổ vật tàu đắm đang là một trong những di sản quý hiếm tỉnh Quảng Ngãi nắm giữ để phát triển du lịch. Trước đó, Bảo tàng tỉnh đã nhiều lần trưng bày những cổ vật này.

Phạm Linh